Người lửng lơ trong lòng thành phố

01/03/2015 - 10:02

PNO - “Nếu một buổi chiều lặng lẽ nào đó gọi điện cho bạn bè, người thân mà ai cũng bận rộn, tôi sẽ lang thang ngắm phố xá một mình, tận hưởng cảm giác cô đơn nhưng không hề lạc lõng. Sài Gòn đã là ngôi nhà quen thuộc chất...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sài Gòn là nơi sinh chị ra, nơi nuôi dưỡng tưới tắm tuổi thơ và neo giữ ký ức. Nơi của những lựa chọn và từ bỏ, của hạnh phúc và mất mát…

Sài Gòn bao dung, nghĩa tình

Hẹn Kim Khánh vào một ngày cuối năm, tôi bảo Khánh hãy chọn không gian nào với chị là đặc biệt thân thuộc, gắn bó và có ý nghĩa nhất. Không cần suy nghĩ một giây nào, Khánh nói ngay cái tên SH Garden (số 98 Nguyễn Huệ, Q.1). Tôi gửi xe ở Nhà hát TP.HCM rồi men theo con đường hẹp còn ngổn ngang đất cát phía ngoài rào chắn công trình tàu điện ngầm mới đến được điểm hẹn. Chiếc thang máy gỗ gụ màu nâu sậm cổ xưa từ thời Pháp cọt kẹt, chậm chạp ,“bí ẩn” đưa tôi lên tầng ba của SH Garden.

Nguoi lung lo trong long thanh pho

Kim Khánh ngồi đó, ở góc quán lộng gió có tầm nhìn bao quát xuống thương xá Tax cũ, nhìn xéo qua là khách sạn Rex. “Nơi này trước đây cũng là nhà bác tôi. Thời thơ ấu hàng tuần tôi được ba má cho lên chơi với cô dượng hai và anh chị họ. Tôi thỏa sức chạy nhảy trong vườn và chiều chiều hay ngóc cổ nhìn đàn chim bay rợp trời” - Kim Khánh nói trước khi tôi kịp hỏi lý do.

Có lẽ hiếm ai may mắn gắn bó trọn vẹn đời mình với một không gian phố gần gũi đến vậy. Nhiều người quen biết bảo Khánh có một tình yêu Sài Gòn rất đặc biệt, góc phố nào chị cũng nhớ cũng thương, con đường nào đi qua chị cũng cảm nhận được từng vẻ đẹp đặc trưng, nhớ từng kỷ niệm có ý nghĩa trong mỗi bước chân mình.

Khánh có thể lang thang hàng giờ ngắm phố xá, ngồi một mình ở quán cà phê nào đó ven sông Sài Gòn, giấu mình đâu đó ở những góc quán cà phê Hồ Con Rùa hay những ngã năm, ngã bảy ngắm dòng người như nhịp đời lúc nhanh lúc chậm, lúc đông đúc rồi thưa vắng phía vòng xoay. Chị như một chứng nhân lặng lẽ trước những thay đổi từng ngày của Sài Gòn.

“Đi đâu xa vài ngày trở về, chỉ cần đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, hít thở bầu không khí Sài Gòn là tôi thấy bình an chi lạ. Thế nào tôi cũng sẽ vất hành lý rồi gặp gỡ bạn bè ngay, phải dạo một vòng phố cho đã nhớ rồi mới về ngủ ngon” - Kim Khánh nói.

Khánh bảo chị yêu Sài Gòn vì cái hồn của Sài Gòn chính là con người. Cho dù là ai, ở đâu chăng nữa, nhưng khi gặp nhau ở mảnh đất bao dung này tất cả đều trở thành “người Sài Gòn” hào sảng, nghĩa tình.

Mảnh đất này là hơi thở, gắn liền với tuổi thơ của những ngày chị trèo lên mái nhà đọc sách, nhìn ngắm từng đàn chim chiều bay về tổ, thả ước mơ trên những cánh diều bay rồi cứ thế mà đi trong năm dài tháng rộng. Mảnh đất này cho chị những ngã rẽ đến với nghệ thuật, mở những cánh cửa đến thành công nhưng cũng để chị nếm trải cảm giác mất mát đến tận cùng. Sài Gòn là nơi chị đã kiên quyết chọn ở lại khi gia đình sang Mỹ định cư. Và Sài Gòn cũng đã chở che chị suốt những ngày đối diện với những nỗi đau lớn nhất đời mình.

Nguoi lung lo trong long thanh pho

“Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy mình cũng từng đi qua khoảnh khắc không khác gì kép Tư Bền. Vào lúc tôi đang rạng rỡ chụp ảnh lịch Tết ở cầu Sài Gòn thì được tin ba mất. Tôi về đã không kịp nghe ba trăn trối hay nói với ba những lời sau cùng. Bộ lịch năm đó rất đẹp, tôi mặc đầm đỏ cười rất tươi nhưng mỗi khi nhìn thấy tôi lại mang ám ảnh tội lỗi với chính mình. Sao tôi có thể cười rạng rỡ như vậy trong khi ba đang trút hơi thở cuối cùng và đợi tôi về” - Kim Khánh nghẹn lại khi nhắc về nỗi đau cũ.

Nỗi đau của Kim Khánh không dừng lại ở đại tang ba, cùng lúc tình yêu gắn liền với chị suốt bảy năm cũng mất, rồi một tình bạn thân thiết trả về cho chị sự phản bội, cả nhà lại sang Mỹ. Chị một mình đơn độc giữa Sài Gòn.

Khánh bảo gần hai năm chị mới vượt qua nỗi đau. Suốt ngần ấy thời gian mỗi ngày chị phải đối diện với chính mình. “Sau hàng đêm vắt kiệt sức mình cho những ý nghĩ vỡ nát, một buổi sáng thức giấc, tôi mở cửa nhìn ngắm khoảng vườn đầy ánh nắng. Đường phố vẫn nhộn nhịp ngược xuôi, cuộc sống vẫn tiếp tục chỉ một mình tôi dừng lại và mất hút. Tôi biết mình cần phải sống một cuộc đời khác hơn là cứ rệu rã như thế này” - Kim Khánh chia sẻ.

Nguoi lung lo trong long thanh pho

Chỉ có những người từng đi qua đỉnh cao của nỗi đau mới hiểu hết giá trị của nụ cười, đã từng nếm trải mất mát tận cùng mới biết trân quý niềm vui có thể chỉ là giản đơn. Kim Khánh là một trong số đó. “Khi ấy bước lên từ vực thẳm, tôi bắt đầu luôn biết trân trọng từng khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc đời mình” - chị nói vậy. Bây giờ Khánh luôn cười rất tươi, sống rất giản dị và bình thản. Chị muốn ký ức mãi mãi khép lại, phía trước chỉ còn là những dự định nghệ thuật, làm vì những điều ý nghĩa cho mình, cho đời. Còn những gì thuộc về trần ai quá vãng, chị đã gói ghém và chôn chặt vào lòng phố-đất lành bao dung…

Hạnh phúc là được lựa chọn

Kim Khánh hài hước bảo chị thuộc diện “thích đủ thứ” nên cái gì cũng muốn trải nghiệm, từ huấn luyện viên Aerobic trở thành á khôi, người mẫu, diễn viên điện ảnh và sân khấu, ca sĩ, MC rồi đi học đạo diễn... Khánh có quá nhiều lựa chọn, mọi thứ cứ như một cuộc dạo chơi mà chị bảo “vậy cho vui”. Nhiều người bảo Kim Khánh thật “khó lường”. Bởi chẳng biết chị sẽ chọn gì, làm gì tiếp theo. Đạo diễn Lê Hoàng cũng nói Kim Khánh cứ như “một người lửng lơ trong lòng thành phố, có thể nhìn thấy đó rồi cũng có thể biến mất bất cứ lúc nào”.

Nguoi lung lo trong long thanh pho

Quả thật chẳng có so sánh nào chính xác và hình tượng hơn, bởi Kim Khánh khiến người ta có cảm giác chị chỉ bước một chân vào nghệ thuật rồi lại bước ngay ra. Hết lần này đến lần khác, chị bất ngờ xuất hiện, đột ngột “biến mất” rồi… thình lình trở lại. Như khi khởi đầu ấn tượng với điện ảnh bằng vai Trâm trong phim Đời hát rong, 10 năm sau chị mới tiếp tục với Thảo Linh trong phim Lưới trời, rồi lại bẵng đi rất lâu khán giả mới gặp lại chị qua vai Trầm-Mưa trong vở kịch Trần gian phải có tình yêu.

Bặt tăm thêm nhiều năm nữa, chị trở lại với vai trò… đạo diễn với vở kịch đầu tay mang tên Cầu vồng khuyết. Khánh bảo yêu nghệ thuật nhưng không xem đó là nơi đánh bóng tên tuổi hay là con đường đi tìm đỉnh cao hào quang mà chỉ vì yêu! Chị chấp nhận mất một thời gian dài để được lựa chọn và dồn hết tâm sức cho điều đó. Chị bảo học đạo diễn cũng là cách để đi con đường dài hơn với điện ảnh.

“Quan trọng là những bộ phim, những vở kịch mình làm ra mang đến cho khán giả một thông điệp và những giá trị sống ý nghĩa”. Nói là làm, Kim Khánh xuất hiện ngay trên phim trường Lạc giới với vai trò phó đạo diễn. Khánh bảo chị đã được sống từng ngày với nhân vật, cảm nhận và sẻ chia để thấy tình yêu của người đồng tính cũng đẹp và thanh cao như bất cứ tình yêu nào. Rồi bằng một sự thấu cảm sâu sắc, chị đã tự viết kịch bản và dựng vở Cầu vồng khuyết - câu chuyện dành cho những bi ai thân phận, tổn thương tận cùng của thế giới thứ ba.

Nguoi lung lo trong long thanh pho

Thành công nhưng cũng rất khiêm cung, Kim Khánh không bao giờ muốn chứng tỏ mình là ai hay phải sống thế này thế khác mới là đẳng cấp. Khi trái tim mở ra cùng nỗi đau về thân phận con người cũng chính là lúc con người đi về phía những điều cao cả của cuộc sống. Kim Khánh đang đi con đường hướng về cộng đồng. Chị đã chứng kiến nhiều nỗi bi ai trong cuộc sống bôn ba này, nên những gì thuộc về cảm xúc riêng, chị luôn cố gắng bước qua.

“Tôi trải qua mất mát nhưng không bao giờ đánh mất niềm tin. Cuộc sống cũng như một chu trình của tạo hóa vậy, ngày và đêm, trăng tròn trăng khuyết và có như thế nào mình vẫn đón nhận. Để một quãng dài nhìn lại rồi sẽ thấy cuộc đời của mỗi người như một dòng sông. Tôi nương theo định mệnh, nhận lấy những duyên may và lựa chọn để sống một cuộc đời an nhiên từng ngày” - Kim Khánh trầm tư nhìn về phía hoàng hôn với áng mây lửng lơ trên vòm trời chiều gió. Tôi hiểu, bây giờ lòng chị đã yên.

Kim Khánh của ngày xưa và bây giờ vẫn sống trong ngôi nhà có hồ sen trắng giữa lòng thành phố, vẫn những buổi chiều uống cà phê lộng gió sông Sài Gòn hay yên tĩnh phía những tầng cao, vẫn yêu, vẫn hy vọng, vẫn chờ đợi vẫn tin vào những điều đẹp đẽ.

TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI