Người làm báo, trước hết phải có cái tâm trong sáng

20/06/2022 - 08:50

PNO - Làm báo hay làm văn chương hoặc các loại hình nghệ thuật khác đều hướng người đọc, người hưởng thụ đến Chân, Thiện, Mỹ.

                                                                                           
Rời nhiệm sở - Báo Sài Gòn Giải Phóng - tôi được các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo mời tham gia giảng dạy.
Thực ra, trước đó, khi còn làm công tác quản lý báo chí tôi đã có dịp đứng lớp, trao đổi kinh nghiệm làm báo ở các trường đào tạo nhà báo và các trung tâm bồi dưỡng báo chí.

Các phóng viên quốc tế và Việt Nam tác nghiệp tại SEA Games 31 - Ảnh: P. Minh
Các phóng viên quốc tế và Việt Nam tác nghiệp tại SEA Games 31 - Ảnh: P. Minh

Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề báo, tôi ngộ rằng "truyền lửa" cho thế hệ nối tiếp không chỉ là kiến thức, kinh nghiệm tác nghiệp mà trước hết như người xưa nói "tiên học lễ, hậu học văn".

Xin đừng hiểu "lễ" và "văn" ở đây theo nghĩa đen mà thông điệp của nó là cái tâm, trách nhiệm của người làm báo - một nghề đặc biệt, có liên quan đến toàn xã hội.

Từ suy nghĩ ấy, tôi nhận lời dạy, nhưng không trực tiếp dạy kỹ thuật nghề như cách viết tin, gương, phóng sự, bút ký... mà " lan tỏa" về đạo đức người làm báo và luật báo chí cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật báo chí.

Đó là một công việc không hề đơn giản; bởi, trước hết xuất phát từ vị trí, chức năng của báo chí. Và, điều này nữa, nghề báo trong dòng chảy nghề nghiệp thời hiện đại.

Đứng trên giảng đường, "truyền lửa" cho học trò (phần lớn là nữ sinh viên), tôi thông tin với các em rằng, nghề báo đang được coi là nghề "thời thượng". Bằng chứng, những năm gần đây, số thí sinh đăng ký thi vào khoa báo chí và trường báo chí vượt trội và, đặc biệt số thí sinh nữ chiếm tỷ lệ áp đảo. Điều này dễ hiểu bởi vai trò của báo chí trong đời sống xã hội và phụ nữ, với đặc điểm riêng của mình, có thể tác nghiệp một cách hiệu quả và chỉn chu nhất.

Bằng nhận thức và kinh nghiệm của mình, tôi cố gắng diễn đạt, "truyền lửa" cho các sinh viên về luật và đạo đức. Luật là hệ thống văn bản nhằm điều chỉnh hành vi của tổ chức và cá nhân về hoạt động báo chí. Đó là hành lang mang tính nguyên tắc. Còn đạo đức lại là hệ thống các quan niệm, có khi bất thành văn nhằm điều chỉnh lương tâm, phía thẳm sâu của người làm báo. Có trường hợp thắng kiện ở pháp đình, nhưng lương tâm người cầm viết vẫn bất an, ray rứt bởi chạm tới "miền sâu thẳm" của trái tim.

Một bài báo có thể chắp cánh cho người ta bay lên; nhưng cũng có thể dìm người ta xuống bùn đen; làm tan nát một đời người, một gia đình hay một tổ chức. Do vậy người làm báo, không những phải có trình độ, sắc sảo nghề mà phải có cái tâm trong sáng. Đúng như cố nhà báo Hữu Thọ từng nói, tiêu chí tác nghiệp của người làm báo là: mắt sáng, lòng trong, bút sắc!

Các học trò của tôi, trong đó có các nữ sinh viên, nhiều em khi ra trường về tác nghiệp ở các cơ quan báo chí đã thực hiện đúng tiêu chí ấy. Dù chỉ là chặng đầu của con đường làm báo đầy gian nan, cực nhọc nhưng rất có ý nghĩa, các em đã từng bước trưởng thành, trở thành nhà báo giỏi. Có em là biên tập viên, đạo diễn, MC nổi tiếng...

Luật và lệ là hai phạm trù có vẻ khác nhau nhưng cùng chung "mẫu số"; làm báo hay làm văn chương hoặc các loại hình nghệ thuật khác đều hướng người đọc, người hưởng thụ đến Chân, Thiện, Mỹ.

Tháng 6/2022

Trần Thế Tuyển (Giảng viên báo chí - xuất bản)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI