Người lưu giữ ký ức quê hương

27/08/2023 - 06:54

PNO - Không sáng tác ra những bức tranh nghệ thuật tuyệt vời nhất hay mưu cầu sự nổi tiếng, ở tuổi 65, bà Belinda Low (một nhân viên văn phòng đã nghỉ hưu) vẫn miệt mài lang thang khắp các con phố ở Singapore để thổi sức sống, đánh thức những ký ức về một thời đã qua bằng loạt tranh tường sống động.

Bà Belinda Low đã vẽ hơn 100 bức tranh tường trên khắp Singapore trong 10 năm qua - Nguồn ảnh: CNA
Bà Belinda Low đã vẽ hơn 100 bức tranh tường trên khắp Singapore trong 10 năm qua - Nguồn ảnh: CNA

Lưu giữ kỷ niệm một thời đã qua 

Belinda Low - một trong những nữ họa sĩ vẽ tranh tường lớn tuổi nhất ở Singapore - luôn tự gọi mình là một “họa sĩ tình cờ” do không được đào tạo chính quy về nghệ thuật. Người dân địa phương yêu mến và ngưỡng mộ Belinda Low thường hay nói vui rằng nắng và mưa dầm có thể làm những bức tranh tường phai màu và bong tróc nhưng tình yêu, sự nhiệt huyết của bà không bao giờ phai nhạt.

Nếu có dịp đến Singapore và đi qua khu nhà 89, 90 hoặc 91 của Tanglin Halt vào cuối tuần, mọi người có thể nhìn thấy bóng dáng một phụ nữ đang vẽ tranh tường, kể cả vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.
Khoác chiếc áo sờn cũ, bà Belinda Low lặng lẽ làm việc. Bà miệt mài tô điểm cho từng bức vẽ trong dự án tranh tường mới nhất của mình. Từ cặp đôi sáng tạo món bánh kếp đậu phộng nổi tiếng cháy hàng của chợ Tanglin Halt cho đến 1 trường học cũ hay 1 phòng TV Setron vào những năm 70… đều được khắc họa rõ nét trên từng bức tường. Bà đang cố lưu lại từng cảnh sắc về Tanglin Halt - khu vực lâu đời nhất của Singapore, nơi có hơn 30 căn hộ, 7 khu thương mại, 2 khu chợ và trung tâm ăn uống bởi không lâu nữa, nơi đây sẽ bị phá bỏ theo kế hoạch tái phát triển của Singapore.

Không phải là họa sĩ chuyên nghiệp nhưng từng bức tranh tường bà Belinda Low vẽ đều tạo cảm xúc cho người xem, như cơ hội để mọi người nhìn ngắm lại tuổi thơ chính mình.

Bà Low tự học vẽ ở tuổi 53, khi các con đã trưởng thành và có cuộc sống riêng. Cảm hứng của bà trỗi dậy sau khi được xem các tác phẩm theo trường phái ấn tượng của danh họa Van Gogh. 

"Tôi từng chăm sóc, nấu ăn và làm mọi thứ cho con. Bây giờ, các con đều có cuộc sống riêng nên tôi hầu như chỉ ở một mình. Vì vậy, tôi đã tìm đến hội họa” - bà chia sẻ về cơ duyên đến với việc vẽ tranh tường.

Bức tranh tường về những người bán hàng nổi tiếng tại chợ Tanglin Halt - Nguồn ảnh: CNA
Bức tranh tường về những người bán hàng nổi tiếng tại chợ Tanglin Halt - Nguồn ảnh: CNA

Để khỏa lấp cảm giác trống rỗng, bà đã vẽ những ký ức sống động trên vải vào mỗi cuối tuần. Năm 2013, bà vẽ bức tranh tường đầu tiên - một con sư tử - trong đường hầm ở ga tàu điện ngầm Clarke Quay. 

“Khi vẽ bức tranh tường đầu tiên, tôi rất phấn khích. Singapore có nhiều tòa nhà, nếu chúng ta có thể vẽ tranh ở từng tòa nhà thì tốt biết bao. Nhìn lại những gì đã làm suốt những năm qua, tôi thực sự không ngờ mình vẽ được nhiều như vậy” - bà nói.

Từ ý nghĩ ban đầu và phát triển chúng, đến nay, bà Low đã vẽ hơn 100 bức tranh tường trên khắp Singapore, làm sống lại nhiều ký ức trong quá khứ. Đó cũng là cách bà lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử tốt đẹp, những khoảnh khắc bà trân quý và hơn hết là cách khiến bà tìm thấy niềm vui sống.

Gợi ký ức đã mất 

Bên cạnh việc lưu giữ những giá trị truyền thống tô điểm cho những bức tường của các khu vực như Clarke Quay, Chinatown, Holland Village… hay làm sống động các khu vực trung tâm như Bishan, Punggol, Yishun…, với bà Low, việc vẽ tranh còn mang ý nghĩa tưởng nhớ bà ngoại và ký ức tuổi thơ của chính mình.
Một trong những người yêu thích tranh vẽ của bà chính là bà ngoại - đã mất cách đây 40 năm. Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ ly hôn, phần lớn tuổi thơ bà gắn bó với bà ngoại nên giữa bà và cháu có sự gắn kết và chia sẻ với nhau nhiều điều.

“Tôi đã trải qua thời thơ ấu chạy rong chơi ở ngôi làng Kampung. Bà tôi thường đi tìm tôi và hét lên “Litta! Lít!” bởi vì bà không phát âm được tên tôi. Bà tôi hét to đến nỗi giọng của bà vang vọng cả Kampung” - bà bật cười, chia sẻ ký ức tuổi thơ đã truyền cảm hứng cho bà vẽ nên bức tranh về những đứa trẻ đang hồn nhiên chạy. 

Những bức tranh tường của bà Belinda Low giúp nhiều người Singapore lưu giữ những ký ức về một thời đã qua - Nguồn ảnh: Mothership
Những bức tranh tường của bà Belinda Low giúp nhiều người Singapore lưu giữ những ký ức về một thời đã qua - Nguồn ảnh: Mothership

 

Đến tận bây giờ, khi được hỏi về điều khiến bà cảm thấy tiếc nuối nhất trong cuộc đời, bà Low không ngần ngại cho biết đó chính là việc rời khỏi làng Kampung chuyển đến sống trong một căn hộ. Điều này khiến cuộc sống bà thay đổi rất nhiều. Bà mất liên lạc với những người hàng xóm. Bà đã biến những tiếc nuối đó thành chất liệu, vẽ chúng lên tường, cố gắng khắc họa lại tình láng giềng và tinh thần Kampung đã mất.

Không chỉ lấy chất liệu từ ký ức bản thân, bà còn khai thác ký ức của cư dân những nơi mà bà đi qua, sau đó thể hiện chúng thành những bức vẽ. Ở mỗi nơi đặt chân đến, bà đều dành nhiều thời gian nói chuyện với người dân địa phương, chủ yếu là những người cao tuổi.

“Có một ông già độc thân sống ở tầng trên. Mỗi ngày, ông ấy thường xuống xem tôi vẽ. Một ngày nọ, ông bắt đầu trò chuyện thân mật với tôi, thậm chí còn mua đồ ăn cho tôi. Ông ấy đã ở đó suốt thời gian tôi vẽ tranh, vì vậy tôi hỏi ông liệu tôi có thể vẽ ông lên tường được không. Ông ấy đồng ý nhưng yêu cầu tôi không được vẽ mặt nên tôi đã vẽ lưng của ông. Vài năm sau, nhận được tin ông qua đời, tôi cảm thấy buồn nhưng cũng được an ủi phần nào vì đã kịp vẽ ông” - bà tâm sự.

Trên hành trình vẽ cuộc sống và ký ức của mình, bà Low cảm thấy may mắn khi niềm đam mê này nhận được sự ủng hộ, dù chỉ là những giá trị tinh thần nhưng vô cùng đáng quý.

Bà Low cho biết vẽ tranh trên tường rất khó. Có những bức tường cũ bề mặt gồ ghề nên khó ăn sơn - Nguồn ảnh: Mothership
Bà Low cho biết vẽ tranh trên tường rất khó. Có những bức tường cũ bề mặt gồ ghề nên khó ăn sơn - Nguồn ảnh: Mothership

Đôi khi, mọi người truyền cảm hứng cho bà theo những cách rất đặc biệt: “Một phụ nữ ở làng Hà Lan (khu phố ăn uống, mua sắm nổi tiếng ở Singapore) đến kể cho tôi nghe về một sân chơi từng có trong khu vực và cho tôi xem những bức tranh về nó, thế là tôi liền có cảm hứng để vẽ nó. Một người cha đã nhìn thấy bức tranh dang dở và nói với con mình rằng ông ấy thường chơi ở sân chơi mà tôi đang vẽ. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi phần nào gợi lại những kỷ niệm cho mọi người” - bà Low nói.

Theo bà Low, việc vẽ tranh tường đòi hỏi rất nhiều sức bền và không phải là công việc dễ dàng. Mỗi ngày, sau khi ăn sáng, bà thường làm việc liên tục 6-7 tiếng (từ 9 giờ sáng đến gần 16 giờ) mà không nghỉ ăn trưa. Bởi lẽ, khi bắt tay vào làm, bà chỉ muốn hoàn thành nó càng sớm càng tốt để tiếp tục hoàn thành những bức tranh khác.

Nữ họa sĩ không chuyên thường làm việc trực tiếp dưới cái nắng như thiêu như đốt. Tuy nhiên, với bà, những ngày mưa là khoảng thời gian vất vả nhất bởi bà cứ phải chạy ra chạy vào nơi trú mưa để hoàn thành công việc của mình. 

Kể cả khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 1 cách đây 3 năm, bà vẫn không từ bỏ việc vẽ tranh. “Lúc đầu, tôi rất sợ hãi nhưng rồi một người bạn rất mạnh mẽ đã khuyến khích tôi chiến đấu với căn bệnh” - bà chia sẻ và cho biết bản thân đã trải qua 10 lần xạ trị và hiện vẫn đang dùng thuốc”.

“Nhiều người nói tôi nên dừng lại việc vẽ tranh tường ở tuổi này để nghỉ ngơi, tận hưởng những niềm vui tuổi già nhưng tôi chỉ cười. Tôi không muốn ngồi từ ngày này sang ngày khác để xem những bộ phim truyền hình mới nhất. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là hãy lắng nghe tiếng nói bên trong của chính các bạn và hành động” - nữ họa sĩ nói. 

Chung Thu Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI