Người lao động nhập cư Ấn Độ làm việc như nô lệ trong các nông trại ở Ý

24/07/2021 - 05:32

PNO - Hàng chục ngàn lao động nhập cư Ấn Độ đang làm thuê trong các nông trại ở Ý đã phải làm việc như nô lệ trong nhiều năm liền, sau khi rơi vào bẫy môi giới việc làm của các băng đảng ở nước này. Tệ hơn, họ còn bị các bác sĩ địa phương lạm dụng để bán thuốc giảm đau vốn chỉ dùng cho bệnh nhân ung thư.

Balbir Singh là một trong số hàng chục ngàn người lao động nhập cư Ấn Độ đang làm thuê trong những trang trại chăn nuôi gia súc ở Latina - một tỉnh nông thôn phía nam thủ đô Rome, Ý.

Người da đỏ làm việc trên đất rút từ đầm lầy vào những năm 1930, một trong những dự án công trình công cộng lớn nhất được thực hiện dưới thời nhà độc tài Benito Mussolini
Người Ấn Độ làm việc tại một nông trại ở Ý - Ảnh: AFP

Khi nói về những gian nan, khó nhọc của mình nơi đất khách, Signh đã dùng từ tiếng Ý “macello”, có nghĩa là một “mớ hỗn độn”. Trên thực tế, từ này không đủ để diễn đạt những gì mà người lao động nhập cư Ấn Độ tại Ý như anh phải chịu đựng.

Trong 6 năm, Signh sống như nô lệ. “Tôi phải làm việc 12, 13 tiếng một ngày, kể cả Chủ nhật. Tôi không được nghỉ ngơi và cũng không có ngày nghỉ lễ”, Singh nói với AFP và cho biết, chủ trang trại chỉ trả cho anh từ 100 đến 150 euro (tương đương 120 đến 175 USD) một tháng, nghĩa là một giờ công của anh chưa đến 50 cent. Trong khi đó, mức lương tối thiểu cho công nhân nông trại theo luật của Ý là khoảng 10 euro/giờ.

Ngày 17/3/2017, sau khi kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo cộng đồng người Ấn Độ tại địa phương và một nhà hoạt động vì nhân quyền của Ý qua Facebook và WhatsApp, Singh đã được cảnh sát giải cứu.

Khi cảnh sát đột kích vào trang trại nơi Singh làm việc, họ thấy anh đang phải sống trong một chiếc xe kéo, không có điện, ga và nước nóng. Khẩu phần của Signh là thực phẩm thừa mà ông chủ vứt đi hoặc hoặc dùng làm thức ăn cho heo, gà.

Singh phải tắm rửa trong chuồng, bằng chính những vòi nước mà anh dùng để tắm gia súc, và anh cũng đã được chủ nói rõ rằng không được phàn nàn về việc này.

“Khi tôi tìm được một luật sư sẵn sàng giúp mình, thì ông chủ dọa sẽ giết và chôn tôi vào một cái hố. Ông ấy có súng và tôi đã nhìn thấy”, Singh kể lại trong sợ hãi và cho biết anh cũng đã bị chủ đánh đập một vài lần, và bị lấy đi tất cả giấy tờ tùy thân.

Người chủ của Singh hiện đang bị xét xử với tội danh bóc lột lao động, trong khi Singh đang sống tại một địa điểm bí mật vì sợ bị trả thù.

Câu chuyện của Singh phản ánh phần nào bức tranh toàn cảnh về nạn bóc lột tàn bạo người lao động nhập cư đang làm thuê trong các nông trại ở Agro Pontino - một khu vực đầm lầy ở miền Tây nước Ý bao quanh thành phố Latina - và những nơi khác trên đất nước này.

 

Điều kiện sống tồi tàn của lao động nhập cư
Hàng chục ngàn lao động nhập cư Ấn Độ đang chịu điều kiện lao động như nô lệ

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về các hình thức nô lệ hiện đại, trong năm 2018 ước tính có hơn 400.000 công nhân nông nghiệp ở Ý có nguy cơ bị bóc lột và gần 100.000 người có thể đang làm việc trong những “điều kiện vô nhân đạo”.

Tháng trước, một người đàn ông 27 tuổi đến từ Mali - một quốc gia ở Tây Phi - đã gục ngã và chết ở vùng đông nam Apulia vì phải làm việc trên các cánh đồng cả một ngày dài khi nhiệt độ lên tới 40 độ C.

Tại Agro Pontino - một nơi chuyên canh tác theo kỹ thuật nhà kính, trồng hoa và sản xuất phô mai làm từ sữa trâu - người Ấn Độ đã có mặt từ giữa những năm 1980. Họ phải làm việc trong những trang trại được xây dựng từ các đầm lầy vào những năm 1930 - một trong những dự án công trình công cộng lớn nhất được triển khai dưới thời của nhà độc tài Benito Mussolini.

Marco Omizzolo - một nhà xã hội học và hoạt động nhân quyền, người đã giúp giải phóng Singh - cho biết hiện có khoảng 25.000 đến 30.000 người Ấn Độ đang sống ở Agro Pontino, chủ yếu là người Sikh đến từ bang Punjab thuộc miền Bắc Ấn Độ.

Họ phải sống dưới sự kiểm soát của “caporali” -  những chủ băng đảng chuyên tuyển dụng lao động cho các nông trại. Mặc dù hoạt động bất hợp pháp, nhưng các băng đảng này có một hệ thống rất vững chắc. Thông qua các băng nhóm này, người lao động nhập cư được ký hợp đồng, nhưng sau đó họ chỉ nhận được một phần tiền công rất khiêm tốn.

“Họ có thể bị bắt làm việc 28 ngày/tháng, nhưng chỉ được chấm công 4 ngày, vì vậy vào cuối tháng, những người lao động nhập cư này chỉ nhận được 200, 300 euro”, Omizzolo chia sẻ với AFP.

Chưa hết, cộng đồng người lao động nhập cư Ấn Độ tại Ý còn bị các bác sĩ địa phương lạm dụng. Mới đây, sau khi điều tranh, cảnh sát Ý đã bắt giữ một bác sĩ ở Sabaudia - một thị trấn ven biển của tỉnh Latina - vì đã kê đơn bất hợp pháp hơn 1.500 hộp Depalgos (một loại thuốc giảm đau cực mạnh có chứa Oxycodone và thường chỉ dùng cho bệnh nhân ung thư) cho 222 công nhân Ấn Độ đang làm việc tại các nông trại ở Ý.

Nhất Nguyên (theo CNA, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI