edf40wrjww2tblPage:Content
Chỉ “chỉnh” cho người có bệnh
Khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho thấy, 24% người chuyển giới (những người luôn nghĩ mình mang giới tính ngược lại) thường xuyên bị kỳ thị. Đặc biệt, có 12,4% người chuyển giới từ nữ sang nam bị cha mẹ mắng, 4,1% bị cha mẹ đánh và 4,6% ca bị gia đình từ mặt hoặc đuổi đi do “thiếu nữ tính”. Vậy mà vẫn có 78% người chuyển giới mong muốn được phẫu thuật chuyển giới, 11% đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận trên cơ thể, trong đó 100% ca phẫu thuật liên quan đến bộ phận sinh dục đều thực hiện ở Thái Lan hoặc Hàn Quốc.
Hiện, Bộ Y tế cho phép ba cơ sở được xác định lại giới tính gồm: Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP.HCM), BV Nhi Trung ương và BV Việt - Đức (Hà Nội).
Phân vân việc thừa nhận chuyển đổi giới tính Ngày 9/6, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Với vấn đề được dư luận quan tâm - chuyển đổi giới tính, Chính phủ cho biết hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng, Bộ luật Dân sự cần có quy định về việc chuyển đổi giới tính, làm cơ sở cho luật khác quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi giới tính khi cần thiết. Ý kiến thứ hai, để tránh những hệ lụy tiêu cực về nhiều mặt đối với chính bản thân người chuyển đổi giới tính và xã hội, Nhà nước không nên thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Bộ luật Dân sự cần có quy định để giải quyết những hậu quả pháp lý liên quan, nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của người đã chuyển đổi giới tính. PHƯƠNG MAI |
Tuy nhiên, PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, nguyên Trưởng khoa Tiết niệu, BV Nhi Đồng 2 cho biết: “Chỉ những trường hợp mắc bệnh lý về giới tính mới được phẫu thuật để chỉnh sửa. Với một cơ thể hoàn chỉnh là nam (hoặc nữ), bác sĩ (BS) không được “sửa” thành giới tính ngược lại. Mặt khác, việc phẫu thuật chuyển giới cho người có xu hướng tình dục đồng tính không dễ và chưa được thực hiện tại Việt Nam”.
Theo BS Sơn, kỹ thuật phẫu thuật chuyển giới áp dụng cho trẻ mắc các bệnh lý ở bộ phận sinh dục đơn giản hơn. Ví dụ, ở bé gái có âm vật phì đại, dài ra như dương vật do bị tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, BS chỉ cần phẫu thuật cho âm vật ngắn lại, tạo hình âm đạo nếu cần thiết. Vì đây là ca phẫu thuật bệnh lý, nhất là trẻ nhỏ chưa định hình được xu hướng tình dục nên việc điều chỉnh giới tính, ngoài tham khảo ý kiến của trẻ, còn phải có sự đồng tình của phụ huynh.
Ở một số trường hợp trẻ có ngoại hình là bé gái nhưng có hai tinh hoàn ẩn, BS thường chọn cách giữ giới tính nữ, cắt bỏ tinh hoàn để tránh nguy cơ ung thư. Trong khi đó, phẫu thuật chuyển giới là một ca đại phẫu, cần phải có thời gian đào tạo cho đội ngũ BS tâm lý, BS nội tiết, tiêm hormone trước và suốt đời cho người chuyển giới.
Khó nhất vẫn là khâu phẫu thuật vì BS sẽ chuyển theo giới tính được yêu cầu, nên ngoài việc chỉnh sửa bộ phận sinh dục bên ngoài, cắt bỏ các phần phụ liên quan bên trong, còn phải “đại tu” hình dáng cho phù hợp như: cắt gọt hay độn cằm, tăng cường cơ bắp hoặc chỉnh sửa đường cong cơ thể cho phù hợp với giới tính. Việc chuyển từ nam sang nữ dễ hơn chuyển từ nữ sang nam, khó nhất là tạo ra thể cương, niệu đạo... Hiện ở Việt Nam chưa có khả năng thực hiện phẫu thuật này.
Thế giới có hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thừa nhận chuyển giới; riêng khu vực châu Á có năm nước gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nepal và Thái Lan. Bà Đinh Hồng Hạnh, chuyên viên pháp lý của Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam cho biết, kết quả cuộc điều tra lớn nhất về xu hướng tính dục và giới tính tại Mỹ mới đây ghi nhận, có từ 0,2-0,5% dân số là người chuyển giới.
Tại Việt Nam, chưa có một thống kê chính thức về số lượng người chuyển giới; riêng TP.HCM, ước có khoảng 2.000-3.000 người chuyển giới nữ. Những người này đã sử dụng các loại thuốc, hormone hoặc đã phẫu thuật một bộ phận nào đó của cơ thể trong quá trình chuyển giới.
Một khảo sát mới đây trên 219 người chuyển giới cho thấy, có gần 80% người mong muốn được phẫu thuật. Vì Việt Nam chưa cho phép chuyển giới, nên hầu hết những người chuyển giới sử dụng nguồn thuốc xách tay trôi nổi, không rõ nguồn gốc, tự tiêm thuốc cho nhau, không qua hướng dẫn và tư vấn. Do đó, họ đối diện với nhiều rủi ro biến chứng.
Không sợ mổ, chỉ sợ bị kỳ thị
Khát khao, nhiều người đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới. Người được gia đình hỗ trợ, có điều kiện kinh tế, lựa chọn BV uy tín, mổ an toàn; người ít tiền thì chỉ chích hormone để cải thiện hình dáng bên ngoài.
Cái tên Nguyễn Bùi Hải Minh (25 tuổi, chuyển từ nữ sang nam, tên thật Nguyễn Bùi My My) đã trở nên quen thuộc đối với cộng đồng người chuyển giới. Ngoại hình đẹp trai, công việc ổn định, được gia đình ủng hộ nên Minh trở thành thần tượng của nhiều bạn nữ ước mong phẫu thuật thành nam.
Sau ba tháng ở Thái Lan, My My trở thành Hải Minh - một người đàn ông lực lưỡng cơ bắp, lông mày rậm cùng một chút ria mép. Chiều thứ Bảy, Minh hẹn gặp tôi. Sau năm phút chờ đợi, tôi vẫn không tin vào mắt mình về “công nghệ” chuyển giới. Hơn một lần tôi lỡ buột miệng: “Anh không nghĩ em là con gái”.
Minh từng học rất giỏi. Vốn là cô bé có ngoại hình bắt mắt, với màu tóc nâu quyến rũ được “truyền” lại từ người ông gốc Pháp, Minh lanh lợi, thành tích học tập luôn đứng đầu lớp và giành nhiều học bổng của Hội Khuyến học ở tỉnh Đồng Nai.
Chùng giọng, Minh trăn trở: “Nhờ mai mối, mấy nhỏ xóm em đi nước ngoài nhiều lắm, nên gia đình rất kỳ vọng em lên Sài Gòn sống sẽ có cơ hội lấy chồng nước ngoài. Người ta hay nói “nhất dáng, nhì da”, em có cả hai thứ đó. Em không dám nhận em đẹp, nhưng da em trắng hồng rất mịn, em cao 1m65 với ba vòng 90-60-90. Ngay cả người mẫu N.Tr. còn thua em nữa, vòng 1 N.Tr. có 86, chứ em 90 à. Nhiều bạn trai theo đuổi, người giàu có, đẹp trai có, tính tốt cũng có… nhưng em lại không khoái. Em chỉ thích một chị hơn em bốn tuổi”.
Để không hối tiếc vì ngộ nhận giới tính, cô bé My My dành hai năm tìm hiểu giới tính thật của mình. “Em tạo điều kiện cho các bạn trai “cua” và mở ra cơ hội cho chính em nhưng đều không thể thay đổi. Một “thằng đàn ông” mà có hai cục thịt dư, ngày nào về nhà thay đồ cũng thấy… buồn gì đâu, không chịu được. Nhiều lúc, em cũng đắn đo, nếu thành một đứa con trai, có lẽ điều kiện thăng tiến trong công việc sẽ không lợi thế bằng. Em quyết định tìm lại giới tính khi bắt đầu học năm hai đại học. Sau khi được gia đình chấp nhận, em bắt đầu bỏ toàn bộ đồ con gái, mua quần áo con trai về mặc. Em quyết định "thưởng" cho mình cái tên Nguyễn Bùi Hải Minh và chờ ngày luật pháp cho phép sẽ xóa cái tên My My”.
Và, Minh bắt đầu uống hormone nam cho đổi sang cái giọng “ồm ồm”, mọc râu, chân mày, rồi cắt tóc con trai, thức dậy 4g30 sáng mỗi ngày tập thể hình và mua áo ép ngực.
30 Tết năm rồi, Minh quyết định sang Thái “trừ khử” bộ ngực. "Em không sợ đối diện cái chết khi lên bàn mổ?". Minh cười: “Ngược lại, em thấy vui vì ước mơ làm con trai đã thành hiện thực, giống như được hồi sinh. Bây giờ, em là con trai rồi, về nhà hay đi bơi, em cởi trần đi nhong nhong rất thoải mái. Em không sợ mổ, chỉ sợ bị kỳ thị rồi chết mòn chết dần. Bây giờ, em chỉ bị quyến rũ bởi con gái “thực thụ”, chứ phụ nữ đồng tính cũng không phải là đối tượng thu hút em”.
Nguyễn Bùi Minh Hải chuyển giới từ nữ sang nam
Đặt cược số phận
Không phải ai cũng có đủ điều kiện để phẫu thuật chuyển giới, tìm lại hình hài của mình. Thực tế có rất nhiều người “lạc giới” do bị kỳ thị, áp lực gia đình nên thường phải nghỉ học sớm, cơ hội việc làm giảm dần. Trừ số ít có chút nhan sắc hay hoa tay có thể kiếm tiền nhờ các nghề hóa trang, làm tóc, trang điểm, đi diễn các quán bar, hội nghị, hát đám ma, đám cưới…, còn lại phải phục vụ trong các quán nước, nhà hàng, khách sạn. Cũng có người phải làm trò cho khách mua vui.
Chính vì không có việc làm ổn định, đồng lương ít ỏi nên quá trình chuyển giới của không ít người trở thành một cuộc chiến sinh tử. Nhiều người phải đánh cược mạng sống. Vì ít tiền họ phẫu thuật “chui”, tiêm silicon dỏm, bị nhiễm trùng và tử vong. Minh nói có không ít BV ở Thái Lan chấp nhận phẫu thuật với giá rất rẻ nhưng lại không kiểm tra sức khỏe, hàm lượng hormone trong cơ thể trước khi phẫu thuật.
Trần An Vi (23 tuổi, quê An Giang, chuyển giới từ nam sang nữ) cao gần 1,7m, nước da trắng, thả tóc thề, không ngần ngại chia sẻ, chính cô cũng đánh cược mạng sống khi phẫu thuật "chui" và đến nay chỉ phẫu thuật nửa phần trên vì không đủ tiền lo chi phí. Cả hai lần phẫu thuật đặt túi ngực và nâng mũi đều thực hiện tại các phòng khám tư nhân với giá chỉ hơn 20 triệu đồng.
Đến lần thứ ba, hơn 10 triệu đồng mà Vi có được vẫn chưa đủ một nửa chi phí sang Thái Lan phẫu thuật mông, thế là cô quyết định tiêm silicon tại nhà. Người tiêm cho Vi là một chị “hơn 10 năm kinh nghiệm”, do người đi trước chỉ cho người đi sau. “Lần tiêm đó, em phải chịu đau nhức cả tuần lễ bởi silicon chưa trụ được trong cơ thể. Em rất sợ vì đã nghe nhiều ca biến chứng dẫn đến nhiễm trùng và tử vong. Nhỏ bạn thân của em chết vì tiêm silicon nhưng vì muốn làm con gái quá nên điều gì em cũng chấp nhận, kể cả đánh cược mạng sống”.
Nỗi đau khác của người chuyển giới là không có cơ sở y tế nào “bảo trì” sức khỏe sau phẫu thuật. Có lần, một người bạn chuyển giới của Vi bị té cầu thang, vết thương ở âm đạo gây xuất huyết nhiều. Điều đau lòng là khi cô bạn này đến một BV lớn, chỉ được tiêm thuốc cầm máu và yêu cầu chuyển đến BV khác vì BV này “chưa có khoa điều trị cho người chuyển giới”. An Vi trải lòng: “Chúng em chịu nhiều thiệt thòi, nhưng chẳng oán trách ai. Dù biết sẽ gặp phải nhiều bất trắc, nhưng vẫn phải chọn phẫu thuật "chui" vì mong muốn được là chính mình”.
(Còn tiếp)
VĂN THANH - THU HỒNG