Người lao động trở lại làm việc sau khi nhiễm COVID-19: Nhiều khó khăn phải đối mặt

24/03/2022 - 10:50

PNO - Sau thời gian tạm nghỉ, cách ly theo quy định để tránh lây nhiễm, người lao động mắc COVID-19 cần thêm những hỗ trợ khác để đối phó các tác động kéo dài từ hậu COVID-19 khi quay lại làm việc.

Nên nghỉ bệnh do COVID-19 trong bao lâu?

Theo một nghiên cứu nhỏ ở Mỹ, bệnh nhân mắc biến thể Omicron vẫn có khả năng truyền nhiễm kéo dài như các biến thể trước đó. Tiến sĩ Amy Barczak - Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston (Mỹ) - cho biết: “Bất kể sự khác biệt về biến thể, tình trạng tiêm chủng hoặc mũi bổ sung, những người tham gia nghiên cứu trung bình thải ra vi-rút sống trong khoảng sáu ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu, và cứ bốn người thì có một người lan truyền vi-rút sống trong hơn tám ngày”.

Tại Úc, hiện tại những nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, không chuyển nặng phải tuân theo lời khuyên của Bộ Y tế và tự điều trị COVID-19 tại nhà. Bệnh nhân có thể tự cách ly bảy ngày sau khi xét nghiệm nếu họ không bị đau họng, sổ mũi, ho hoặc khó thở. 

Ở Anh, người có kết quả dương tính không cần cách ly nhưng NHS (Dịch vụ y tế quốc gia) vẫn khuyến nghị nên hạn chế tiếp xúc năm ngày. Ngày các triệu chứng bắt đầu hoặc ngày nhận kết quả dương tính nếu bệnh nhân không có triệu chứng, được tính là ngày 0. Người lao động phải đợi cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính hai ngày liên tiếp mới được ngừng cách ly, hoặc hoàn thành đủ mười ngày nghỉ bệnh.

Người lao động trở lại làm việc sau khi mắc COVID-19 cần sự động viên, hỗ trợ của đồng nghiệp, công ty ẢNH: GETTY IMAGES
Người lao động trở lại làm việc sau khi mắc COVID-19 cần sự động viên, hỗ trợ của đồng nghiệp, công ty ẢNH: GETTY IMAGES

Khó khăn từ hậu COVID-19

Mike Heidenberg (48 tuổi) buộc phải rời bỏ công việc tại một trường cao đẳng ở New York (Mỹ) khi anh phát hiện các triệu chứng COVID-19 vào mùa xuân năm 2020. Gần hai năm sau, anh vẫn chưa đủ khỏe để trở lại làm việc, và kể từ khi gói trợ cấp thất nghiệp kết thúc vào tháng 9/2021, anh phải sống dựa vào tiền quyên góp từ cộng đồng và trang GoFundMe.

Heidenberg là một trong rất nhiều người Mỹ đang phải chật vật đối phó với hội chứng hậu COVID-19. Ước tính có khoảng 7 - 23 triệu người Mỹ đã trải qua hậu COVID-19. Một số bệnh nhân hậu COVID-19 không thể quay lại làm việc, một số phải giảm giờ làm. Các nhà khoa học vẫn chưa biết tại sao một số người chấm dứt triệu chứng COVID-19 chỉ trong vài ngày, còn những người khác mất vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí là vài năm. Dù vậy, các chuyên gia y tế và bệnh nhân đã cố gắng cảnh báo rằng xã hội cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp những người mắc COVID-19 quay lại làm việc.

Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ đã ban hành hướng dẫn vào tháng 12/2021 để làm rõ rằng người mắc hậu COVID-19 có thể đủ tiêu chuẩn công nhận là người khuyết tật. Những nhân viên mắc hậu COVID-19 có thể được bố trí vị trí phù hợp, cho phép thực hiện các chức năng thiết yếu của công việc, trừ khi người sử dụng lao động có thể chứng minh điều đó sẽ là một “gánh nặng không đáng có” cho doanh nghiệp. Terri Rhodes - Giám đốc điều hành của Liên minh Sử dụng lao động khuyết tật Mỹ - khuyên rằng: “Người lao động mắc hậu COVID-19 cần trao đổi thẳng thắn với cấp trên. Chẳng hạn như: Tôi cần giúp đỡ để thực hiện công việc của mình, đây là những điều tôi nghĩ mình có thể làm, đây là những gì tôi không thể làm. Tôi không biết nó sẽ kéo dài bao lâu. Tôi muốn trở lại làm việc và tôi cần sự giúp đỡ”. Tại thời điểm đó, nhà tuyển dụng có nghĩa vụ tham gia cuộc đối thoại nhằm xác định những phương án khả thi, bao gồm làm việc từ xa, giảm giờ làm, chỉ định khu vực nghỉ ngơi, lên lịch trình linh hoạt, cung cấp thiết bị đặc biệt… 

Cuối cùng, trong một số trường hợp, chứng sương mù não hậu COVID-19 có thể tác động lớn đến tâm lý người lao động và họ cần thêm hỗ trợ về tâm lý hoặc thay đổi hoàn toàn tính chất công việc. Harris - một y tá tại bang Colorado - dù được giảm số giờ làm việc nhưng lượng bệnh nhân của cô ấy vẫn rất nhiều. Cô lo lắng rằng các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung của mình có thể sẽ gây hại cho người khác và đang xem xét xin chuyển sang bộ phận hành chính. “Tôi ngại đi làm vì sợ mắc sai lầm y tế. Nỗi sợ hãi về việc làm tổn thương một trong những bệnh nhân do bỏ sót hoặc quên thứ gì đó dần trở nên không thể chịu đựng được”, Harris nói. 

Linh La (theo NBC, Washington Post, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI