Được lắng nghe những ý kiến, trăn trở, những ước mơ trong sáng mà đầy trách nhiệm của các em qua diễn đàn “Em mơ…”, là người nghiên cứu và hoạt động xã hội, tôi thật sự vui mừng.
Bởi những người hoạt động xã hội gần đây có thể dễ dàng gặp gỡ rất nhiều bạn trẻ nhìn bề ngoài tưởng như chỉ biết ăn, học, chơi và thêm chút nữa là biết “yêu đương”, thực ra đang hết sức nhiệt tình tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Từ sự tham gia tích cực ấy, nhiều em nhanh chóng trưởng thành, trở thành những nhà “lãnh đạo” của bạn bè cùng trang lứa.
Các em nhỏ có cơ hội phát biểu ý kiến trên báo Phụ Nữ cũng vậy. Hôm nay các em đang quan tâm đến vấn đề môi trường, giao thông, người già, người tị nạn trên thế giới...
Ngày mai khi lớn lên, các em sẽ đối mặt thêm với những vấn đề khó giải quyết mà lại trực tiếp liên quan đến mình, như chất lượng giáo dục, tình trạng tham nhũng, bất bình đẳng xã hội, sự thờ ơ vô cảm... (đây chính là những vấn đề thanh thiếu niên Việt Nam đang quan tâm, theo một cuộc khảo sát gần đây với hàng ngàn người từ 15 đến 30 tuổi)*.
Các em cũng hoàn toàn có thể gặp phải những đối xử bất công ở phạm vi cá nhân và cần biết cách xử lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nhiều thanh thiếu niên đã tổ chức các nhóm thiện nguyện ở bệnh viện, ở vùng cao, vùng xa, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới, tham gia các hoạt động vì quyền của các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...
Nếu được cha mẹ và nhà trường cổ vũ, những hoạt động đóng góp cho xã hội mà các em được trải nghiệm hôm nay sẽ là nền tảng để các em giải quyết được những vấn đề có thể gặp phải ngày mai.
Tuy nhiên có thể nhận thấy quá trình phát triển bản thân và tham gia đóng góp cho xã hội của các em hiện vẫn còn gặp không ít cản trở, từ sự ngần ngại của gia đình, sợ con mải mê hoạt động mà bớt thời gian học hành, cho tới quan niệm phổ biến trong xã hội là trẻ em chưa đủ hiểu biết để tham gia, hoặc còn nông nổi, bồng bột, cần sự quản lý sát sao để đi
đúng hướng.
Hệ quả là đang có một khoảng cách khá xa giữa ý thức và hành động của giới trẻ. Hầu hết các em tham gia khảo sát nói trên cho rằng xã hội Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề cần thay đổi. Tới 68% các em cho rằng giải quyết vấn đề là trách nhiệm của chính bản thân mình.
Tuy nhiên đa số các em lại không biết bắt đầu từ đâu, làm gì và làm như thế nào. Nhiều em cảm thấy bất lực, không tin mình có khả năng tạo thay đổi, hậu quả là buông xuôi và thậm chí hoàn toàn bi quan về tương lai. Những ước mơ trong sáng của các em dễ dàng tan vỡ bởi thiếu luyện rèn trong thực tế cuộc sống.
Vì vậy, các bậc cha mẹ đừng chờ tới khi con em mình lớn lên, ngỡ ngàng trước thực tế và mất phương hướng, đừng chỉ tập trung cho con ăn học mà hãy cho phép con tham gia, thậm chí khởi xướng những hoạt động thực tế ngoài việc học ở trường ngay từ khi con còn nhỏ.
Đó là cách khả thi nhất để rèn luyện con mình thoát khỏi viễn cảnh “gà công nghiệp” hay bi quan yếm thế. Sẽ không thể trông đợi một thanh niên 18-20 tuổi bỗng nhiên có ý thức độc lập, có bản lĩnh, có thái độ sống tích cực và tinh thần vì người khác nếu cả thời học sinh 12 năm dài không tạo điều kiện cho em trải nghiệm đời sống xã hội, đóng góp phần mình vào việc tạo ra đời sống ấy.
Rộng hơn phạm vi gia đình và sự cho phép của cha mẹ, các em cần có những không gian cởi mở hơn ở nhà trường và cộng đồng để sáng tạo và hành động. Một học sinh tham gia khảo sát cho biết các em “”.
Tư duy kìm hãm, sợ các em làm sai đã khiến nhà trường chưa phải là môi trường để các em vừa học vừa hành. Riêng về chủ đề giáo dục, cũng từ khảo sát này, chỉ 21,9% thanh niên đồng ý là trường học cho họ kiến thức cần thiết, trong khi có tới 74% cho rằng những điều họ học ở trường là lạc hậu so với cuộc sống.
Tương tự, các em cho biết mọi người ở cộng đồng “”. Những quan niệm kiểu này có thể nói là khá phổ biến, đang bóp nghẹt khả năng tư duy, thể hiện chính kiến và dẫn tới hành động của thanh thiếu niên.
Rõ ràng sự cống hiến sức trẻ của các em không chỉ có lợi cho xã hội, mà quan trọng không kém là còn có lợi cho bản thân các em cùng gia đình mình. Là các bậc cha mẹ, là thế hệ đi trước, chúng ta sẽ chuẩn bị cho con em mình tâm thế nào để đón nhận thử thách, sống tích cực trong bất cứ hoàn cảnh nào?
Hay tốt hơn nữa là có khả năng thay đổi những hoàn cảnh đó để tạo ra môi trường ổn định và ngày càng lành mạnh hơn? Chắc chắn không thể dừng lại ở sự vui mừng, tự hào trước những suy nghĩ “người lớn” của trẻ, mà còn phải cổ vũ và tạo ra cơ hội để trẻ được cọ xát, trải nghiệm và đóng góp cho đời sống từ việc hiện thực hóa những mơ ước trẻ thơ.
Thạc sĩ Vũ Thị Phương Thảo
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường
* Nghiên cứu “Đánh giá các rào cản, cơ hội và chiến lược để thanh niên Việt Nam tham gia vào hoạt động dân sự, xã hội” hoàn thành tháng 5/2016, tác giả Lê Quang Bình,
tổ chức Oxfam tài trợ.