edf40wrjww2tblPage:Content
PV: Chỉ có một mụn con, chắc anh “vồ vập” lắm?
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Người ta thường nghĩ vậy, nhưng tôi thì không. Lần đầu nhìn thấy con, bế con vào lòng, tôi có cảm giác thân thuộc xen lẫn xa lạ, vì hình hài ấy khác xa trí tưởng tượng của mình rất nhiều. Tôi có một đứa con và cũng xem như một người bạn đặc biệt. Tôi bắt đầu làm quen, tạo sự thân thiết và cũng là học từ “bạn”.
* Người lớn thường có thói quen dạy trẻ con, nhưng anh lại học từ trẻ con. Anh học được điều gì?
- Tâm hồn và thể xác của người lớn bụi bặm, khô cằn lắm. Cái lớn nhất mà tôi học được từ con tôi là nhìn đời một cách trong trẻo. Như trong sách tôi đã viết, có lần đưa con đi học, hai bố con ngồi nghỉ trên thảm cỏ, Bo chỉ cho bố những cánh hoa vàng li ti và bảo: “Bố xem, có đẹp không kìa?”. Tôi giật mình. Đã bao lâu, một tâm hồn vốn dễ rung động trước cái đẹp đã không còn quan tâm gì đến đẹp xấu nữa. Chính con trai đã dạy tôi biết nhìn lại cuộc sống này bằng con mắt trong trẻo, biết nhìn đời đơn giản hơn, nhận ra những cái đẹp “li ti” như cánh hoa vàng kia để yêu đời hơn.
* Nhà thơ thường sầu đời, có con rồi anh có lạc quan hơn?
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Trong sách có chi tiết tôi đang ngủ, mộng mị về cái chết, cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng, bất ngờ con trai cù vào nách, tôi tỉnh dậy, bắt gặp tiếng cười giòn tan của con, thấy người nhẹ bẫng, yêu đời trở lại ngay. Thói quen cố hữu của giới văn nghệ là “hễ buồn đời thì tìm đến rượu”, mà tâm hồn họ nhạy cảm nên dễ… buồn lắm. Nhưng, khi trong nhà có trẻ con, tôi sống tích cực hơn. Con tôi đã thôi thúc tôi về nhà sớm sau giờ tan ca, biết “lười” đi nhậu khi đang chơi đùa cùng con.
* Lý thuyết ấy thì nhiều người biết, nhưng đâu phải ông bố nào cũng làm được?
- Đúng vậy. Nghĩ thì ai cũng nghĩ được, làm cho ra làm mới khó. Có ông nhà thơ đưa con đi khám bệnh. Đang chờ bác sĩ khám, bạn í ới ra bàn nhậu để đọc thơ. Ham quá, ông này dặn con “cứ ở đây chờ bác sĩ khám, bố đi chút sẽ quay lại”. Ai có thể ngờ trên đời có ông bố dám bỏ con ở bệnh viện để đi nhậu? Nhưng, có thật đấy! Thế nên, không phải ông bố nào cũng sống lành mạnh hơn khi có con. Chính ông bố phải lấy cái nhạy cảm của mình ra để đọc tâm tư, tình cảm của con trẻ, để biết con không vui khi bố đi nhậu quá nhiều, từ đó nghiêm khắc với bản thân hơn mới mong có thời gian chăm con.
* Người ta thường bảo, con trai sẽ là người làm những việc mà bố chưa làm được. Anh kỳ vọng gì ở con?
- Nhiều người muốn con sẽ là “phiên bản nâng cấp” của mình. Tôi nghĩ, đó là quan điểm sai lầm. Tôi chưa bao giờ mong con trai sẽ là phiên bản của mình. Tôi cũng không kỳ vọng điều gì lớn lao ở con. Vì sao? Chính bản thân tôi cũng đâu phải phiên bản của bố tôi? Bố tôi chưa bao giờ muốn con trai mình “thơ thẩn” như thế, chỉ muốn tôi trở thành một thầy giáo. Dù vậy, tôi vẫn đi theo con đường riêng của mình và thấy hạnh phúc với điều đó. Tôi cũng nói thẳng với con, bố không cần con học xuất sắc, đừng lười biếng để học dở quá là được. Tôi chỉ quan tâm nhiều đến việc làm giàu tâm hồn của con, chứ chẳng kỳ vọng sau này con làm ông này bà nọ hay giàu có.
* Cụ thể, anh giúp con làm giàu tâm hồn bằng cách nào?
- Trẻ con ở thành phố thua thiệt về mặt không gian trong việc nuôi dưỡng cảm xúc. Bố của nó ngày trước ở quê, có cánh diều no gió, cánh đồng tuổi thơ. Không gian rộng và tươi mát khiến tâm hồn con người cũng rộng mở, đa cảm. Trẻ con ngày nay mở mắt đã đối diện với những khối bê tông. Ý thức được điều đó, tôi tranh thủ tối đa việc đưa con về quê nội (Quảng Nam) và quê ngoại (Đồng Nai) chơi. Tôi cũng tích cực cho con học nhạc, học đàn vì xác định, âm nhạc là yếu tố quan trọng làm giàu tâm hồn. Những lúc thấy con khóc, tôi quan sát rất kỹ. Đơn cử như khi con khóc vì một chú cá vàng chết trong bể nước, tôi mừng thầm, biết con mình giàu tình cảm. Con phải biết khóc, tiếc, thương, chứ cứ trơ trơ ra trước mọi thứ thì đáng lo lắm. Tôi luôn khuyến khích con biết thể hiện yêu-ghét rõ ràng vì rất sợ tâm hồn con bị chai cứng.
* Anh viết “đám nhà thơ lóng ngóng, suốt ngày thơ phú trời ơi đất hỡi, có biết gì về chuyện đau ốm của con đâu”, vậy thì làm sao có thể trở thành một ông bố tốt?
- Mấy người làm nghề thơ phú có cái dở vậy đó. Chuyện nhân tình thế thái thì quan tâm kỹ lắm, sâu lắm, trong khi kiến thức cơ bản để chăm con lại lơ tơ mơ. Đơn giản vì họ xem nhẹ việc nhà, nghĩ đó là “việc đàn bà” nên chẳng để ý. Tôi cũng sớm nhận ra cái dở của mình để mày mò học hỏi. Đứa con là bài học thực tiễn dạy tôi biết thương con cũng phải có kỹ năng, chứ không thể thương trong lòng hay nói suông được. Anh phải biết cho con uống sữa, tập cách nhận biết con hợp với loại sữa nào. Con lớn hơn một chút, anh phải biết đi chợ để chọn rau củ quả an toàn mà hợp với độ tuổi của con. Nhà thơ cũng phải lo mà tìm hiểu về “tháp dinh dưỡng” để chăm con chứ không giỡn chơi được! Bây giờ, ra chợ, một bó rau muống lên giá là tôi biết ngay. Học làm bố, cụ thể là phải học những kỹ năng đời thường, nhỏ nhặt như vậy.
* Xin cám ơn những thông tin thú vị của anh. Giờ tan tầm thế này, về nhà thì kẹt xe lắm, mời anh vài ly bia rồi về?
- Không, không, tôi có hẹn với Bo rồi. Từ lúc có con, tôi lại rèn thêm được một thứ: nghiêm túc với bản thân về mặt thời gian. Làm bố thì sợ bị con xem thường lắm.
Trần Triều (thực hiện)