Người lưu giữ linh hồn Mẹ Việt Nam Anh hùng qua từng nét vẽ

11/04/2025 - 16:15

PNO - “Cái tôi vẽ không phải chỉ là gương mặt của các mẹ, mà là cả linh hồn của họ" - Họa sĩ Đặng Ái Việt nói.

Sáng 11/4, Thành Đoàn TPHCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức chương trình giao lưu với họa sĩ Đặng Ái Việt và giới thiệu website “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Họa sĩ Đặng Ái Việt giao lưu cùng thế hệ trẻ
Họa sĩ Đặng Ái Việt giao lưu cùng thế hệ trẻ

Tại buổi giao lưu đầy xúc động, họa sĩ Đặng Ái Việt - người phụ nữ dành hơn một thập kỷ rong ruổi khắp mọi miền đất nước để vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng - đã chia sẻ một câu nói khiến cả khán phòng lặng đi: “Cái tôi vẽ không phải chỉ là gương mặt của các mẹ, mà là cả linh hồn của họ”.

Cách đây hơn 10 năm, họa sĩ Đặng Ái Việt bắt đầu một hành trình không giống ai. Bà đi dọc chiều dài đất nước, vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng để lưu giữ hình ảnh thiêng liêng ấy cho muôn đời sau. Đến nay, bà đã hoàn tất hơn 3.000 bức vẽ, trong đó bức tranh thứ 3.002 vừa được hoàn thành vào ngày 1/4, khắc họa lại bức chân dung hai Mẹ ở xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Bắt đầu từ chiếc xe máy Chaly nhỏ bé rồi đến chiếc xe Super Honda, nữ họa sĩ 77 tuổi đã rong ruổi trên khắp các nẻo đường của 63 tỉnh, thành phố để đến với những người Mẹ bất khuất, kiên trung. Trên xe là một chiếc ba lô, một thùng đồ nghề đựng giấy, màu và bút vẽ, cùng chút ít tư trang cá nhân.

Hoạ sĩ Đặng Ái Việt luôn xem việc vẽ các Mẹ là một cuộc chạy đua với thời gian. Bà nói: “Không phải cứ đến là vẽ được. Nhiều Mẹ đang bệnh, lớn tuổi, mắt không còn thấy rõ, tai không còn nghe rõ…”.

Với họa sĩ, mỗi bức tranh là một hành trình cảm xúc. Trước khi vẽ, bà luôn dành thời gian trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện đời, những nỗi đau âm thầm mà các Mẹ đã trải qua, khi tiễn chồng, con ra trận và đôi khi chẳng bao giờ thấy họ trở về. Những câu chuyện ấy thấm vào từng nét vẽ, để hình ảnh người Mẹ không chỉ hiện lên sống động trên giấy, mà còn in đậm trong tâm hồn người xem.

Khi được hỏi bức tranh nào khiến bà ấn tượng nhất, bà chỉ nhẹ nhàng đáp: “Tôi không thể chọn, vì mỗi người Mẹ là một câu chuyện bi hùng, không hề giống nhau”.

Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết thêm, mục đích của việc làm này còn mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn là nhắc nhớ thế hệ hôm nay, những người đang sống trong hòa bình đừng bao giờ quên đi công lao của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người có công với cách mạng.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân khu 7 – đã chia sẻ những cảm xúc sâu sắc khi nhắc đến Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến (thân mẫu của ông), đã được họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ chân dung trong hành trình tri ân đặc biệt của bà.

Theo ông Dỹ, việc họa sĩ Đặng Ái Việt miệt mài vẽ hơn 3.000 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng không đơn thuần là một hoạt động nghệ thuật, mà là một cách lưu giữ ký ức dân tộc, như một lời cảnh tỉnh nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau đừng để chiến tranh quay lại, đừng để thêm những người mẹ phải mất con.

"Mẹ tôi là một trong số hơn 140.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được họa sĩ khắc họa. Nhưng tôi nhận ra, không có bức tranh nào giống bức tranh nào. Mỗi Mẹ có một câu chuyện, một cuộc đời riêng và họa sĩ không chỉ dùng tài năng mà còn bằng cả trái tim để thấu hiểu, để tái hiện lại nỗi đau, sự hy sinh, và cả lòng kiên cường của các Mẹ" - ông xúc động nói.

Các bạn đoàn viên, thanh niên tham quan các tác phẩm chân dung của các Mẹ Việt Nam Anh hùng được họa sĩ Đặng Ái Việt khắc họa lại
Các bạn đoàn viên, thanh niên tham quan các tác phẩm chân dung của các Mẹ Việt Nam Anh hùng được họa sĩ Đặng Ái Việt khắc họa lại

Khi ngắm nhìn bức chân dung của mẹ mình, Trung tướng Phạm Văn Dỹ cảm nhận rõ hình ảnh của mẹ ở nửa thế kỷ trước, thấy rõ được nỗi đau hóa đá. Nhưng bên cạnh đó, bức tranh cũng phản chiếu mẹ ông ở một nửa thế kỷ thời bình, nơi hình ảnh người mẹ dường như viên mãn hơn, trong một đất nước đã hồi sinh, phát triển và đi lên.

Ông thay mặt gia đình, hương hồn các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước, bày tỏ sự biết ơn sâu sắc, niềm cảm phục và ngưỡng mộ chân thành đến họa sĩ Đặng Ái Việt - người đã làm nên một hành trình sử thi bằng nét cọ, bằng cả trái tim.

Trung tá Phạm Văn Dỹ chia sẻ thêm, việc các bạn trẻ cùng chung tay số hóa hình ảnh các Mẹ, lan tỏa trên website và nền tảng số, theo ông, chính là cách tri ân ý nghĩa nhất. Đó là sự tiếp nối hành trình của họa sĩ Đặng Ái Việt, không để những giá trị quý báu ấy bị lãng quên, mà truyền lại cho đời sau bằng tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, bằng hành động cụ thể và thiết thực.

Bạn Lê Trung Hiếu – Ủy viên Liên Chi hội Sinh viên Viện Kinh tế và Phát triển Giao thông Vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM – cho biết rất xúc động, đặc biệt khi lần đầu biết đến bức chân dung vẽ người bà cố của mình là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Reo.

Bức chân dung ấy được họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện vào ngày 2/12/2015 trong hành trình đầy ý nghĩa của mình. Họa sĩ không chỉ vẽ “vẻ đẹp”, mà còn khắc họa lại những gian truân, cơ cực, tấm lòng bao dung, kiên cường và tình yêu lớn lao các Mẹ dành cho Tổ quốc.

Với thế hệ sinh viên trẻ, Hiếu cho rằng, sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới không chỉ là câu chuyện kinh tế, công nghệ hay hội nhập quốc tế, mà còn là trách nhiệm kế thừa và tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp.

“Chúng em là những thế hệ trẻ, cần phải vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, vừa không quên sứ mệnh chuyển đổi số, gìn giữ và lan tỏa những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Vì thế, bản thân em sẽ tiếp tục lan tỏa hình ảnh, câu chuyện về các Mẹ, cũng như về hành trình của họa sĩ Đặng Ái Việt đến gần hơn với bạn bè Việt Nam và thế giới” – Trung Hiếu bày tỏ.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt website “Chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng”
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt website “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Họa sĩ Đặng Ái Việt (Đặng Thị Bông) sinh ngày 16/11/1948, quê ở xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Mang trong mình tình yêu nghệ thuật, sự hồn hậu, mộc mạc của mảnh đất và con người quê hương, năm 1963 bà đã trở thành diễn viên đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho khi mới 15 tuổi.

Kết thúc lớp Hội họa Giải phóng ngắn hạn tháng 7/1964, bà về làm việc tại Báo Phụ nữ Giải phóng. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 1981, bà làm giáo viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Campuchia và dành trọn vẹn 20 năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM.

Nghỉ hưu năm 2003, bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi. Từ ngày 19/2/2010 đến nay, bà đã và vẫn tiếp tục thực hiện công trình mỹ thuật ký họa chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên khắp cả nước với hơn 3.000 tác phẩm.

Năm 2010, 2011 và 2013, bà lần lượt được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Sách kỷ lục châu Á xác nhận là người phụ nữ đầu tiên sử dụng xe Chaly đi khắp 63 tỉnh thành ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng, và là người vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất.

Ngày 14/4/2021, Bà được vinh dự trao tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới" theo Quyết định số 2015/QĐ-CTN ngày 13/11/2020 của Chủ tịch nước.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI