Người lớn không được phép thờ ơ

11/09/2023 - 06:29

PNO - Vừa bước vào năm học mới, đã xuất hiện các vụ bạo lực học đường.

Ngày 8/9, xuất hiện đoạn video 2 nữ sinh THCS ở tỉnh Nghệ An đánh nhau. Trước đó, xuất hiện đoạn video ghi cảnh 2 nữ sinh THPT ở huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai đánh nhau trong ngày nhận lớp, xung quanh là đông đảo bạn học reo hò và cầm điện thoại quay lại. 

Bạo lực học đường làm cho học sinh bị giảm học lực, rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm và có thể dẫn đến hành vi đáng tiếc như tự tử. 

Trong hầu hết vụ bạo lực học đường, nạn nhân thường sợ hãi chịu đựng, không dám kể cho ai nghe để được giúp đỡ. Từ đó, bạo lực học đường càng được dịp leo thang. Nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, tình trạng bắt nạt ở học đường gia tăng là do kỹ năng xử lý của cha mẹ và giáo viên chưa tốt. Việc người lớn bỏ qua hoặc thờ ơ với bạo lực học đường khiến tình trạng này có “đất sống”.

Bạo lực học đường không chỉ có ở Việt Nam. Nó là vấn đề toàn cầu. Theo một báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, hơn 50% thanh thiếu niên từng bị các bạn đồng trang lứa bắt nạt ngay trong trường và xung quanh trường khi ở độ tuổi 13-15.

Theo một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, giống như cơn đột quỵ, nạn nhân bạo lực cũng có dấu hiệu báo trước. Đó là sự lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, sợ đến trường, thậm chí có ý tưởng tự sát. Nếu người lớn - bao gồm giáo viên, ban giám hiệu nhà trường, người thân trong gia đình - kịp thời nắm bắt tâm trạng các em, can thiệp kịp thời thì có thể ngăn chặn những chuyện đáng tiếc.

Nhằm ngăn chặn bạo lực học đường, ngành giáo dục các nước Trung Quốc, Nhật Bản đã dùng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích, dự đoán các vụ bạo lực. Phần mềm nhận dạng khuôn mặt được sử dụng trong lớp để theo dõi tâm trạng, cảm xúc của học sinh. Với phản hồi từ AI sau khi phân tích dữ liệu, nhà trường hy vọng xác định được các trường hợp bắt nạt và giải quyết vụ việc trước khi quá muộn.

Ở Việt Nam, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường nhưng kết quả không như mong đợi. Tổ tư vấn tâm lý học đường ở nhiều trường đã được thành lập nhưng vẫn chưa thành nơi đáng tin cậy để học sinh tìm đến khi gặp khó khăn. Thầy cô chủ nhiệm cũng không có nhiều thời gian để quan tâm sát sao tâm trạng của từng học sinh. Cha mẹ học sinh cũng lo làm ăn, khoán con cho nhà trường. Do đó, trẻ gần như phải tự đương đầu với khó khăn của mình.

Để giảm thiểu bạo lực học đường, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội. UNICEF kêu gọi hành động khẩn cấp, trong đó có việc thúc đẩy các cộng đồng và cá nhân phải cùng học sinh lên tiếng về bạo lực, khuyến khích người trẻ nói lên tiếng nói của mình để chấm dứt bạo lực học đường.

Gia đình, nhà trường và cộng đồng cần trang bị cho học sinh kỹ năng phòng, chống bắt nạt - trong đó có kỹ năng phản kháng phù hợp, hiệu quả - đồng thời tạo điều kiện, cơ hội và môi trường đáng tin cậy để các em lên tiếng, ngay cả lên tiếng cho bạn của mình, bởi nếu càng im lặng, sự việc càng tiếp diễn nghiêm trọng hơn. 

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI