Người lính Điện Biên kể chuyện

07/05/2014 - 15:17

PNO - PNO - Người lính Điện Biên kể chuyện (NXB Kim Đồng) là tập hồi ký của Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn - một chiến sĩ của Trung đoàn 174, đánh đồi A1 tại Điện Biên Phủ năm 1954.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nguoi linh Dien Bien ke chuyen

Từ lời kể của ông, câu chuyện hào hùng năm xưa được thể hiện lại bằng văn phong của nhà báo Kiều Mai Sơn; họa sĩ Nguyễn Trường có thêm nhiều tranh những minh họa sống động.

Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn cho biết: “Tôi không kể lịch sử chiến dịch, không kể về những diễn biến của chiến dịch, mà tôi kể những mẩu chuyện những người lính chúng tôi ở Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu như thế nào, đã sống như thế nào trong 56 ngày đêm ấy”.

Trong phần hậu cần ở mặt trận Điện Biên Phủ, đọc tập sách này ta biết, lúc ấy do kế hoạch tác chiến của ta thay đổi, từ “đánh nhanh thắng nhanh”, sang “đánh chắc thắng chắc” nên vấn đề hậu cần cũng thay đổi theo. Là một trong bốn thành viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận, chịu trách nhiệm đảm bảo quân lương, súng đạn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đặng Kim Giang đã chỉ đạo chuẩn bị hậu cần để nuôi khoảng 4 - 5 vạn quân và hàng vạn dân công.  Báo cáo với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc họp với Đảng ủy chiến dịch về khó khăn của công tác hậu cần, ông Đặng Kim Giang trình bày: “Điện Biên Phủ mỗi ngày quân ăn 50 tấn gạo, dân công gánh gạo từ Thanh Hóa lên đến kho thì tính ra chỉ còn 1 đến 2 kilôgam mỗi người. Ta chỉ có 268 xe Liên Xô viện trợ, đường độc đạo bị địch đánh ghê gớm, nhất là ở đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi…”. Thế nhưng bằng quyết tâm kiên định, chúng ta đã có phương án khắc phục để đẩy nhanh gạo lên tiền tuyến.

Nhà giáo Đỗ Ca Sơn đánh giá: “Không có trận đánh nào, không có chiến dịch nào mà anh nuôi chết nhiều như ở đồi A1”. Khi cấp trên điện đài hỏi anh em đang chiến đấu trên đồi A1: “Các cậu cần gì?” Anh em trả lời: “Khát lắm, chỉ khát nước thôi”. Nhưng khi ở trên đồi nhìn xuống dưới thấy anh nuôi gánh nước, gánh cơm mang lên đến nút giao thông hào là bị pháo địch bắn chết thì anh em nước mắt ràn rụa: “Chúng tôi thà chịu đói, chịu khát còn hơn phải thấy anh nuôi chết nhiều như vậy”. Hiểu những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ hậu cần, các "anh nuôi" trên đồi A1, chúng ta thêm trân trọng những con người đã góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Có thể nói, bạn đọc trẻ, những người chưa từng trải qua chiến tranh, sau khi đọc Người lính Điện Biên kể chuyện có thể hiểu được phần nào sự gian khổ, hy sinh của "bộ đội Cụ Hồ", để thêm yêu cuộc sống chúng ta có được ngày hôm nay.

P.H
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI