Kỷ niệm 93 năm ngày Truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2023)

Người làm tuyên giáo phải có lửa

31/07/2023 - 06:29

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM nhân kỷ niệm 93 năm ngày Truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2023), Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - cho rằng, trọng trách đặt trên vai người cán bộ tuyên giáo trong thời kỳ mới là hết sức nặng nề.

Phóng viên: Trong vai trò cán bộ tuyên giáo, ông từng có những buổi nói chuyện gây xúc động, truyền cảm hứng cho nhiều đối tượng khác nhau về các vấn đề thời sự, đặc biệt là về chủ quyền biển đảo. Theo ông, làm thế nào để có thể chạm đến trái tim người nghe?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Năm 2012, tôi được ủy quyền chuẩn bị bài tham luận về tình hình Biển Đông để báo cáo trước Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai với hơn 1.000 kiều bào đến từ 100 nước. Lúc đó, tôi nghĩ, nếu đọc tham luận 45 phút thì người đọc cũng khổ mà người nghe cũng chán. Thế là tôi chuẩn bị một bài nói chuyện. Trong quá trình chuẩn bị cho bài nói, có chuyến công tác nước ngoài, tôi giao đồng chí cục phó khi sang đến nơi thì nắm bắt dư luận, tâm tư của kiều bào về tình hình Biển Đông.

Qua nghe báo cáo, chúng tôi nhận thấy, bà con chưa hiểu đúng về tình hình Biển Đông. Cụ thể, họ nghĩ suốt bao năm nay, chúng ta đã để mất biển, mất đảo. Họ cũng cho rằng Việt Nam sợ, phụ thuộc và không dám đấu tranh với Trung Quốc. Họ hiểu chưa đúng thì mình phải làm cho họ hiểu đúng. Đúng ở đây là đúng sự thật. Tôi nói rõ, Việt Nam là nước độc lập, tự chủ, không phụ thuộc nước nào, kể cả Trung Quốc. Tuy vậy, chúng ta ở cạnh bên một “ông khổng lồ” cho nên phải khôn khéo. Bộ tộc Bách Việt hầu hết đều bị Trung Quốc đồng hóa, chỉ có 2 bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt tồn tại cho đến ngày nay và trở thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì sao 2 bộ tộc này tồn tại? Vì chúng ta khôn khéo, mưu kế, có đối sách phù hợp khi sống bên cạnh “ông khổng lồ”.

 Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Tôi nói rõ, từ năm 1988 đến nay, chúng ta không mất một đảo nổi hay bãi ngầm nào, không để nước ngoài đặt giàn khoan, dựng nhà giàn trái phép nào trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Họ đưa tàu đến thăm dò hay định đặt giàn khoan, ta đều lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu họ rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Được biết sau hội nghị, bà con có chuyến đi ra Trường Sa, tôi nói, ở thời điểm chúng ta giải phóng Trường Sa năm 1975, chỉ có 5 đảo do quân đội ngụy Sài Gòn quản lý, đến nay ta đã có 9 đảo nổi, 12 đảo chìm. Các đảo mất cho Philippines đều dưới thời của chế độ trước.

Đặc biệt, tôi kể lại sự gian nan để làm được một nhà giàn. Những năm 1987-1988, chúng ta không có công nghệ tiên tiến, phương tiện hiện đại mà chỉ bằng thủ công để dựng những nhà giàn trên các bãi đá ngầm. Qua một mùa dựng nhà giàn, tấm lưng của những chiến sĩ cháy rát nắng. Công sức của bộ đội như vậy để gìn giữ chủ quyền quốc gia, không ai được phép phủ nhận. Không những trong quá khứ mà trong tương lai, chúng ta cũng quyết tâm gìn giữ như vậy, sao lại bảo là để mất biển, mất đảo?

* Không ít người hình dung cán bộ tuyên giáo chỉ nói một cách giáo điều, sáo rỗng, tô hồng. Làm sao để xóa định kiến này, thưa ông?

- Tôi vẫn nói với anh em, nghề của chúng ta là nghề đi truyền lửa cho người khác. Chúng ta thắng được Pháp, thắng được Mỹ là nhờ Đảng đã đào tạo được đội ngũ cán bộ, đảng viên có ngọn lửa nhiệt tình cách mạng rực cháy. Chính ngọn lửa đó đã truyền đến cho quần chúng nhân dân, định hướng, tập hợp quần chúng lại để tạo nên sức mạnh vĩ đại dời non lấp bể. Cho nên, người làm công tác tuyên giáo phải có lửa, ngọn lửa đó phải rực cháy, chứ không phải hiu hắt, ra gió một chút là tắt.

Đội ngũ cán bộ luôn là nỗi trăn trở của Đảng. Trong đội ngũ cán bộ của chúng ta, có một bộ phận không nhỏ suy thoái về đạo đức, lối sống, trong đó có cả cán bộ ngành tuyên giáo. Người đã suy thoái về đạo đức, chính trị thì không thể truyền lửa được, thậm chí họ còn đem đá lạnh cho người khác. Cho nên, ngọn lửa trước hết phải xuất phát từ cái tâm. Có tâm rồi thì phải rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp để đạt được cái tầm, cái tài.

Cán bộ tuyên giáo cũng cần thẳng thắn, không nên né tránh khi nói về mặt chưa tốt. Chúng ta phải nói sự thật, sự thật đó gồm cả cái tốt và cái chưa tốt. Quan trọng là khi nói mặt hạn chế, yếu kém thì phải làm cho người nghe hiểu đó không phải là bản chất chế độ và chúng ta đang nỗ lực tìm cách khắc phục để làm cho những mặt chưa tốt giảm xuống mức thấp nhất.

* Mục tiêu của tuyên giáo trong thời chiến là làm sao để “không ai lạc lòng”, để “đưa từng người về phía mình”, còn trong thời bình thì sao, thưa ông? Làm tuyên giáo ngày nay liệu có dễ dàng hơn trước?

- Nói thì nghe ngược, nhưng làm tuyên giáo bây giờ khó hơn thời chiến. Ngày xưa, việc tuyên truyền chỉ qua radio, truyền đơn, báo chí và cái miệng con người. Nhưng hiện nay, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Thế giới có mạng xã hội nào thì chúng ta có mạng nấy. Mà thông tin trên đó thì ai kiểm chứng? Đặc biệt là YouTube. Khi Biển Đông “dậy sóng”, trên nền tảng YouTube, có đến 70%, có lúc đến 90% video đăng thông tin sai sự thật, dàn dựng, kích động chiến tranh.

Trước đây, cán bộ, lực lượng cách mạng thuần nhất, chỉ có địch và ta, tức là chia 2 mặt trận rõ ràng. Còn hiện nay, mặt trận đan xen, đối tác cũng là đối tượng để đấu tranh, trong nội bộ lại có một bộ phận không nhỏ suy thoái, tự diễn biến. Bên cạnh đó, âm mưu, phương thức chống phá của kẻ địch hết sức tinh vi, thâm độc. Điều này làm cho cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng, văn hóa vô cùng phức tạp. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của người làm tuyên giáo càng khó khăn hơn. Nhưng, càng khó khăn thì càng phải quyết liệt, càng phải nâng cao trách nhiệm.

Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu đầu tiên là phải xác định đúng vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng, văn hóa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong thời kỳ chiến tranh, khi chúng ta chưa giành được chính quyền, đã có bản Đề cương văn hóa. 

Tiếp đến là phải lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng để có những cán bộ tuyên giáo có tâm, đức, trách nhiệm, rồi đến có tầm, có tài. Phải thổi cho họ ngọn lửa, ngọn lửa nhiệt tình cách mạng đó phải rực cháy. Từ đó, cán bộ tuyên giáo mới có thể truyền ngọn lửa đó cho quần chúng nhân dân.
 

Các kiều bào quan tâm, bày tỏ cảm xúc với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (giữa) sau khi nghe bài nói chuyện của ông tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai năm 2012 - Ảnh tư liệu
Các kiều bào quan tâm, bày tỏ cảm xúc với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (giữa) sau khi nghe bài nói chuyện của ông tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai năm 2012 - Ảnh tư liệu

* Có hơn 30 năm làm công tác tuyên giáo, có duyên với nghề “nói” từ năm tháng chiến tranh, ông có thể chia sẻ về những kỷ niệm sâu sắc trong nghề?

- Cuối năm 1967, ba mẹ tôi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi rời trường học, xin vào bộ đội, làm nhiệm vụ liên lạc, trinh sát trong tiểu đoàn đặc công. Một lần, khi mang công văn sang Trung đoàn 36 vừa từ miền Bắc hành quân vào chiến trường miền Nam, tôi được chính ủy đề nghị kể lại tình hình giặc Mỹ cho bộ đội nghe. 14 tuổi, lần đầu tiên tôi nói trước những cán bộ vai anh, vai chú về những điều mình biết, mình chứng kiến về tội ác Mỹ ngụy. Đó cũng là cái duyên đầu tiên của tôi với nghiệp “nói”.

Một dấu ấn khác là sau năm 1975, 21 tuổi, tôi được phân công đứng lớp chính trị cho khoảng 1.500 binh sĩ chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam đi cải tạo. Nói để họ nghe không phải dễ, nhưng mình xuất phát từ thực tế, dẫn chứng bằng sức thuyết phục “người thật, việc thật” của một người lính cộng sản ở chiến trường miền Nam. Khi làm bản thu hoạch, nhiều binh sĩ ngụy cho biết họ thật sự mừng khi Đà Nẵng được giải phóng. Họ mừng vì họ không còn phải ra trận đối diện với cái chết, không còn phải chứng kiến đồng đội đi cướp bóc, tra tấn, đánh đập người dân.

* Xin cảm ơn Trung tướng. 

Phương Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI