Người lớn xử trí sai cách, bé 2 tuổi ở Nam Định sống thực vật vì hóc hạt nhãn

25/07/2018 - 17:01

PNO - Trong lúc ăn nhãn còn nguyên cả hạt, cháu N.T.M (2 tuổi, Nam Định) cười đùa và bất ngờ hóc hạt nhãn. Do xử trí không kịp thời nên bé đã hôn mê sâu và hiện đang sống thực vật.

Chiều 25/7, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T.M (2 tuổi, ở tỉnh Nam Định) sống đời thực vật sau khi được chú cho ăn nhãn nhưng không tách hạt.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, hai chú cháu ăn nhãn và cười đùa, bỗng bé M. bị hóc hạt nhãn. Ngay lập tức, gia đình đưa bé đến bệnh viện huyện trong tình trạng ngưng tim. Bệnh viện tuyến huyện đặt ống nội khí quản và chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện hạt nhãn nằm ngay nắp thanh môn. Các bác sĩ nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi đường thở. Tuy nhiên, bé đã rơi vào hôn mê, tổn thương não do thiếu oxy do xử trí tiếp nhận ban đầu không đúng, không lấy dị vật kịp thời. Hiện bé M. rơi vào tình trạng sống thực vật và tiên lượng dè dặt.

Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhi 4 tuổi bị hóc hạt chôm chôm. Do nhập viện quá muộn nên bệnh nhi này cũng hôn mê sâu.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn cảnh tỉnh, Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên tiếp nhận trẻ bị hóc hạt ngô, hạt lạc, nhãn, tới đồng xu, hình thánh giá đeo cổ. Với các ca hóc dị vật, cha mẹ cần biết cách sơ cấp cứu ban đầu, trước khi đưa tới bệnh viện. 

Nguoi lon xu tri sai cach, be 2 tuoi o Nam Dinh song thuc vat vi hoc hat nhan
Phụ huynh cần nắm vững các bước sơ cứu để kịp thời xử trí hóc dị vật cho trẻ ngay tại nhà

Ở nước ngoài, việc đào tạo kỹ năng cấp cứu hóc dị vật hay đuối nước cho người dân rất phổ biến, nhưng ở nước ta vẫn chưa được đầy đủ. Thậm chí, ngay cả nhiều cán bộ trong ngành y tế chưa nắm vững.

Khi phát hiện trẻ hóc dị vật, cha mẹ động viên trẻ ho mạnh, kích thích đẩy dị vật ra ngoài. Trong trường hợp bệnh nhân ho nhưng không đẩy được dị vật ra, người lớn cần thực hiện các bước sơ cấp cứu ban đầu. Cụ thể:

Bước 1: Tay người cấp cứu đỡ vào cằm của nạn nhân, đầu chúi xuống phía dưới, người của bệnh nhân đặt thẳng lên tay, lên đùi của người cấp cứu.

Bước 2: Xác định vị trí và tiến hành vỗ lưng 5 lần, vỗ lực hướng từ trên xuống dưới. Quan sát xem dị vật ra hay chưa.

Bước 3: Nếu không được, lật bệnh nhân nằm ngược lại và tiến hành ấn ngực. Vị trí ấn ngực xác định ở 1/2 dưới xương ức.

Với trẻ lớn, các bước làm tương tự nhưng cần lấy ghế ngồi để đỡ bệnh nhi. Trong trường hợp, dị vật đã ra khỏi cơ thể, các gia đình vẫn đưa bệnh nhân lên cơ sở y tế để thăm khám. Trong quá trình sơ cứu nên đồng thời gọi điện thoại cho các trung tâm cấp cứu gần nhất.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI