Lại khăn gói rời quê vào nhà máy
Về quê tránh dịch COVID-19 chưa được bao lâu, người lao động ở các tỉnh Tây Nguyên lại hối hả trở lại các tỉnh, thành phía Nam. Từ năm 2019, anh Y Si Ốp cùng vợ là H‘Vương Bkrông - trú tại bon U3, thị trấn Ea Tling, H.Cư Jút, tỉnh Đắk Nông - dắt hai đứa con đến tỉnh Bình Dương làm công nhân. Vợ chồng anh có năm người con. Lúc ở quê, gia đình không có đất sản xuất nên luôn nằm trong danh sách hộ nghèo. Từ khi rời quê đi làm công nhân, với tổng thu nhập ổn định 13 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh có tiền để gửi về cho ông bà nội chăm sóc ba đứa con.
|
Người dân các tỉnh Tây Nguyên về lại các tỉnh, thành phía Nam để làm việc |
Khi dịch COVID-19 bùng phát, các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội, vợ chồng anh mất việc. Ngày 1/10, khi các tỉnh phía Nam nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, vợ chồng anh quyết định trở về tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian cách ly, vợ chồng anh cũng không biết làm gì ở quê để có thu nhập, chỉ muốn quay lại tỉnh Bình Dương để kiếm việc làm.
Tương tự, vợ chồng chị H’La B’Krông - trú tại thị trấn Ea Tling, H.Cư Jút - cũng về quê tránh dịch với hai bàn tay trắng, phải sống nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Đến nay, do gặp khó khăn về tài chính, vợ chồng chị chỉ chờ công ty ở tỉnh Đồng Nai gọi là sẽ trở lại ngay vì ở quê không có nương rẫy.
Bà H’Oanh B’Krông - Phó chủ tịch UBND thị trấn Ea Tling - cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, có 172 công dân từ các tỉnh phía Nam trở về thị trấn. Trong đó, có 54 công dân là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc giám sát cách ly, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gạo, nước, nhu yếu phẩm để giúp họ vượt qua khó khăn. Bà H’Oanh B’Krông cho hay: “Những công dân sau khi cách ly y tế, nếu có nhu cầu đi làm ăn xa, chính quyền sẽ tạo điều kiện về giấy tờ, thủ tục. Đối với các công dân có nguyện vọng làm việc tại nhà, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện giúp vay vốn, tạo việc làm”.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Nông, từ tháng 5 đến đầu tháng 10/2021, có khoảng gần 20.000 lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương. Nhiều người trong số họ đang chuẩn bị quay trở lại nơi làm việc cũ sau khi các tỉnh cho phép nhà máy hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk - cho biết từ ngày 27/4 đến nay, có hơn 130.000 công dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về tỉnh Đắk Lắk tránh dịch. Tính riêng từ ngày 2/10 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận gần 23.000 công dân trở về từ các tỉnh. Vài ngày nay, có hàng trăm người từ tỉnh Đắk Lắk đã về lại các tỉnh, thành phía Nam để tiếp tục công việc. Sở đề nghị các tỉnh ưu tiên tiêm đủ hai mũi vắc xin cho những người có nhu cầu quay lại nơi làm việc cũ. Các địa phương của tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo điều kiện hết mức để người lao động quay lại nơi làm việc.
|
Người lao động tìm việc tại “Sàn giao dịch việc làm lần 1 - năm 2021” do các cơ quan của Q.Tân Bình, TPHCM tổ chức ngày 15/10 - Ảnh: Hoài An |
Ngày 17/10, Mai Nguyễn Tú Quyên - quê ở khu vực Quy Thạnh 2, P.Trung Kiên, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ - trở lại TPHCM để kịp làm việc vào ngày hôm sau. Cô gái 21 tuổi này vừa chạy xe máy một mình từ quê lên và sẽ vào làm việc cho Công ty TNHH MSC Việt Nam (P.13, Q.4). “Đúng ra, em đã vào làm từ ngày 15/7 rồi nhưng lúc đó, công ty phải tạm ngưng hoạt động do giãn cách xã hội. Giờ dịch bệnh đã bớt rồi, được đi làm, em mừng lắm” - Tú Quyên chia sẻ.
Tuần trước, cả gia đình chị Trần Thị Tú Trinh - ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ - gồm sáu người đã đến TPHCM để bán cá đồng cho công nhân thuê trọ ở ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn. Do TPHCM giãn cách xã hội, không buôn bán được, tiền bạc tích lũy cạn kiệt nên cả gia đình chị phải dắt díu nhau về quê. Vợ chồng chị đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 tại TPHCM trước khi về quê nên việc đi lại cũng thuận lợi. “Tôi phải về quê để chuẩn bị sinh con nhưng giờ nghe tin nhiều công ty được phép hoạt động nên vợ chồng tôi phải trở lại TP.HCM buôn bán” - chị Trinh nói.
Doanh nghiệp cần tuyển hàng chục ngàn người
Sáng 15/10, “Sàn giao dịch việc làm lần 1 - năm 2021” do Liên đoàn Lao động, Phòng LĐTBXH, Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Hội Doanh nghiệp Q.Tân Bình tổ chức thu hút nhiều người đến tìm việc và 20 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng công nhân may mặc, kế toán, kỹ thuật viên máy tính, bán hàng, lái xe, lao động phổ thông...
|
Người lao động tìm việc tại “Sàn giao dịch việc làm lần 1 - năm 2021” do các cơ quan của Q.Tân Bình tổ chức ngày 15/10 |
Bà Lê Thị Thúy Hồng - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.Tân Bình - cho biết sàn giao dịch việc làm nhằm góp phần tạo kết nối cung cầu nhân lực, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, xã hội. Qua thống kê, có hơn 300 người đến sàn để tìm việc làm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận 237 hồ sơ ứng tuyển.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng đang đăng thông tin tuyển dụng 600 nhân viên làm việc ở kho xử lý hàng hóa của các công ty kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nhân viên giao nhận hàng tại các khu, cụm công nghiệp, lương 30.000 đồng/giờ, ca đêm 37.000 đồng/giờ. Ngoài ra, trung tâm cũng tuyển hàng ngàn lao động phổ thông, nhân viên văn phòng, nhân viên pháp chế, kế toán, thư ký giám đốc…
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TP.HCM, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần tăng tốc sản xuất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong quý IV/2021, các doanh nghiệp ở TP.HCM cần tuyển trên 50.000 người, tập trung ở các nhóm nghề như kinh doanh - thương mại, bảo vệ, công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, du lịch - nhà hàng - khách sạn, kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử, lương thực - thực phẩm; kiến trúc - xây dựng…
Chiều 17/10 trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đối với lực lượng lao động, TP.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trở lại làm việc. Cụ thể, nếu ai chưa tiêm vắc xin thì khi lên TP HCM sẽ được tiêm vắc xin và thành phố cũng có những hỗ trợ khác như nhà trọ, cơ hội tiếp cận việc làm… Bên cạnh đó, hiện thành phố đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp về việc tổ chức về các địa phương tại miền Tây, trong đó có Sóc Trăng để tiến hành tuyển dụng lao động trực tiếp tại địa phương. |
Nguyên Bảo - Hoài An - Từ Nhân