Người lớn mắc sởi dễ biến chứng viêm não hơn trẻ nhỏ

25/04/2014 - 11:56

PNO - PN - Ngày 24/4, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: từ đầu tháng Tư đến nay, BV này tiếp nhận gần 1.140 bệnh nhân (BN) mắc bệnh sởi đến khám, trong đó hơn 270 ca là người lớn, 313 ca phải nhập viện điều trị (người lớn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh - Trưởng khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - khuyến cáo: Ở trẻ mắc bệnh sởi, nếu biến chứng thì bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, hiếm khi bị viêm não; nhưng ở người lớn, nếu xảy ra biến chứng lại dễ bị viêm não. Đặc trưng của chứng viêm não do sởi thường khác với những nguyên nhân gây viêm não ở các bệnh lý khác.

Viêm não do sởi thường có các biểu hiện: mất cảm giác, co giật, sốt cao… Riêng thai phụ khi bị sởi sẽ dễ sẩy thai, sinh non. Đặc biệt, một số BN người lớn trước khi nhập viện thường tự mua thuốc để “xổ ban” vì cho rằng khi ban nổi nhiều sẽ hết bệnh. Thực tế, ban nổi nhiều hay ít là do đặc điểm của bệnh, bệnh nặng hay nhẹ là phụ thuộc vào biến chứng, chứ không phải nổi nhiều hay ít ban, thậm chí có khi ban “bay” hết mới xảy ra biến chứng. Có trường hợp người bệnh tự uống thuốc, chứa corticoid để mau hạ sốt, nhưng bệnh sởi là bệnh làm suy giảm miễn dịch rất nhiều, nếu uống thêm thuốc chứa corticoid thì càng ức chế hệ miễn dịch. Lúc đó, sức đề kháng cơ thể rất yếu, người bệnh càng dễ bị biến chứng nặng hơn, tình trạng nhiễm trùng rất dễ xảy ra.

Cũng theo bác sĩ Vinh, người dân ý thức chích vắc-xin phòng bệnh sởi là tốt, nhưng trong tình hình dịch sởi hiện nay, riêng đối tượng người lớn, chờ dịch bùng phát mới đi chích ngừa thì lại nguy hiểm. Vì các nơi tiêm chủng đang rất đông bệnh nhân, bệnh sởi lại dễ lây và lây rất nhanh; trong khi vắc-xin phải hơn một tuần mới tạo ra kháng thể. Để hạn chế lây sởi khi đi chích ngừa, người dân cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà bông, dung dịch sát khuẩn. Với người lớn, dù lúc nhỏ đã chích ngừa vẫn nên chích lại. Những người đã bị sởi thì không phải đi chích ngừa vì đã có miễn dịch.

Nguoi lon mac soi de bien chung viem nao hon tre nho

Một số bệnh nhân phải nằm ngủ ngoài hành lang vì phòng bệnh quá tải

Theo báo cáo từ các bệnh viện về Bộ Y tế thì những ngày gần đây số lượng BN nhập viện do sởi đã giảm, số ca tử vong do bệnh sởi cũng giảm. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến ngày 24/4, dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố, với 3.569 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi.

Tại một số BV tuyến trung ương, số BN sởi mới nhập viện có xu hướng chững lại và không tăng so với những ngày đầu tháng. Tại các BV có trên 30 BN mắc sởi mới nhập viện hàng ngày trước đây, đến nay chỉ còn năm - mười BN nhập viện mỗi ngày. Hà Nội vẫn là địa phương có số ca tử vong do sởi cao nhất nước với 54 trường hợp (45%). Tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi của cả nước hiện nay đạt 65,3%. Trong đó, năm tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi đạt trên 90% gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Yên, Hậu Giang.

Liên quan đến việc cung ứng vắc-xin sởi, ông Nguyễn Tất Đạt, Cục phó Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định: sẽ cung ứng đầy đủ vắc-xin sởi theo nhu cầu. Hiện nay có hai loại vắc-xin phòng bệnh sởi đơn giá và sáu loại vắc-xin phòng bệnh sởi đa giá (sởi, quai bị, rubella) có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực. Trong đó, vắc-xin MVVAC (số đăng ký QLVX-0295-09) do Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế sản xuất, với công suất 7,5 triệu liều/năm, có thể đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân.

Cũng theo ông Đạt, các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu tiêm dịch vụ vắc-xin phòng bệnh sởi nói riêng và vắc-xin nói chung cần chủ động thực hiện việc lập dự trù, đặt hàng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu để được cung ứng vắc-xin mà không cần xin ý kiến Bộ Y tế.

 Bảo Thoa - Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI