Người lớn thường vô tình làm tổn thương con trẻ vì sự vô tâm của mình

06/05/2017 - 14:37

PNO - Vậy nên, những người lớn chọn nói những lời động viên để tâm tình con em mình trở nên tốt đẹp hơn hay chọn những câu nói hủy diệt cảm xúc tích cực của chúng?

Tôi vừa nghe chị bạn kể chuyện đứa con học lớp 1 hoảng loạn thế nào sau một ngày đi học. Chuyện là, hôm đó cậu bé viết bài chậm lắm vì mải lơ đãng nên bị cô giáo quát tháo và phạt nhốt vào phòng trống. 

Nguoi lon thuong vo tinh lam ton thuong con tre vi su vo tam cua minh
Ảnh minh họa

Cô giáo báo với chị, đó không phải là lần đầu tiên con chị làm chậm trễ giờ dạy của cô. Chị thở dài: “Chắc do thời điểm bọn trẻ sắp kiểm tra cuối kỳ nên cô gặp áp lực. Mà con mình kém tập trung quá. Hỏi vì sao viết bài chậm hơn các bạn, con nói vì bận suy nghĩ về chiếc thuyền của Sinbad”.

Tội cho cả giáo viên và học sinh xứ mình! Học sinh mới chập chững đến trường đã chồng chất bài vở, giáo viên thì suốt ngày phải chạy theo giáo án, chấm bài mệt bở hơi tai, không khí trường học vì thế mà đầy áp lực.

Dĩ nhiên là phụ huynh hiểu được nỗi niềm của giáo viên, nhưng dù “căng” cỡ nào, cũng xin những bạn đã chọn nghiệp làm thầy kiên nhẫn với đám trẻ. Hành động của cô giáo ở trên đã khiến cho đứa bé mang một chấn thương tâm lý. Nếu không có những hành động khác cứu vãn, thì trường học đó, cô giáo đó sẽ trở thành nỗi hoảng sợ của cậu bé.

Tôi nhớ đến giờ học văn năm ấy. Đó là tiết cuối cùng của buổi học, cô giáo cho làm bài kiểm tra, lúc gần hết giờ, cô hối chúng tôi làm nhanh để nộp bài. Chuyện không có gì nếu cô không buông một câu nói nửa đùa nửa thật: “Các em làm bài nhanh lên, chúng ta về sớm để bạn P. còn phụ mẹ bán hột vịt”.

Cậu P. bạn tôi xem đó là một lời mỉa mai hoàn cảnh khó khăn của nhà cậu. Bạn không nói gì, nhưng từ đó gần như cự tuyệt môn văn. Sau này, cậu trở thành cảnh sát giao thông và vẫn không quên câu chuyện cũ nên hễ thấy cô giáo chạy xe đi qua chốt cậu trực là bị thổi lại. Câu chuyện cho thấy, cảm xúc tiêu cực tuổi thơ chẳng dễ dàng xóa bỏ.

Nguoi lon thuong vo tinh lam ton thuong con tre vi su vo tam cua minh
Ảnh minh họa

Mỗi đứa trẻ mang một tính cách và có những hoàn cảnh sống khác nhau, trong đó không thiếu những cô cậu khác biệt, mà người lớn chúng ta thường quen đánh đồng mọi việc như nhau… cho khỏe, lười tìm hiểu vì đâu dẫn đến sự khác biệt đó. Một đứa trẻ sẽ cực kỳ may mắn nếu chúng gặp một người thầy thấu hiểu mình và biết đâu cuộc đời chúng sẽ có những thay đổi tốt đẹp từ đấy.

Tôi nhớ mình đã xúc động khi xem bộ phim ngắn của Ấn Độ Like stars on earth (tựa tiếng Việt là Cậu bé đặc biệt) với câu chủ đề: “Every child is special” (Mọi đứa trẻ đều đặc biệt). Phim kể về cậu bé Ishaan Awasthi mắc chứng khó đọc nên luôn bị giáo viên phàn nàn, đuổi ra khỏi lớp. Cậu bé sợ đến trường và trở nên trầm cảm. May mắn thay, cậu gặp được một người thầy tận tụy tìm hiểu học sinh của mình.

Thầy Shankar không bực tức vì chuyện đọc viết của học trò, mà đem hết tất cả vở của Ishaan để tìm hiểu xem vì sao cậu bé không thể như các bạn. Sau khi biết học trò bị chứng khó đọc, thầy tìm mọi phương pháp để dạy, từ trực quang cho đến tưởng tượng.

Thầy còn phát hiện ra khả năng vẽ và trí tưởng tượng tuyệt vời của Ishaan nên đã tổ chức một cuộc thi vẽ toàn trường, kết quả cậu bé giành giải nhất. Đó là cách thầy động viên cậu học trò đặc biệt và thật hiệu quả, cậu bé vui vẻ hòa nhập với bạn bè, khả năng đọc viết cải thiện đáng kể. 

Một bộ phim khác của Pháp Les Choristes (tựa tiếng Việt Dàn đồng ca) nói về thầy giám thị Mathieu và lũ học trò cá biệt trường Đáy ao. Sự nổi loạn của học sinh, tính cách ẩm ương của chúng đôi khi làm thầy giám thị mệt mỏi, nhưng thầy đã đối diện với học trò bằng một nguyên tắc duy nhất, đó là tình thương.

Có vài chi tiết nhỏ nhưng làm khán giả cảm động, là khi thầy Mathieu muốn thử giọng của học sinh để lập dàn đồng ca, với cậu bé không thể nào hát được, thầy cho làm giá đỡ bản nhạc. Hoặc khi Mondain - cậu học sinh hư hỏng nhất lớp - bị đưa vào phòng biệt giam, thầy Mathieu thốt lên: “Giọng ca duy nhất của lớp này”… Đó là những chi tiết làm khán giả bật cười nhưng cảm động, vì với thầy Mathieu ai cũng sẽ là người có ích, về mặt nào đó, dù cá biệt cỡ nào. 

Một giai thoại đáng nhớ khác là về ông thị trưởng New York Roger Rolls, khi ông còn là học trò. Sống trong một khu ổ chuột, tính cách thô lỗ, ngang ngược, Roger Rolls thường xuyên đánh nhau và trốn học. Một hôm, Roger Rolls nhảy qua cửa sổ để vào lớp và chỉ trỏ lên bục giảng, đúng giờ thầy hiệu trưởng đang dạy.

Thầy hiệu trưởng nhìn bàn tay của cậu học trò và nói: “Nhìn qua tay của em, tôi biết tương lai em sẽ trở thành thống đốc New York”. Rorger Rolls vô cùng ngạc nhiên, nhưng từ đó ông trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khác. Câu nói của thầy hiệu trưởng trở thành mục tiêu phấn đấu của cuộc đời ông, đến năm 51 tuổi ông là người da đen đầu tiên trở thành thống đốc New York.

Trở lại với câu chuyện ở trên, lẽ nào những chuyện tốt đẹp như vậy chỉ có trên phim ảnh hay chỉ là giai thoại? Việc động viên con trẻ với một giáo viên thật sự khó khăn vậy sao? Chắc hẳn đâu đó trên cuộc đời này cũng có nhiều người đã từng là học trò và cuộc đời thay đổi tốt đẹp từ những lời động viên của thầy cô mình chứ?

Vậy nên, những người lớn chọn nói những lời động viên để tâm tình con em mình trở nên tốt đẹp hơn hay chọn những câu nói hủy diệt cảm xúc tích cực của chúng? Chắc không ai cố tình nói lời hủy diệt, nhưng chúng ta thường vô tình làm tổn thương con trẻ vì sự vô tâm của mình, để đến khi giật mình nhận ra mình đã sai thì phải tốn rất nhiều thời gian để làm cho mọi thứ trở lại như cũ. 

Lam Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI