Người lo chuyện 'bao đồng'

20/09/2017 - 08:44

PNO - “Thói quen làm lụng đã thành nếp rồi, không bỏ được dù con cháu hay càm ràm, biểu nghỉ ngơi” - người cán bộ Hội sinh năm 1956 này tâm sự.

Đang lúi húi phân loại ve chai, thấy bà Nguyễn Thị Ba - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (PN) khu phố (KP) 3, P.An Phú, Q.2, TP.HCM - ghé thăm, chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (31 tuổi, ngụ tổ 20, KP 3) mừng ra mặt. 

Nguoi lo chuyen 'bao dong'
Bà Ba (bìa trái) ghé thăm, động viên mẹ con chị Trinh

Chị Trinh đang sống cùng cha mẹ và hai đứa con, bé lớn vô lớp Ba, bé nhỏ vừa đến tuổi đi học. Chị Trinh buột miệng: “Con lo quá, bữa nay chưa gom đủ tiền cho cu con nhập học”. Nghe vậy, bà Ba quả quyết: “Cô sẽ tìm cách giúp”. Trước đây, chỗ tá túc của gia đình chị Trinh lụp xụp, trống trước hở sau.

Là bà mẹ đơn thân, chị đi lượm ve chai, hái rau bán. Cha chị làm bảo vệ dân phố KP 5, P.An Phú, còn mẹ chị chỉ quẩn quanh trong bếp. Thương cảnh ấy, bà Ba cùng các dì, chị trong KP đã vận động nhà hảo tâm góp tiền, xây nhà tình thương cho gia đình chị Trinh. Có cân đường, hộp sữa, bà cũng mang qua cho. 

KP 3 có chín tổ, từ tổ 20 đến tổ 28. Trước đây, đường đi trong các tổ này đều nhỏ hẹp, mưa ngập, nắng thì bụi mù mịt. Bà Ba tìm hiểu nguyện vọng, hoàn cảnh từng hộ dân, sau đó đề xuất việc bê tông hóa đường lên ban điều hành KP, rồi đi vận động kinh phí làm đường. Hiện, chín con hẻm của chín tổ dân phố đều được trải bê tông.

Chuyện đường sá coi như ổn, bà quay sang lo nước sinh hoạt. Do có nhiều dự án đang thi công nên một số hộ dân KP 3 chưa có nước sạch, phải mua nước để dùng mỗi ngày, đường ống thoát nước lại thường bị ngập khi trời mưa. Giữa những hộ dùng chung đường ống nước lâu lâu lại xảy ra cự cãi vì nhà này dùng ít, nhà kia dùng nhiều, tiền lại “cưa đôi”.

Bà Ba vừa đến từng hộ nói chuyện nhằm hòa giải mâu thuẫn, vừa đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét hướng giải quyết. Kết quả, tổ 28 đã có nước sạch sinh hoạt, còn tổ 27 đang được đề nghị gắn đồng hồ nước. 

Mấy năm nay, mỗi khi xảy ra tai nạn giao thông ở ngã ba Cát Lái (Q.2), người dân lại chạy đến gọi bà Ba. Bất kể nắng mưa, đêm ngày, lần nào bà cũng có mặt ngay, khi thì băng bó, nẹp tay chân cho nạn nhân, khi thì giữ tài sản, bảo vệ hiện trường. Nhiều buổi tối, bà một mình chạy xe đưa người bị nạn vô Bệnh viện Q.2 cấp cứu rồi gọi điện thoại báo tin cho thân nhân họ.

Không ít lần, bà Ba bị hiểu lầm là người gây tai nạn nên lãnh đủ mọi lời chửi mắng. “Tôi được học một khóa sơ cấp cứu và sắm luôn hộp cứu thương để trong nhà. Người ta có thể hiểu lầm, chửi mắng, nhưng nếu mình cứ sợ vạ lây mà ngó lơ người bị nạn thì áy náy lắm” - bà Ba tâm tình. 

Chia sẻ về nữ cán bộ chi hội đầy nhiệt huyết này, bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Chủ tịch Hội LHPN P.An Phú - xúc động: “Dì Ba là người rất nhiệt tình với Hội, luôn lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của bà con trong khu phố. Nhiều khi đang bệnh, nhưng nghe hội viên cần giúp chuyện này chuyện kìa, dì vẫn lao vào việc mà không nề hà sớm khuya. KP 3 có nhiều chị mắc bệnh nan y, dì cùng tôi đi vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tiền cho những chị ấy thuốc thang, đồng thời chăm lo học bổng để con họ được tiếp tục đến trường”.

Bà Ba sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã An Phú, Q.Thủ Đức (cũ). Từ nhỏ, bà đã rành cuốc cỏ, cấy lúa, chăn vịt. 13 tuổi, bà làm giao liên; 15 tuổi, bà bị trúng mìn, mù mắt trái. Bà lập gia đình, lần lượt sinh sáu người con. Khi chồng phát bệnh tim, không còn khả năng lao động, bà Ba phải một mình bươn chải đủ nghề để nuôi chồng bệnh, lo cho con ăn học.

“Thói quen làm lụng đã thành nếp rồi, không bỏ được dù con cháu hay càm ràm, biểu nghỉ ngơi” - người cán bộ Hội sinh năm 1956 này tâm sự. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI