PNO - Mới đây, thông tin nữ sinh Trường THPT Chuyên (Trường đại học Vinh) tự tử nghi do bạo lực học đường khiến dư luận bàng hoàng. Sự việc đau lòng này tiếp nối rất nhiều vụ việc bạo lực học đường đã xảy ra trong thời gian qua, đòi hỏi cần có một giải pháp đúng, kịp thời.
Các chuyên gia nhấn mạnh: cha mẹ, thầy cô phải là chỗ dựa cho trẻ khi cần thiết (trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường THCS Bình Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) - Ảnh: P.T.
Giữ nguyên tắc không thờ ơ
Dù nghi vấn nữ sinh bị cô lập, là nạn nhân của bạo lực học đường chưa được làm rõ nhưng phải nhìn nhận vấn nạn này ngày càng diễn ra thường xuyên ở cả trong và ngoài nhà trường. Đôi khi chỉ là những mâu thuẫn đơn giản của lứa tuổi học trò nhưng không được người lớn quan tâm giải quyết, đã dẫn đến hậu quả đau lòng. Thực tế, thời gian trẻ ở trường gần hết cả ngày nhưng vì nhiều lý do như lớp học đông, thầy cô nhiều việc nên ít có thời gian quan tâm sâu sát đến từng học sinh. Trong vụ nữ sinh ở Nghệ An, cô giáo chủ nhiệm cho biết có nhận được tin nhắn của nữ sinh hỏi đơn xin chuyển lớp, rồi cô trả lời rằng không có đơn, nhưng cô cũng không tìm hiểu thêm lý do tại sao em muốn chuyển lớp…
Chia sẻ về trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm cũng như nhà trường trong các vụ bạo lực học đường, ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) - cho rằng vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất lớn. Bản thân thầy cô chủ nhiệm phải học tập, rèn luyện xử lý tình huống sư phạm trong cấp học mình. “Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt tâm lý học sinh qua đặc điểm hồ sơ học sinh ngay lúc nhận lớp. Nắm rõ tình hình lớp học qua những tiết sinh hoạt lớp, hoạt động trải nghiệm, và luôn tạo cơ hội để học sinh chia sẻ, bày tỏ. Học sinh có băn khoăn, thắc mắc thì phải giải quyết ngay, tận gốc vấn đề” - ông Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.
Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, giáo viên phải tạo cho học sinh điểm tựa giải quyết vấn đề, phải tạo niềm tin để học sinh sẵn sàng chia sẻ, bày tỏ bức xúc hay tìm kiếm sự giúp đỡ. Khi phát hiện vấn đề, giáo viên có thể trò chuyện với các em, hướng các em đến điều tích cực. Nguyên tắc là giáo viên thấy có vấn đề thì phải xử lý ngay chứ không thờ ơ, chậm trễ.
Ở lứa tuổi THPT, ngoài tâm lý lứa tuổi vị thành niên, tính cách các em cũng còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi đó, trên không gian mạng hằng ngày các em tiếp xúc có quá nhiều xu hướng, trào lưu không tích cực. Bạo lực học đường không chỉ là về thân thể mà bạo lực tinh thần còn nguy hiểm hơn. Nhiều nhất là hành vi tẩy chay, kêu gọi cô lập trên mạng xã hội hay đôi khi chỉ là một bình luận kỳ thị nhau cũng đẩy câu chuyện đi xa, khiến đứa trẻ bị hoảng loạn.
“Nhà trường phải có chương trình giáo dục nếp sống học trò mang tính tổng thể nhằm giáo dục kỹ năng và có những biện pháp phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng tình bạn tốt đẹp giữa các học sinh, trong đó tôn trọng sự khác biệt của nhau” - ông Nguyễn Cao Cường khẳng định.
Xây dựng cho con bản lĩnh sống
Trước thực tế đứa trẻ ở trường hầu như cả ngày nhưng có thể chưa được thầy cô quan tâm sâu sát thì cha mẹ chứ không phải ai khác phải dành thời gian cho con nhiều hơn để bảo vệ con mình an toàn trước nguy cơ là nạn nhân của bạo lực học đường. Theo thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn sinh tại Hà Nội - thì gia đình là nơi đầu tiên cũng là cuối cùng mà đứa trẻ có thể nương tựa, và cảm thấy an toàn. Một khi gia đình không thể bảo vệ chúng, cho chúng niềm tin thì chúng sẽ chọn cách tiêu cực.
Trong những tình huống như thế này, cha mẹ cần phải lắng nghe con mình hơn nữa, để thấy sự nghiêm trọng của sự việc. Cùng với đó thể hiện quan điểm cứng rắn rõ ràng trước những hành vi, sự việc ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của con mình. Đứa trẻ sẽ thấy được niềm tin từ những hành động đó. Cha mẹ thậm chí có thể cho con nghỉ học một thời gian nếu cần. Điều quan trọng là an toàn của con phải đặt lên hàng đầu chứ không phải cái nhìn của xã hội.
“Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều gia đình về việc giáo dục con cái; chăm ngoan học giỏi là chưa đủ mà cần có cả kỹ năng thích ứng, chung sống và phát triển, xây dựng cho con bản lĩnh sống, thái độ tích cực trước mọi hoàn cảnh. Bởi lẽ, suy cho cùng chỉ bản thân mỗi đứa trẻ mới có thể giải quyết mọi chuyện của chúng” - thầy Đinh Đức Hiền nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hà Nội - khẳng định nếu cha mẹ không nắm bắt được vấn đề con cái đang phải trải qua thì các em sẽ dễ rơi vào trạng thái stress, sợ đi học. “Gia đình cũng như nhà trường cần quan tâm hơn đến thế hệ trẻ. Nhất là nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý của học sinh. Khi học sinh có mâu thuẫn, khúc mắc thì người lớn mà đầu tiên là cha mẹ phải tích cực giải quyết cho các cháu” - tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.
Vị chuyên gia nhận định rằng thành công của cha mẹ chính là trở thành bạn của con, chỉ khi là bạn con mới sẵn sàng nói về những thứ diễn ra trong cuộc sống, cả việc con định làm gì.
Ông lấy ví dụ có 2 học sinh chơi với nhau rất thân nhưng 1 bạn có hoàn cảnh khó khăn và bạn còn lại giúp đỡ bằng cách tặng bạn mình cái áo. Có những cha mẹ hiểu đó là nguyện vọng tốt của con thì tùy theo điều kiện của mình khuyến khích con ở mức cao nhất có thể, chắc chắn để lại dấu ấn tốt cho con. Có gia đình không hiểu được xuất phát tốt thì mắng con, vô tình sẽ đẩy con ra xa mình hơn vì con thấy không được thấu hiểu, không thấy cha mẹ là nơi an toàn để chia sẻ. Sau đó, khi có suy nghĩ tiêu cực, con không nói vì sẽ thành bất lợi cho mình. Vì thế, khi cả nhà gần gũi con sẽ hỗ trợ được cho con, tránh được nỗi đau mà các con không mong muốn.
Không thể vì bận rộn mà quên đi cảm xúc của mỗi đứa trẻ
Một trường học hạnh phúc, một lớp học hạnh phúc buộc các bên phải tôn trọng lẫn nhau, thấu hiểu và chia sẻ cùng nhau. Muốn vậy, thì tất cả phải có chung một mục tiêu, phải cùng nhìn về một hướng. Ở đây, đó là sự hạnh phúc, trưởng thành và tử tế của con trẻ chứ không phải chỉ là những thành tích, con số mà bấy lâu nay chúng ta chạy đua. Trên con đường ấy không thể thiếu đi sự lắng nghe và đồng cảm, nhất là đối với những học sinh đang tuổi dậy thì, mới chuyển cấp, tâm tư tình cảm vô cùng phức tạp.
Khi các em vào môi trường mới như thả một con cá vào một cái hồ vậy, nếu không có đàn cá bơi cùng nó sẽ trở nên cô độc và sợ hãi, mất phương hướng. Điều quan trọng đầu tiên là để con cá quen với dòng nước chứ không phải ngay từ đầu đã bắt nó phải bơi như thế nào cho đúng hướng. Nó cần một điểm tựa để xuất phát. Trong trường học, điểm tựa chính là người giáo viên chủ nhiệm. Mọi sự đổ vỡ đều bắt nguồn từ những thứ nhỏ nhặt không được giải quyết; theo thời gian, nó tích tụ, lớn dần lên đến một lúc không thể cứu vãn nổi và cái kết có thể là sự mất mát và đau thương.
Cảm xúc của mỗi đứa trẻ cần được tôn trọng, chúng cần được lắng nghe và thấu cảm. Người lớn có thể tặc lưỡi coi đó là chuyện nhỏ, nhưng nó thực sự là chuyện lớn với mỗi đứa trẻ nếu không giải quyết.
Giá như giáo viên, nhà trường, bạn bè, gia đình, mỗi người để tâm hơn một chút, bớt ích kỷ đi một chút thì có thể đã không có những hậu quả hiện nay. Chúng ta phải thẳng thắn và nhìn nhận chứ không phải trốn tránh. Giáo viên và nhà trường không thể biện minh cho sự bận rộn bởi hàng trăm công việc đổ lên đầu, vì núi thành tích đang vận hành mà cho phép mình quên đi cảm xúc mỗi đứa trẻ. Chẳng phải giáo dục là vì hạnh phúc, trưởng thành của mỗi đứa trẻ hay sao, chúng ta đang làm vì chúng ta hay vì con trẻ?