Người lớn bất cẩn, trẻ phỏng thương tâm

20/02/2017 - 20:30

PNO - Từ đầu tháng 2 đến nay, không ít tai nạn phỏng đã xảy ra với trẻ em để lại những hậu quả đau lòng, chỉ vì sự bất cẩn của người lớn.

Các bác sĩ (bs) khoa phỏng - tạo hình, bv nhi đồng 1, tp.hcm cảnh báo, phụ huynh cần hết sức lưu ý với việc cất giữ chất đốt và những dung dịch, hóa chất dễ cháy trong nhà. 

Một phút bất cẩn, ân hận cả đời

Ngày 15/2, bé trai L.M.K., ba tuổi, quê Ninh Thuận, vẫn còn đang băng bó toàn thân, nằm mê man trong phòng hồi sức tích cực của Khoa Phỏng - tạo hình, BV Nhi Đồng 1. BS điều trị Diệp Quế Trinh cho biết, bé bị phỏng xăng, được đưa vào BV Chợ Rẫy cấp cứu rồi mới chuyển sang Nhi Đồng 1. Bé được xác định bỏng đến 55% diện tích cơ thể, phần lớn là ở vùng lưng, mông, hai chân...

BS Trinh xót xa: “Đa số là phỏng độ 3 nên da phần sau người bệnh nhi tuột ra hết. Sợ vết thương nhiễm trùng nên chúng tôi theo dõi bé rất kỹ, rửa và làm vệ sinh vết thương cẩn thận rồi bù nước để cân bằng điện giải… Trường hợp của bé, nếu vượt qua được sốc phỏng còn phải phẫu thuật nhiều lần để cắt lọc vết thương và ghép da. Hiện bé đang sốc, chưa nói trước được điều gì”.

Nguoi lon bat can, tre phong thuong tam
 

Liên quan đến phỏng xăng, các BS BV Nhi Đồng 1 không thể quên được trường hợp bé gái bán vé số tên N.T.K.L., 12 tuổi, quê Bình Thuận. Tổn thương do xăng khiến bé phải nằm viện nhiều tháng, qua bao cuộc phẫu thuật chết đi sống lại mới giữ được tính mạng, nhưng vết thương da thịt không thể lành lặn được, phải mãi mãi gánh chịu nỗi đau tinh thần. Ghi nhận tại Khoa Phỏng - tạo hình cho thấy, từ sau tết Nguyên đán đến nay, đã có không ít trẻ bị phỏng trong tai nạn sinh hoạt nhập viện cấp cứu.

70% bệnh nhi phỏng do tai nạn sinh hoạt

Theo BS Trinh, 70% trẻ vào điều trị ở Khoa Phỏng - tạo hình là do tai nạn sinh hoạt. Những nguyên nhân gây phỏng phổ biến là phỏng do nước sôi, hóa chất. Các gia đình thường cất giữ xăng, dầu lửa để dùng khi cần trong những chai nước suối, lại để ở nơi dễ thấy, trong tầm với của trẻ, nên rất dễ phát sinh tai nạn.

Nhiều phụ huynh còn bất cẩn để trẻ chơi trong khu vực bếp núc, nơi cất chứa nhiều vật dụng có nguy cơ gây phỏng cao. Đối tượng dễ bị tai nạn nhất là các bé từ hai-năm tuổi. Độ tuổi này trẻ chưa ý thức được nguy hiểm, lại thích tìm tòi, khám phá xung quanh.

Ngoài việc phòng tránh, để mắt trông chừng trẻ, BS Trinh lưu ý mọi người còn cần trang bị kiến thức để sơ cứu cho trẻ đúng cách trước khi đưa tới BV. Chẳng hạn với phỏng xăng, phải dùng chăn dập lửa; rửa vết phỏng bằng nước lạnh sạch và dùng vải sạch che đậy vết thương, rồi mới đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Khi phỏng nước sôi, phỏng hóa chất thì rửa vết thương bằng nước lạnh để làm mát và giữ cho vết bỏng không sâu thêm. Nếu nạn nhân không được can thiệp đúng khi bị phỏng nặng thì nhẹ nhất cũng để lại các biến chứng sẹo co rút, nặng hơn là có nguy cơ bị sốc nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI