Người lao công ở trường THCS Phan Văn Hớn

14/05/2020 - 06:00

PNO - Chỉ có một mình nhưng dì Hai vẫn nhận công việc làm vệ sinh cho cả ngôi trường. Bởi vậy, ngày nào dì cũng thức dậy từ 4g sáng, đạp xe đến trường để quét sân, dọn dẹp các phòng làm việc, phòng học, nhà vệ sinh…

Chồng mất sớm, Vì tương lai của con (ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM) dắt hai đứa con nhỏ về dựng chòi lá phía sau nhà bà nội mình để che nắng, che mưa và đi làm nuôi con. Đi làm được vài năm thì bà nội bệnh, dì phải nghỉ làm để chăm sóc bà. Những lúc rảnh rỗi, dì tranh thủ đi rửa chén, phụ bưng bê ở các quán ăn, ai thuê gì làm nấy để có thu nhập. Năm 2003, sau khi bà mất, dì xin vào làm nhân viên lao công tạp vụ tại Trường THCS Phan Văn Hớn. Thấm thoắt cũng đã hơn 16 năm. 

Dì Nguyễn Thị Hai
Dì Nguyễn Thị Hai

Chỉ có một mình nhưng dì Hai vẫn nhận công việc làm vệ sinh cho cả ngôi trường. Bởi vậy, ngày nào dì cũng thức dậy từ 4g sáng, đạp xe đến trường để quét sân, dọn dẹp các phòng làm việc, phòng học, nhà vệ sinh… Thương mẹ, hai cậu con trai cũng dậy sớm, theo mẹ đến trường để giúp mẹ cho đến giờ vào lớp và tranh thủ giúp mẹ cả giờ ra chơi. Tuổi thơ của chúng gắn bó với công việc của mẹ. Thương con, vì tương lai của chúng, dì Hai tự nhủ “dù cực khổ đến mấy cũng phải vượt qua”. 

Suốt 20 năm một mình nuôi con, gần như lúc nào dì cũng gắng sức làm việc. Ngoài việc của trường, đến cuối tuần, hễ có người cần là dì nhận việc để kiếm thêm thu nhập. Việc chi tiêu của gia đình cũng hết sức gói ghém để tập trung cho việc học hành của các con. Sáng nào ba mẹ con cũng dậy sớm nấu cơm ăn và bới theo đi học, đi làm. 

Dì Hai và người cô đơn thân, 90 tuổi
Dì Hai và người cô đơn thân, 90 tuổi

 

Ba bốn năm trở lại đây, công việc của dì Hai có phần bớt vất vả nhờ trường tuyển thêm người. Nhưng di chứng của thời gian dài vất vả, lao động quá sức khiến dì thường xuyên đau nhức khớp, nhất là những khi trái gió trở trời, đi lại nhiều hoặc ngồi quá lâu. “Từ tháng 10/2019 tôi đã nghỉ hưu. Nhưng tôi vẫn xin ký hợp đồng tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập lo cho gia đình” - dì Hai nói. 

May mắn của dì là hai cậu con trai đều học hành siêng năng. Những lúc rảnh rỗi, chúng phụ mẹ quét dọn nhà cửa, đi chợ, nấu cơm, chăm sóc người thân, biết giữ nếp nhà và cùng nhau chia sẻ mọi điều. “Những lúc mệt mỏi, về nhà thấy con cái cố gắng học hành là tôi cảm thấy yên lòng, có thêm niềm tin để phấn đấu và tin tưởng sẽ có một tương lai tốt đẹp ở phía trước” - dì Hai chia sẻ. Và mọi cố gắng của dì đã được bù đắp. Con lớn hiện đã tốt nghiệp đại học, hiện đang làm nhân viên quản lý chất lượng tại Bệnh viện Hùng Vương; con nhỏ cũng vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng; tuy nhiên, nỗi lo của một người từng trải thì vẫn chưa dừng. Hiện dì Hai vẫn còn phải chăm lo cho người cô đơn thân đã ngót nghét 90 tuổi. 

Diễm Trang

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI