Người lớn cũng cần những câu chuyện kể trước giờ đi ngủ

20/02/2022 - 07:35

PNO - Không còn dành riêng cho trẻ em, những câu chuyện kể trước khi đi ngủ là một phần quan trọng của nhiều ứng dụng thiền và chánh niệm, vốn dần trở nên phổ biến trong suốt đại dịch.

Khoảnh khắc thư giãn bình yên

Khoảng 22 giờ, Lindsay Colford bắt đầu lên giường trong giọng đọc ấm áp của diễn viên Matthew McConaughey - người sắp đưa cô vào cuộc hành trình âm thanh xuyên vũ trụ cho đến khi cô chìm vào giấc ngủ. Một số đêm, những bài thở qua giọng đọc của nam ca sĩ Harry Styles vang vọng trong phòng ngủ của Lindsay. Trong những đêm khác, giấc ngủ đến với Lindsay khi Regé-Jean Page kể lại câu chuyện về một hoàng tử nước Anh…

Những ứng dụng kể chuyện cho người lớn ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt từ khi đại dịch diễn ra
Những ứng dụng kể chuyện cho người lớn ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt từ khi đại dịch diễn ra

Lindsay Colford, 39 tuổi, trợ lý điều hành tại New Jersey (Mỹ) không đơn độc trong chuyến hành trình âm thanh ấy. Hàng ngàn người lớn hiện đang chìm vào giấc ngủ bằng những câu chuyện qua giọng đọc của cả người nổi tiếng và người thường. Trong vô vàn cách để chúng ta tìm kiếm một giấc ngủ ngon, những câu chuyện là sự lựa chọn mới lạ và dần trở nên phổ biến. Internet có rất nhiều câu chuyện trước khi đi ngủ dành cho người lớn và nhiều bài đọc được thiết kế riêng. Lý do chính khiến người lớn bị cuốn hút vào những câu chuyện trên chính là khoảnh khắc gác lại mọi âu lo.

Tiến sĩ Christine Won, phó giáo sư y khoa tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết: “Một câu chuyện trước khi đi ngủ hoạt động bằng cách ngăn tâm trí khỏi những suy nghĩ và lo lắng tự hủy hoại bản thân, điều này cho phép hoóc-môn adrenaline của cơ thể giảm xuống và não có thể chuyển sang trạng thái ngủ. Một câu chuyện, hơn cả âm nhạc hoặc tiếng động, có nhiều khả năng thu hút tâm trí khỏi bất cứ điều gì gây ra đau khổ”.

Những câu chuyện được thiết kế để người nghe thư giãn và chìm dần vào giấc ngủ
Những câu chuyện được thiết kế để người nghe thư giãn và chìm dần vào giấc ngủ

Paul Barrett, một nhà tư vấn 59 tuổi ở Denver, bang Colorado (Mỹ) bắt đầu nghe những câu chuyện trước khi đi ngủ từ khi đại dịch bùng nổ. Vì thường xuyên đi công tác, ông Barrett dùng ứng dụng Breethe để thư giãn ở các múi giờ khác nhau. Mỗi khi nhìn thấy những câu chuyện mới xuất hiện trong thư viện, ông lại phấn khích như một đứa trẻ được quà.

Những chuyện kể về du lịch thường chiếm đa số, đặc biệt là những chuyến đi bằng tàu hỏa. Ứng dụng Calm có hơn 200 tùy chọn gọi là “Những câu chuyện cho giấc ngủ”, đến nay đã được nghe hơn 450 triệu lần. Những câu chuyện ấy thường dài khoảng 30 phút, không đặc biệt thú vị, nhưng đó chính là điểm mấu chốt để người nghe không quá bận tâm về cái kết. Tương tự, ứng dụng Breethe có hơn 100 câu chuyện trong danh mục và mỗi tuần đều có chuyện mới. Đối với Hatch, một hệ thống hỗ trợ giấc ngủ có thể tùy chỉnh với một ứng dụng đi kèm, các câu chuyện trước khi đi ngủ đang bắt đầu vượt qua những nội dung thư giãn điển hình, như thiền có hướng dẫn và âm thanh tự nhiên, để trở thành sự lựa chọn được yêu thích nhất.

Nhẹ nhàng, không quá hấp dẫn nhưng cũng không nhàm chán là điểm chung của những chuyện kể trước giờ ngủ
Nhẹ nhàng, không quá hấp dẫn nhưng cũng không nhàm chán là điểm chung của những chuyện kể trước giờ ngủ

Tiến sĩ Kelly Goldman, ở El Segundo, California (Mỹ), nói: “Thời kỳ đầu của đại dịch là khoảng thời gian thực sự căng thẳng đối với tôi trong công việc. Tôi là bác sĩ của một trung tâm ung thư xạ trị với những bệnh nhân ung thư có nguy cơ mắc bệnh rất nặng nếu nhiễm COVID-19. Vì vậy, tôi muốn tìm chút bình yên ngắn ngủi qua những câu chuyện êm đềm trước khi đi ngủ và cảm thấy mình như quay về làm một đứa trẻ".

Viết cho người lớn không phải dễ

Tuy nghe có vẻ đơn giản, việc tạo ra một câu chuyện hoàn hảo trước khi đi ngủ cho người lớn đòi hỏi nhiều yếu tố nghệ thuật hơn so với trẻ em. Nếu câu chuyện quá buồn tẻ, người nghe sẽ không quên được những rắc rối của họ. Nếu nó quá thú vị, họ sẽ chú tâm đến mức quên ngủ. Đối với người mới bắt đầu, tác phẩm phải hấp dẫn nhưng không quá kích thích. Trong câu chuyện Một bữa tiệc trà trên ứng dụng Calm do Dame Mary Berry thuật lại, đỉnh cao của nội dung là một con mèo ngủ gật trong khu vườn sau bữa tiệc trà. Các tình tiết không được quá phức tạp.

Cần có những chi tiết mô tả bao bọc người nghe trong khung cảnh và giữ cho tâm trí không đi lang thang quá xa. Độ dài lý tưởng dao động từ 15 đến 30 phút. Tác phẩm cần đắm mình trong nhạc nền hoàn hảo. Ngoài ra, ngôn ngữ cũng là chìa khóa. Những người viết truyện về giấc ngủ tránh những từ như "nhện" hoặc "rắn", vốn có thể kích thích sự lo lắng của người nghe. Ngay cả một từ tưởng như vô hại như "máy bay" cũng có thể gây ra chứng sợ đi máy bay cho một người nào đó. Những từ có phụ âm sắc, như "đứt" và "chói", không hoạt động tốt bằng những từ nhẹ nhàng, trữ tình như "im lặng" và "thì thầm". Một điều quan trọng khác, tất nhiên, chính là giọng kể.

Calm và Headspace, những nhà tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng chánh niệm ngày càng bùng nổ, đều bắt đầu bằng việc cung cấp các bài thiền có hướng dẫn, bài tập thở... Vào năm 2016, các nhân viên tại Calm nhận thấy lượng sử dụng vào ban đêm tăng đột biến và phần lớn đăng ký sử dụng ứng dụng để thư giãn trước khi đi ngủ. Từ đó, những câu chuyện cho giấc ngủ ra đời. Headspace tiếp nối hai năm sau với phiên bản của họ, gọi là “sleepcast”. Hầu hết những câu chuyện cho giấc ngủ đều đưa người nghe đến một thế giới khác - Iceland, ngọn hải đăng xa xôi, đồng cỏ châu Phi - nơi mà trong truyện, ít nhất, hoàn toàn không có gì kịch tính xảy ra.

Thông qua những câu chuyện, người nghe có thể đồng hành cùng các ngôi sao thế giới hay đi đến những vùng đất xa xôi trong khi dần chìm vào giấc ngủ
Thông qua những câu chuyện, người nghe có thể đồng hành cùng các ngôi sao thế giới hay đi đến những vùng đất xa xôi trong khi dần chìm vào giấc ngủ 

Những câu chuyện được kể bằng giọng văn thân mật, gần gũi như thể người kể chuyện đang thì thầm vào tai bạn. Một câu chuyện điển hình chứa đầy các chi tiết tạo cảm giác nhẹ nhàng như làn gió nhẹ, tiếng gọi xa xăm của bầy nai, mùi những cuốn sách cũ... nhằm đặt người nghe vào một khung cảnh bình yên. Một số có hiệu ứng âm thanh xung quanh, chẳng hạn tiếng dế kêu hay tiếng lửa trại lách tách.

Một câu chuyện do nam tài tử Matthew McConaughey thuật lại đã được phát trực tuyến hơn 11 triệu lần. Có tên Wonder, chuyện kể về một cô gái trẻ tên Zoe, tò mò khi nghe thấy tiếng động tại ngôi nhà ven hồ của gia đình về đêm và chạy ra ngoài để tìm hiểu. Cô bắt gặp ông của mình đang nhìn lên các vì sao. Câu chuyện sau đó trôi vào những suy ngẫm không có cốt truyện về những điều kỳ diệu của vũ trụ và nhịp điệu của thế giới tự nhiên. Câu chuyện kết thúc với việc Zoe trở lại giường và chìm vào giấc ngủ.

Hầu hết các chuyện kể đều có cấu trúc truyền thống. Một cuộc xung đột được đưa ra hoặc một nhiệm vụ bắt đầu. Câu chuyện lên đến cao trào và cuối cùng, xung đột được giải quyết. Thế nhưng, những câu chuyện trước giờ đi ngủ lại là "một con dốc đi xuống nhẹ nhàng". Anna Acton, một nữ diễn viên đã kể hơn một chục câu chuyện cho Calm, chia sẻ: “Khi câu chuyện tiến triển, bạn giảm tốc độ và đi chậm lại. Họ đã nghiên cứu rất nhiều để biết chính xác thời điểm nào trong câu chuyện mà mọi người bắt đầu buồn ngủ. Nó được dàn dựng rất cẩn thận".

Brianna LeRose, Giám đốc nội dung tại Headspace, nói thêm: “Điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là bầu không khí. Hãy tưởng tượng một nơi yên bình, thoải mái. Điều gì tồn tại ở đó? Làm thế nào chúng tôi có thể thu hút tất cả giác quan để khiến người nghe cảm thấy được sự chuyển động? Nó không chỉ là kể một câu chuyện mà tập trung nhiều hơn về việc gợi hình ảnh và cảm xúc".

Ngọc Hạ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI