Người lao động mừng, doanh nghiệp lo khi lương tối thiểu vùng tăng

17/07/2024 - 14:47

PNO - Từ ngày 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Mức lương tối thiểu theo các vùng tăng bình quân từ 200.000-280.000 đồng/tháng.

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - mặc dù mức tăng không nhiều, tuy nhiên trong thời điểm khó tuyển dụng lao động như hiện nay, việc tăng lương sẽ giúp người lao động yên tâm làm việc và tiếp tục gắn bó với công ty. Ngoài ra, người lao động còn được tăng một số quyền lợi như tăng mức đóng bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm y tế; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa...

Theo các doanh nghiệp, khi tăng lương nên có thêm những chính sách ổn định giá hàng hóa mới có thể hỗ trợ được người lao động
Theo các doanh nghiệp, khi tăng lương nên có thêm những chính sách ổn định giá hàng hóa mới có thể hỗ trợ được người lao động

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang lo lắng. Giám đốc một công ty giày dép có khoảng 400 lao động cho hay, việc tăng lương khiến chi phí của doanh nghiệp tăng trong bối cảnh thị trường chưa hoàn toàn hồi phục. Ông mong muốn cơ quan chức năng có thêm nhiều chính sách hỗ trợ góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận, vay được nguồn vốn lớn, đầu tư đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Lâm Việt (Bình Dương) - cũng cho biết, với khoảng gần 900 công nhân, chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp sẽ tăng thêm từ 5 - 7% so với trước đây.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc tăng lương là tất yếu để đảm bảo đời sống cho người lao động. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp cần tăng năng suất lao động bằng cách đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Từ đó, có thể bù đắp phần chi phí tăng, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hà Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI