Người lớn đối xử thế nào khi trẻ nói dối?

19/04/2019 - 16:49

PNO - Tất cả nhân cách của bé phải trải qua quá trình hoàn thiện, loại bỏ dần những biểu hiện tiêu cực, hoàn thiện mặt tích cực như một quá trình lớn lên và lột xác nhọc nhằn.

Chị gái tôi gọi điện, giọng hốt hoảng: "Bé Hải nói dối anh chị ngày càng nhiều. Đỉnh điểm hôm qua đi học về, thấy điệu bộ bé khép nép sợ sệt, hai vợ chồng sinh nghi kiểm tra sách vở của bé. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, bé nhận điểm kém nhưng định bưng bít bố mẹ. Cách đây hơn tuần, bé còn nhờ bạn giả chữ ký bố mẹ hòng qua mắt cô giáo chủ nhiệm."

Nguoi lon doi xu the nao khi tre noi doi?
 


Tôi không mấy hoang mang khi nhận được những thông tin theo chiều tiêu cực về cháu mình. Tôi có hai con nhỏ, đứa mười tuổi đứa lên tám, và chấp nhận song hành, lớn lên cùng những tốt - xấu của con như một lẽ hiển nhiên của lứa tuổi. Chẳng đứa trẻ nào trưởng thành mà lại ngoan và tốt cái rụp. Tất cả nhân cách của bé phải trải qua quá trình hoàn thiện, loại bỏ dần những biểu hiện tiêu cực, hoàn thiện mặt tích cực như một quá trình lớn lên và lột xác nhọc nhằn. Quá trình ấy, không thể thiếu sự định hướng và cả lòng bao dung vô bờ bến của bố mẹ.
Tôi hỏi chị gái, thế chị có nhìn nhận rằng con trai mình nói dối càng nhiều chỉ là quá trình bé tự bảo vệ bản thân, dù theo cách chẳng người lớn nào khuyến khích. Nếu cả quá trình trước đó, anh chị thẳng thắn trao đổi cùng con những khiếm khuyết mà con mắc phải, nhưng không kèm theo sự trừng phạt, nạt nộ, thì có lẽ cách hành xử của bé trong những lần mắc sai lầm kế tiếp sẽ khác đi. Bé sẽ cởi mở hơn với bố mẹ, chân thành chia sẻ những khiếm khuyết mắc phải, vì biết người lớn sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc, đồng cảm cùng con trước mọi biểu hiện tốt - xấu.
Thì đây, anh chị có cách giáo dục con cũ kỹ theo cách mà hai mươi, ba mươi năm về trước, chúng tôi nhận được từ bố mẹ. Cách hơn thua điểm số, đặt nặng thành tích, kỳ vọng quá lớn vào con cái, khiến ngay từ thời điểm trẻ bắt đầu đến trường đã phải bước vào cuộc đua maraton điểm số nhọc nhằn. Khi Hải bước vào lớp một, cùng khu phố có bạn Minh bằng tuổi Hải và hai đứa may mắn là bạn học cùng lớp. Vậy là thằng cháu đáng thương của tôi liên tục bị bố mẹ so kè điểm số của con với bạn. Mỗi khi con nhận điểm kém, câu đầu tiên không phải là lời động viên con cố gắng lần sau, mà là những quát nạt la lối cùng câu so sánh ngang: "Thế bạn Minh hôm nay được mấy điểm?" Nếu hôm ấy người bạn học của con mà đạt điểm tốt thì thằng cháu tôi "lãnh đủ".
Lâu dần, bé Hải có xu hướng dấu nhẹm bố mẹ mỗi khi nhận điểm xấu ở trường. Những lỗi sai bé mắc phải trong các lĩnh vực khác cũng được bé hành xử theo cách tương tự. Bé vẫn chơi cùng bạn Minh nhưng xen lẫn vào đó là nỗi tự ti và ganh tỵ với bạn nhiều hơn. Bé có xu hướng nói dối cả điểm số bạn Minh đạt được, theo chiều tụt lùi xuống, để tránh việc bản thân gặp phải những rắc rối do bố mẹ đem ra so kè. Nhiều lần tôi góp ý với anh chị, rằng thay vì hỏi hôm nay con đạt thành tích gì ở lớp, hãy hỏi con hôm nay đi học có vui không, cảm giác của con thế nào? Vì nuôi một đứa trẻ và khiến chúng lớn lên hạnh phúc khó hơn nhào nặn con cái thành đứa trẻ học giỏi nhưng lúc nào cũng trong tâm lý hơn thua với bạn.
Chẳng bố mẹ nào sinh con ra mà không đặt kỳ vọng vào thế hệ nối tiếp mình. Đó là cách mà bố mẹ lấp đầy những khiếm khuyết, cả những tiếc nuối mà thời bằng tuổi con mình bây giờ, họ không có cơ hội thực hiện. Đó có thể là vì hoàn cảnh gia đình mà tạm gác ước mơ vào đại học, hay không có người lớn định hướng mà đi nhầm đường. Quá trình "gỡ gạc" ấy, thời gian không cho họ quay trở lại, nhưng có cách thức hiệu quả hơn - theo cách nghĩ của họ - là nhào nặn con cái thành thứ mà chúng ta chưa bao giờ đạt được.

Nguoi lon doi xu the nao khi tre noi doi?
 


Nhưng những nuối tiếc ấy, chúng ta nung nấu ngày đêm, cho vào một cái khuôn rồi bắt con cái chúng ta vào đấy, rập khuôn thành. Chúng ta không bao giờ hỏi con rằng cảm xúc của con thế nào, con có hạnh phúc khi phát triển theo hướng ấy không? Như chị gái tôi, thời ấu thơ cùng tôi lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn triền miên. Chị từng đủ điểm đậu đại học nhưng đành gác ước mơ ấy sang một bên, rẽ ngang làm công nhân may mặc để bố mẹ đỡ phần nỗi lo cơm áo. Nhiều đêm chị khóc thầm vì nuối tiếc. Chính vì thế tôi hiểu cảm giác của chị, khi chị kỳ vọng vào bé Hải cùng những thành tích học tập vượt trội mà bé phải và nên đem về.
Thú thực với hai đứa con đang tuổi ẩm ương mà tôi hiện đang song hành cùng chúng, nhiều lúc hai vợ chồng tưởng chừng lên cơn đau tim khi chứng kiến những trò dại mà chúng trót gây ra. Mỗi lần hai đứa nhỏ e dè "con có chuyện muốn thưa cùng ba mẹ", tôi ráng thở sâu và học cách bình tĩnh nhất có thể khi đón nhận. Bởi chỉ một chút lo lắng bất an khi ba mẹ bộc lộ ra, sẽ là những rào cản để con cái bớt xén thông tin muốn thưa lại cùng. Lâu dần chúng ta sẽ nhận những thông tin từ con cái một cách sơ lược hay được nhào nặn trước đó đi rất nhiều.
Tôi sẽ gặp gỡ riêng Hải, để nói rằng có dì là người bạn sẵn sàng để con chia sẻ những khúc mắc gặp phải. Chúng ta có quy ước giữ mọi bí mật của con, trừ khi con muốn chia sẻ lại cùng ba mẹ. Và song song đó, tôi nhất định phải trò chuyện cùng anh chị, trước khi họ tự tách mình ra khỏi chiến tuyến lớn lên với mọi tốt - xấu của con, trong khi chỉ nhăm nhăm đòi hỏi con mình phải ngay lập tức là đứa trẻ hoàn hảo.
                                                                            Minh Thuật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI