Người lớn ơi, đừng làm con đau!

24/02/2017 - 11:19

PNO - Thay vì chửi mắng thì hướng dẫn trẻ cách làm, nguyên tắc giáo dục là nhấn mạnh, tập trung vào cái đúng, cái tích cực, cái nên làm.

75% trẻ em Việt Nam bị bạo hành theo thống kê của UNICEF, năm 2014, mới đây Bộ Công an cho biết 4.000 vụ bạo lực trẻ em (bị thương tích, giết hại, lạm dụng tình dục…) xảy ra mỗi năm trên cả nước vẫn chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ; do, bạo hành trẻ em vốn ẩn nấp dưới rất nhiều dạng thức và vẫn bị người trong cuộc coi là “chuyện của nhà tôi”.

Nguoi lon oi, dung lam con dau!
 

Từ trong nhà…

Tâm lý “thương cho roi cho vọt” ăn sâu từ nhiều thế hệ phụ huynh trong áo dụng dạy dỗ con là căn nguyên khởi phát vấn nạn bạo lực ở trẻ em; khi mà, “roi vọt” ở mức độ nào được cho phép và có còn phù hợp theo tiến bộ, phát triển của xã hội vẫn không được lưu tâm. Và, không dừng lại ở thể xác, trẻ chịu sự mắng chửi hay chứng kiến những cơn thịnh nộ xảy ra trong gia đình… cũng một dạng thức bạo hành. Nhưng, “dạy con” nếu là lời mắng chửi hay cú bạt tai lại được xếp vào phạm vi “đèn nhà ai nấy sáng”, khó bị phát hiện và không được tố giác. Chỉ những vụ việc trẻ bị bạo hành đến chấn thương thể xác mới được đưa ra “ánh sáng” bởi dư luận và xử lý theo pháp luật.

Cho đến nay, bà Nguyễn Thị Anh (H.Cần Giờ) vẫn tự trách đã không có sự can thiệp nào trong “tiến trình” Xuân - con trai mình từ cậu bé ngoan hiền trở thành một đứa trẻ “không cha”, phải nghỉ học giữa chừng. Theo đó, ông Bình - chồng bà Anh nghiện rượu. 5 năm trước, sau mỗi chiều hoàn tất ngày xế ôm trở về, ông Bình đều mua một bình rượu về uống vừa chửi mắng… đất trời. Ông chửi nốt những người “lởn quởn” xung quanh. Xuân - khi ấy đang học lớp 9, thường xuyên bị cha chửi do thấy ông ngồi nhậu mà không chịu lánh đi.

Chịu chửi bới dai dẳng, một ngày, Xuân “trả treo”: “Trong nhà thì tôi đi ra đi vô chứ không lẽ chui gầm giường chờ ông nhậu xong sao”, ông Bình nghe vậy, tức giận lao đến giáng lên con những cú đấm đá. Cho rằng con không kính trọng mình, từ đó, chỉ cần con nhìn mình, ông Bình đều văng tục chửi mắng con. Im lặng thì thôi, nhưng hễ Xuân nói lại, ông lại lao đến đánh con. Mỗi lần chứng kiến cảnh ấy, bà Anh chỉ biết níu tay, xin con bớt giận mà nhường nhịn cha.

Tình trạng kéo dài hai năm, một chiều đi học về, Xuân bị cha chặn lại: “Mày học hành rồi có làm được ông này bà kia không? hay chỉ tốn tiền tao thôi. Coi lưng mày kìa, lưng dài thì tốn vải, giỏi làm biếng chứ làm gì được?”. Xuân tức giận, nói hỗn: “Ông nói vậy, tôi nghỉ học cho ông vui”. “Mày nghỉ đi cho tao ăn mừng”. Bao bất bình về cha chất chứa lâu nay, được Xuân “dồn” trong cái chỉ tay cha: “Từ rày, tôi và ông không còn là cha con nữa”. Qua phút “đứng hình”, sẵn chai rượu trên tay, ông Bình đập vào mép tai con gây chảy máu. Vừa đưa con vào trạm xá, bà Anh vừa… gọi điện để ngăn người hàng xóm chứng kiến chuyện lên trình báo chính quyền.

Sau hôm đó, Xuân bỏ học, lên Q.Tân Bình ở nhờ nhà người quen, xin phục vụ cho một quán karaoke. Mỗi lần gặp nhau, bà Anh đều bất lực nghe con quả quyết: “Ông ấy không phải cha con”. Trao đổi với chúng tôi, bà Anh vẫn lấy… làm may: “Tôi nghe kể nhiều trường hợp cha mẹ đánh đập khiến con uất ức, tự vẫn; hay sống trong gia đình cha mẹ hay mắng nhiếc nhau, con cái mệt mỏi cũng tự vẫn. Tôi nghĩ, con trai mình thoát khỏi gia đình, khỏi cha nó có lẽ cũng còn là giải pháp may mắn cho gia đình chúng tôi”.

…Ra ngoài ngõ

Không dừng ở trẻ bị bạo hành từ chính người thân trong gia đình, mà môi trường học đường, xã hội cũng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, nguy cơ cao trẻ có thể bị bạo hành.

Thứ bảy tuần rồi, cô con gái 13 tuổi của chị Trần Thị Ngọc (Q.Bình Thạnh) xin nhà Nhung - cô bạn thân chơi. Tiên - con chị Ngọc dặn mẹ đến rước lúc tám giờ tối nhưng chỉ sáu giờ tối, cháu gọi bảo chị đến rước ngay, mà lại rước ở đầu hẻm chứ đừng vào nhà Nhung. Qua điện thoại, nghe cháu mếu máo nói, chị Ngọc hốt hoảng chạy đến. Trên đường đi, chị lại nhận một cuộc gọi của Nhung xin lỗi, nói rằng rất buồn bực, thất vọng với cha mình.

Đầu chị Ngọc ong ong, không hiểu chuyện gì, chỉ mong gặp con gái để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng từ gặp cho đến suốt đường về nhà, Tiên cứ khóc tức tưởi. Bình tĩnh, Tiên mới cho biết. Chuyện là cha của Nhung đi công tác miền Tây mang về một cặp chim rất đẹp, nhốt trong chiếc lồng xinh xắn. Đôi bạn nhỏ thích quá, giở lồng ra cho chim ăn và trong lúc cưng nựng, đã để xổ lồng bay mất một con.

Vì tiếc con chim quý, ba Nhung đùng đùng nổi giận, đã đập chết con chim còn lại trước mặt hai đứa trẻ. Ông còn nổi điên, la mắng, dùng chổi lao đến quất túi bụi vào đôi trẻ, bắt hai đứa dùng tóc của mình lau chỗ phân chim trước khi đem vứt chiếc lồng. Sự sỉ nhục này khiến hai đứa trẻ không chịu đựng nổi và đã ôm mặt òa khóc, chạy ra khỏi nhà. Mặc dù, mẹ Nhung cũng cực lực phản đối hành động của chồng song chỉ châm ngòi cho cuộc chiến giữa hai người. Chị Ngọc đau đớn: “Việc làm của cha Nhung khiến con tôi tổn thương rất lớn vì xưa nay cháu chưa từng trải qua nỗi nhục lớn như thế. Tuy nhiên, đã một tuần trôi qua, ba Nhung vẫn không có lấy một lời xin lỗi, chỉ mẹ con Nhung tìm đến xoa dịu và thở than cho hoàn cảnh của mình”. 

Nhớ lại chuyện mình, chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy (Tổng thư ký Hội khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM) kể: “Tôi có một tuổi thơ dữ dội, tầm 13 - 14 tuổi từng bị nhóm choai choai làng bên đánh tập thể đến phải nằm dưỡng thương một tuần. Tôi cũng từng cùng các anh em trong làng nghênh chiến, chống trả lại; sự việc bị đẩy đến mức cả hai làng ẩu đả, thậm chí đốt nhà nhau…”.

Nguoi lon oi, dung lam con dau!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bạo lực ảnh hưởng ra sao đến tâm hồn, thể chất và tương lai của trẻ, ông Uy cho biết:

Hệ quả đối với mỗi đứa trẻ là khác nhau. Có những điều không thể tránh khỏi là bạo lực khiến trẻ bị tổn thương, có thể bị đau, bị bầm trên da thịt hoặc những tổn thất tinh thần không thể trông thấy, không thể đong đếm được. Trẻ là nạn nhân hay vừa là nạn nhân vừa là chủ thể của bạo lực thì theo thời gian sẽ bị giảm lòng tự tôn. Trẻ có thể tự ti, nhút nhát, sống trong lo sợ, suy nghĩ tiêu cực hoặc mượn cách thể hiện hung hãn, ngang tàng, ngỗ ngáo mà chúng nhầm lẫn đó là mạnh mẽ, tự tin.

Điều nguy hiểm nhất của tác động từ bạo lực không phải là nó sinh ra tính cách gì nơi trẻ mà chính là qua bạo lực, trẻ học lấy cách xử lý tệ hại, thâm hiểm, tin rằng có thể dùng quyền lực để ức hiếp, bắt ép người khác. Một đứa trẻ có hành vi thô lỗ với bạn, hỗn xược với cha mẹ, thầy cô; một người lớn bất lịch sự, sẵn sàng chen lấn nơi công cộng, sẵn sàng đánh nhau khi va quẹt xe trên đường… tất cả có thể là hệ quả từ thói hành xử bạo lực mà người ấy học được. Sự va đập của thói hành xử của những con người này có thể tạo ra một đám đông hỗn loạn, một xã hội hỗn loạn. Và trẻ em dù muốn dù không vẫn hấp thụ hằng ngày, hằng giờ”.

Người Việt Nam thường cậy vào triết lý “hù dọa”, khiến trẻ phải thay đổi chỉ vì lo sợ. Ví dụ: Để con không vướng vào bạo lực học đường, cha mẹ thường kể những vụ bạo lực đó đây cho con tởn, con chừa. Thực ra, điều đó nguy hiểm vì tạo ấn tượng xấu, trẻ tiếp nhận những hình ảnh đấy và sẽ ảnh hưởng đến hành vi của mình khi gặp tình huống phù hợp. Trẻ luôn có cách hợp lý hóa điều mình muốn làm, chẳng hạn “bạn A, bạn B cũng đánh bạn đấy thôi, đâu có sao!”.

Về vấn đề này, tôi dạy con rất ngắn gọn, cụ thể rằng nếu có ai bắt nạt thì con phải lên tiếng: “Tôi không đồng ý việc đó. Bạn làm điều đó là sai. Bạn không có quyền đánh đập người khác”. Khi nói câu đó, trẻ không được khóc vì sẽ thể hiện mình bế tắc, không tìm được cách xử lý. Nói lời dứt khoát, tỏ thái độ cứng rắn, đối tượng sẽ “ngán”, không bắt nạt nữa. Sự chuyển động hiệu quả bắt đầu từ cha mẹ, thầy cô trong việc tập cách nói năng tôn trọng trẻ.

Thay vì chửi mắng thì hướng dẫn trẻ cách làm, nguyên tắc giáo dục là nhấn mạnh, tập trung vào cái đúng, cái tích cực, cái nên làm. Muốn đẩy lùi bạo lực thì dạy con về hòa bình, về hợp tác, dạy con bộc lộ điều mình muốn một cách ôn hòa, nhẹ nhàng. Khó nhất là bản thân người lớn thực hiện được những điều đó trước.

Nhưng, sâu xa và đáng sợ hơn, bạo lực trẻ em, không còn gói gọn trong hệ lụy mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mà vấn nạn này còn dẫn đến một hệ quả tất yếu, đáng buồn cho xã hội: tính truyền nối, tiếp diễn, dẫn từ quá khứ đến tương lai: trẻ bị bạo hành, lớn lên hung hăng, rồi trở thành một người cha/ mẹ bạo hành con cái mình. Cứ thế, đó là vòng tròn không điểm dừng…

Tuyết Dân- Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI