Người lao động mong được tiêm vắc xin để sớm đi làm

20/08/2021 - 06:46

PNO - Người lao động tại các khu nhà trọ ở TPHCM đang mong nhận được tiền hỗ trợ và được tiêm vắc xin để sớm tìm đường mưu sinh. Hiện có bốn quận, huyện đã tiêm vắc xin mũi 1 cho trên 90% dân số trên 18 tuổi nhưng một số quận, huyện khác triển khai tiêm chủng còn chậm.

Nhiều người lao động trông chờ được tiêm vắc-xin để sớm đi làm trở lại
Nhiều người lao động trông chờ được tiêm vắc xin để sớm đi làm trở lại

Người ở trọ ngóng vắc xin

Dãy nhà trọ ở hẻm 10/2 Cống Lở, tổ 10, khu phố 9, P.15, Q.Tân Bình có 20 phòng, người thuê trọ là lao động phổ thông đến từ nhiều tỉnh, thành: Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Thuận, Bến Tre, Cà Mau… Anh Nguyễn Vinh Đạt - quê tỉnh Bến Tre - cùng vợ và hai con nhỏ thường ngủ dậy ngay giờ trưa: “Đây là cách tiết kiệm của nhà tôi. Nếu dậy sớm, cả nhà phải ăn thêm bữa sáng. Nếu dậy trễ, cả nhà chỉ ăn hai bữa/ngày. Tiền tôi còn nhưng chỉ đủ để đóng tiền phòng trọ. Nếu không còn chỗ ở, ra đường lúc này, ai chứa?”.

Để tiết kiệm tiền tích lũy được từ tám năm làm nghề sơn tường cho các công trình xây dựng, ngoài phương án ngủ đến trưa, vợ chồng anh Đạt còn ăn uống dè sẻn. Vợ anh bán bánh mì đầu hẻm, phải nghỉ bán từ tháng 6/2021 khi có yêu cầu giãn cách xã hội. Anh Đạt quy ước, chỉ chi ra mỗi ngày dưới 50.000 đồng nhưng vì hai con mới bốn tuổi và bảy tuổi, vợ chồng anh vẫn phải mua sữa bịch cho con. 

Anh N.Đ.H. - tài xế xe ôm công nghệ - thở dài: “Ở dãy trọ này, ai cũng khó khăn mà không biết xoay xở ra sao. Ai cũng muốn về quê vì ở đây không làm gì ra tiền nhưng phải đóng tiền trọ, chi tiền ăn. Còn về quê thì phải trả tiền cách ly tập trung mà ai cũng cạn tiền; lỡ có lây bệnh cho bà con ở quê thì mang tội. Thế nên, mọi người bàn nhau ráng cầm cự thêm. Nhưng đến nay, vẫn chưa ai được tiêm vắc xin , cũng chưa ai được lên danh sách nhận tiền hỗ trợ. Có tiền hỗ trợ là mừng, nhưng nếu được tiêm vắc xin để tự mưu sinh, sẽ thoải mái hơn”. 

Trên Cổng thông tin COVID-19 TPHCM, tỷ lệ bao phủ vắc xin dần tăng mỗi ngày. Năm ngày trước, Q.11 tiêm đạt 90% số người trên 18 tuổi thì đến ngày 19/8, nhiều quận, huyện khác đã vượt qua tỷ lệ này. Hiện tại, đã có bốn quận, huyện đã tiêm mũi 1 cho 100% dân số trên 18 tuổi, gồm Q.1, Q.Phú Nhuận, Q.5, H.Cần Giờ. Q.11 tiêm mũi 1 cho 97,61% dân số, tiếp đến là Q.6, Q.7 với trên 90% dân số trên 18 tuổi được tiêm. Q.Tân Bình - nơi có đông dân và đông người thuê trọ - chỉ tiêm mũi 1 cho 55,9% dân số.

Sở dĩ có sự khác biệt về tỷ lệ này là do vắc xin được giao về cho các quận, huyện tự tổ chức tiêm. Tính đến ngày 18/8, Q.Gò Vấp chỉ mới tiêm mũi 1 cho 38,08% dân số, Q.Bình Tân tiêm 38,68%, Q.Bình Thạnh tiêm 40,23% dân số trên 18 tuổi. 

TPHCM đặt mục tiêu đến ngày 31/8, tiêm vắc xin cho hơn 70% dân số
TPHCM đặt mục tiêu đến ngày 31/8, tiêm vắc xin cho hơn 70% dân số

Báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp cho rằng, việc tiêm chậm là do dân số đông, người dân đi lại nhiều, số ca mắc mới nhiều; quận sẽ tiêm đạt trên 70% dân số trên 18 tuổi trong 20 ngày tới. 

Đến ngày 31/8, tiêm vắc xin cho hơn 70% dân số 

Theo kế hoạch của UBND TPHCM (thực hiện theo Nghị quyết 86 của Chính phủ) ban hành ngày 15/8, TPHCM sẽ thực hiện ba giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19: từ ngày 15 đến 22/8/2021, sẽ giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao; từ ngày 23 đến 31/8/2021, sẽ tách nguồn lây nhiễm; từ ngày 1 đến 15/9/2021, sẽ duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu này, vắc xin là một trong những giải pháp chính. UBND TPHCM đặt ra hai giai đoạn: từ ngày 15 đến 31/8/2021, tiêm hơn 3 triệu liều vắc xin để có hơn 70% dân số được tiêm mũi 1, hoàn thành mũi 2 cho khoảng 1 triệu người; từ ngày 1 đến 15/9/2021, tổ chức tiêm vắc xin cho những người còn lại, tiêm nhắc mũi 2 theo quy định (400.000 người) và có thể tiêm mở rộng cho người từ 12-18 tuổi nếu có nguồn vắc xin phù hợp.

Trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện vào ngày 16/8, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu UBND các quận, huyện thống kê không sót người ở trọ nào để hỗ trợ. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, có 1,58 triệu hộ đang phải ở phòng trọ. Trong đó, nơi có số lao động ở trọ nhiều nhất là Q.Bình Tân (hơn 266.000 hộ), kế đến là Q.Bình Thạnh (hơn 215.000 hộ), H.Bình Chánh (khoảng 179.000 hộ), Q.7 (139.000 hộ), Q.8 (khoảng 112.000 hộ), TP.Thủ Đức (gần 104.000 hộ). Trước mắt, các hộ này được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/30 ngày trong những ngày giãn cách. 

Hiếu Nguyễn - Đức Hiếu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI