edf40wrjww2tblPage:Content
HỒI HỘP CHỜ LUẬT
Anh Nguyễn Văn Tri, ngụ ở P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM lo lắng kể: “Em gái út của tôi vẫn còn đang ở Thái Lan, chưa dám trở về. Hôm tháng 1/2015, em báo tin sẽ sang đó phẫu thuật bỏ ngực để thành đàn ông thì cả nhà tôi bối rối lắm. Lúc đó chúng tôi còn có chút hy vọng, rằng luật sẽ được điều chỉnh theo hướng cởi mở hơn. Giờ nghe tin ở Quốc hội, người tán thành, người phản đối, tôi lo quá. Em tôi chuyển giới xong, xã hội không thừa nhận thì nó biết phải làm sao?”.
Ông Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường lưu ý, người đồng tính khác với người chuyển giới, cũng như nhu cầu của người đồng tính cũng khác với người chuyển giới.
Trước đây trong quá trình thảo luận về Luật Hôn nhân và gia đình vào năm 2014, có đại biểu Quốc hội đã phát biểu, thay vì thừa nhận hôn nhân cùng giới thì nên thừa nhận chuyển giới, để sau khi người đồng tính thực hiện chuyển giới rồi thì sẽ kết hôn như hai người khác giới. Đây là một sự hiểu nhầm. Vì nhu cầu của người đồng tính là sống chung, gắn bó với người yêu cùng giới của mình, chứ không nhất thiết chỉ là đi phẫu thuật chuyển giới vì đa phần, họ hài lòng với giới tính bẩm sinh; còn nhu cầu của người chuyển giới là làm cho cơ thể của mình phù hợp hơn, đúng với giới tính mà mình mong muốn. |
Không chỉ riêng gia đình anh Tri, cả cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam đang từng ngày hồi hộp ngóng thông tin.
Bà Lâm Thị Th. (giáo viên ở TP.HCM) chia sẻ: “Nói thật, tới bây giờ, hơn 60 tuổi, nhưng vì con, tôi phải dò đọc, nghiền ngẫm từng điều luật, gửi ý kiến, góp ý rồi lại đợi chờ. Con tôi khao khát được thừa nhận bao nhiêu thì tôi càng đau đáu về điều đó gấp bội. Hy vọng những nhà làm luật thông qua việc thừa nhận chuyển giới để con tôi được "sống"…”.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho thấy, hơn 80% người chuyển giới không hài lòng với tên gọi khai sinh của mình; hơn 69% gặp khó khăn với việc sử dụng tên gọi đó và tới 86,3% người chuyển giới muốn được thay đổi tên họ trên giấy tờ.
Theo bà Đinh Hồng Hạnh, chuyên viên pháp lý của Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam, hiện có hơn 20 quốc gia và lãnh thổ thừa nhận chuyển đổi giới tính. Nếu Việt Nam cho phép CĐGT thì việc xây dựng quy trình chuyển giới hoàn thiện là cần thiết, đáp ứng mong muốn chính đáng của rất nhiều người.
Chính vì luật pháp chưa công nhận quyền chuyển đổi giới tính nên các cơ sở y tế không có các chuyên khoa hỗ trợ người chuyển giới, thậm chí người chuyển giới còn bị kỳ thị. Vì không được xã hội “đồng hành” nên nhiều người chuyển giới bỏ học sớm, khó tìm việc làm.
Tại tọa đàm Giúp con sống thật do báo Phụ Nữ tổ chức, nhiều người mẹ đã tha thiết đề nghị pháp luật nên cho phép việc chuyển đổi giới tính lẫn công nhận hôn nhân đồng giới - Ảnh Phùng Huy
CHUYỂN GIỚI: TẠI SAO KHÔNG?
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó trưởng khoa Tâm lý - giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Việc ủng hộ cho người xác định lại giới tính hay chuyển giới là điều cần xem xét và thực hiện. Đó là hành động mang tính nhân văn. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình và những quy chuẩn. Quan trọng nhất là cần có sự tư vấn mang tính khoa học và hiệu quả, thay vì chỉ là cấm hay để quá thoải mái. Những kinh nghiệm thông qua hội nghị khoa học về vấn đề này ở một vài quốc gia trong khu vực cho thấy, việc tư vấn cho người chuyển giới theo một quy chuẩn khoa học rất nghiêm ngặt và không phải chỉ là thực hiện theo nhu cầu.
Quy trình thực hiện chính thống không chỉ dựa trên sự lựa chọn giới tính hay nhu cầu của người trẻ mà còn cần dựa trên sự tư vấn ban đầu về sinh lý, tư vấn nhận dạng giới tính, nhu cầu tình dục, định hướng hành vi, tâm lý, nhu cầu đời sống tâm lý - xã hội... mới có thể điều trị, chuyển đổi theo quy định. Tất cả cho thấy, việc quan tâm đến nhóm đối tượng này và một số nhu cầu có liên quan cần được xem xét và thực thi”.
Tại phiên họp ngày 9/6, Quốc hội đã bàn vấn đề theo hai hướng: thứ nhất, cứ cho chuyển giới, vì nhân đạo, Bộ luật Dân sự cần có quy định về việc CĐGT để làm cơ sở cho luật khác quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục CĐGT khi cần thiết. Hướng thứ hai cho rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, để tránh những hệ lụy tiêu cực về nhiều mặt đối với chính bản thân người CĐGT và xã hội, Nhà nước không nên thừa nhận quyền CĐGT.
Nghị trường đã “nóng” lên khi tất cả đại biểu đều nhìn nhận, nhu cầu chuyển giới là có thật trong xã hội. Nhiều nhà biên soạn dự luật phân vân về việc phẫu thuật chuyển giới làm giảm tuổi thọ 20 năm, rằng có một nhóm người trục lợi chuyển giới để trốn nghĩa vụ, để hành nghề mại dâm...
Bà Đinh Hồng Hạnh nói: “Y học chưa có bằng chứng nào khẳng định điều này. Chính sự kỳ thị, kinh tế khó khăn nên mổ “chui”, không có cơ sở y tế hỗ trợ trong nước… mới khiến người chuyển giới giảm tuổi thọ”. Thạc sĩ - luật gia Hoàng Kim Chiến, Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp nêu: “Nếu luật không cho phép CĐGT, những người có ý đồ trục lợi vẫn sẽ “vượt rào”. Thiết nghĩ, không nên vì một nhóm thiểu số mà chúng ta “bỏ lơ” quyền và lợi ích của một cộng đồng hàng trăm ngàn công dân (thuộc nhóm hai) đang sống chưa đúng với giới tính thật của mình như hiện tại”.
CẦN CÓ MỘT ĐẠO LUẬT VỀ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH
Luật sư Phạm Lĩnh Sơn - Phó trưởng Văn phòng trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ số 6 và luật sư Huỳnh Minh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM cùng đề xuất, việc CĐGT phải được nhìn nhận như một quyền của con người, được pháp luật bảo hộ; cần phải ban hành một đạo luật về việc CĐGT thật chặt chẽ trên cơ sở nghiên cứu về xã hội học, về y học, luật học cũng như các ngành khoa học khác có liên quan, từ đó, ban hành các điều luật cụ thể, chi tiết.
Một là, đối tượng nào được CĐGT, độ tuổi cho phép CĐGT, căn cứ khoa học để CĐGT...
Hai là, phải quy định rõ về mục đích, căn cứ để CĐGT. Cần có biện pháp chế tài cụ thể trong việc CĐGT vì động cơ trục lợi: trốn tránh nghĩa vụ công dân, trốn truy nã...
Ba là về quản lý hành chính: quyền xác định lại giới tính cũng đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự hiện hành, tuy nhiên mới chỉ là nguyên tắc. Cụ thể, điều 36 của luật này cho phép: Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính; việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chính điều luật này cho thấy cần có một đạo luật về CĐGT.
Đồng tình với quan điểm ủng hộ việc cho phép CĐGT, nhưng nhiều luật sư, luật gia, thẩm phán cho biết, họ rất băn khoăn. Bà Hà Thị Thanh - Phó chánh án TAND H.Củ Chi, TP.HCM cho biết: “Còn rất nhiều tình huống trong thực tế mà chúng ta chưa lường hết”.
Luật sư Phạm Lĩnh Sơn khẳng định, không thừa nhận quyền CĐGT là thiếu trách nhiệm với xã hội, với người dân. Ông nói: “Trong xã hội đã có nhiều người thực hiện việc CĐGT. Đó là một thực tế không thể né tránh. Việc ban hành một đạo luật về CĐGT nhằm ổn định xã hội, giúp Nhà nước không bị động trước các vấn đề xã hội cần giải quyết.
Nếu không thừa nhận việc CĐGT, người chuyển giới vẫn đi phẫu thuật, tiền bạc của người dân chuyển ra nước ngoài để thực hiện nhu cầu chính đáng, nhưng không được pháp luật thừa nhận, trong khi đó, không có điều luật nào chế tài, cấm họ phẫu thuật chuyển giới, và sẽ phức tạp hơn khi phải giải quyết các vấn đề về dân sự, hình sự liên quan đến nhân thân người chuyển giới... Thực tế, một số người chuyển giới bị tạm giam, cán bộ trại giam đã lúng túng, chẳng biết đưa họ vào buồng nam hay nữ... Do vậy, theo tôi, các nhà làm luật hãy vì trách nhiệm xã hội, nghiên cứu ban hành một đạo luật về CĐGT càng sớm càng tốt”.
NGHI ANH - VĂN THANH