Người lính biên phòng và lớp học "vô danh"

29/04/2016 - 13:55

PNO - “Tôi thấy không ổn chút nào. Bọn trẻ lớn lên mà không được dạy dỗ, mù chữ, chửi thề loạn cả lên. Tôi không thể khoanh tay nhìn cảnh đó”.

Trầy trật leo ngược hơn 2km, tôi lên được đỉnh Hòn Chuối. Chợt nghe lẫn trong gió như có tiếng ê a đọc bài của trẻ con. Tiến sâu vào một lối đi rợp bóng cổ thụ, tôi nghe rõ tiếng bọn trẻ hơn. Ở lưng chừng con dốc, khuất trong những tán cây sao khổng lồ, một lớp học nho nhỏ hiện ra. Qua khe vách được thưng bằng những tấm ván tạm bợ, tôi lặng người trước hình ảnh quá đẹp: thầy cầm quyển sách nhỏ trên tay, cất giọng đọc ấm áp. Bọn trẻ mắt long lanh, ngoan ngoãn ngồi nghe. Thầy giáo của lớp học này là thượng úy Trần Bình Phục, Đồn biên phòng 704.

Nguoi linh bien phong va lop hoc
Thầy Phục luôn hào hứng mỗi khi đứng lớp

"Hốt" trò đến trường

Đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chỉ rộng khoảng 7km2, cao 170m so với mực nước biển. Bao phủ hầu hết hòn đảo là những vách đá dựng đứng và cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Hòn Chuối cách đất liền khoảng 35km, nhưng khá biệt lập vì tàu bè rất khó khăn khi muốn cập đảo. Ngoài lực lượng bộ đội biên phòng, bộ đội trạm radar, còn có khoảng 50 hộ ngư dân sinh sống ở đảo.

Năm 2010, thượng úy Phục về Hòn Chuối công tác. Ngay ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, anh đã thấy xót xa khi bắt gặp lũ trẻ nheo nhóc. Ban ngày cha mẹ ra biển đánh cá, “thả” những đứa trẻ trên đảo, đứa lớn trông đứa bé. Bọn trẻ phải tự tìm cách thích nghi trong điều kiện thiếu thốn, hoang sơ đó. “Tôi thấy không ổn chút nào. Bọn trẻ lớn lên mà không được dạy dỗ, mù chữ, chửi thề loạn cả lên. Tôi không thể khoanh tay nhìn cảnh đó” - thượng úy Phục nói. Với tấm bằng cử nhân xã hội học trong tay, dù chưa được đào tạo nghiệp vụ sư phạm nhưng anh tin mình có thể làm thầy bọn trẻ.

Trước đây bộ đội biên phòng cũng từng tổ chức một lớp học ở đây nhưng phải giải tán vì học trò không chịu đến lớp. Điều đó không làm Phục nao núng. Anh xin phép cấp trên để mình được làm “nhiệm vụ đặc biệt”. Một tay anh gầy dựng lớp học, ban đầu chỉ là một chỗ che nắng che mưa, trong lớp là cái bảng đen tự chế cùng hai bàn học mà thầy Phục xin được. Mỗi tối, thầy lặn lội đến từng nhà, tỉ tê với phụ huynh tìm sự ủng hộ, sau đó tiếp cận từng đứa trẻ “dụ” chúng “đi học chỗ thầy đi, vui lắm”. Lớp học cứ thay đổi sĩ số, lúc thì năm em, khi lên được bảy em nhưng thầy không bỏ cuộc. Thầy luôn cố gắng để bọn trẻ cảm thấy“mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

Thượng úy Phục kể nhiều chuyện cảm động về học trò của mình. Mới chín tuổi, Nguyễn Tiến Dũng đã biết ném dây câu vun vút, mỗi ngày câu được vài ký mực. Một ngày, Dũng đang đi câu thì bị thầy Phục “bắt” đến lớp. Cu cậu học vài bữa lại bỏ lớp đi câu. Dỗ ngọt kiểu gì cũng không được, một buổi sáng, thầy đến nhà Dũng, quyết liệt: “Em phải đến lớp, đứng lên đi ngay”. Thằng bé làm mặt lì. Thầy Phục không nói nữa, “hốt” Dũng lên lưng, cõng đến lớp, mặc cậu bé giãy giụa. Thả phịch Dũng xuống giữa lớp, thầy hỏi “Sao, giờ em muốn bị thầy đánh đòn hay đi học?”. Thằng bé nằm sấp lên bàn học bảo “Thầy đánh con mấy roi đi, đánh lẹ cho xong rồi con đi câu kiếm tiền. Con không học đâu”. Lúc ấy, tự dưng cơn giận của thầy tan biến, chỉ thấy thương. Cuối cùng, thầy vẫn là người chiến thắng. Giờ Dũng đã 12 tuổi, vừa vào bờ để theo học cấp II.

Nguoi linh bien phong va lop hoc
Thầy trò giờ tan trường

Trong những học trò nghèo của mình, thầy Phục lo cho lớp trưởng Trần Thị Thảo nhất. Thảo sinh ra sau một mối “tình chớp nhoáng” trên hòn đảo nhỏ này. Cha Thảo rời Hòn Chuối, bặt tăm. Mẹ suốt ngày say xỉn rồi cuối cùng cũng bỏ con thơ đi mất. Không có sữa mẹ, Thảo sống được là nhờ những chén nước cơm của xóm giềng. Lay lắt nay nhờ nhà này, mai đậu nhà khác, Thảo lớn lên. Năm Thảo chín tuổi, mẹ trở lại đảo và lại... “có em”, rồi tiếp tục lặn ngụp trong những cơn say. Dân đảo quen dần với hình ảnh cô bé lôi thôi lếch thếch bế em lang thang nhà này sang nhà kia để nhờ giúp đỡ. Vậy mà thầy Phục vẫn “bốc” được Thảo đến lớp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI