Người kiến giải lịch sử Việt Nam

25/06/2018 - 08:19

PNO - Ngành khoa học lịch sử đã hiểu và chọn đúng ông- người kiến giải lịch sử dân tộc, người góp phần đưa lịch sử trở lại đúng giá trị trung thực, khách quan của nó, vốn được “bảo tồn trên mặt đất và trong ký ức nhân...

Giữa tháng Năm, ông còn ra thăm đảo Trường Sa, với tâm niệm: dứt khoát mình phải ra Trường Sa, không đến tận nơi thì viết sử về Trường Sa chưa đành lòng.

Và ông thỏa lòng khi đã đặt chân lên Trường Sa Lớn, ngắm nhìn lớp lớp hàng hàng cọc nhọn Bạch Đằng nhấp nhô giữa sóng, thấy biển bờ trong gang tấc, thấy tinh thần giữ đất giữa trùng khơi. Sự thỏa lòng ấy, trong chuyến đi thực địa cuối cùng của cuộc đời một nhà sử học như ông, hẳn rồi đây sẽ được truyền tải, tiếp nối bởi các đồng môn, học trò; hoàn tất chương về lịch sử biển đảo trong bộ Quốc sử - do ông làm chủ nhiệm công trình.

Nguoi kien giai lich su Viet Nam
Giáo sư Phan Huy Lê

Tinh thần khơi thông và kiến giải lịch sử từ nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn, nhằm đạt được “tính khách quan, tính trung thực và tôn trọng sự thật lịch sử” là phẩm chất - tư cách khoa học và cũng chính là phẩm giá - nhân cách con người của giáo sư Phan Huy Lê. Mà một trong những điểm làm nên cái tư cách - phẩm giá ấy chính là việc ông luôn đòi hỏi công tác giám định và xử lý tư liệu cùng phương pháp luận nhận thức lịch sử phải được đảm bảo, tôn trọng trong mọi công trình nghiên cứu khoa học lịch sử.

Với những nhà làm sử ở các nước phát triển, các quốc gia không có chiến tranh, các dân tộc không bị chia cắt, giày xéo thì đó là điều mặc nhiên. Với một nhà nghiên cứu lịch sử mà trọn 62 năm, từ ngày bước chân vào lãnh địa sử học, đã hoàn toàn bước đi theo hành trình kháng chiến của đất nước, chứng kiến bao cuộc đổi dời và những gãy khúc của lịch sử thì đòi hỏi được đảm bảo, được tôn trọng cái nhận thức lịch sử bằng phương pháp khoa học, giám định và xử lý tư liệu lịch sử bằng các công cụ “cảm biến” khoa học; đó là một thái độ khoa học của một nhà sử học.

Nếu không thế, gần 30 năm trước, hẳn ông đã chẳng phải đặt lên bàn hội thảo khoa học về mối quan hệ, vai trò của Hồ Quý Ly trong công cuộc cải cách và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh thất bại của nhà Hồ, để từ đó có cái nhìn công bằng, khách quan và tôn trọng sự thật hơn với nhân vật lịch sử này, cũng như bi kịch lịch sử giai đoạn 1400-1407.

Nếu không thế, hơn 20 năm trước, ông đã không giải mật một số tư liệu do phía Pháp lưu trữ về con người Phan Thanh Giản, cũng như sự tìm tới cái chết của vị Kinh lược sứ Nam kỳ, từ đó dẫn dắt một cách thấu đáo bằng dữ liệu khoa học về “trách nhiệm của Phan Thanh Giản trong trách nhiệm chủ yếu thuộc về Tự Đức và triều Nguyễn”, đồng thời cũng minh định cho Phan Thanh Giản “nặng lòng yêu nước thương dân”, “không nên quy kết cho ông cái tội bán nước hay phản bội tổ quốc”.

Đó là cách đọc sử và kiến giải lịch sử của Phan Huy Lê. Ông mực thước, khiêm cung, thấu đáo, khoa học. Trong bối cảnh thực tế đầy thử thách về cơ sở dữ liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay, sự viện dẫn vai trò của nhà Nguyễn trong việc xác lập chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một căn cứ chính xác, rõ ràng. Nhưng với những nhà nghiên cứu khả kính như giáo sư Phan Huy Lê, giáo sư Trần Quốc Vượng thì tiếp cận vấn đề chủ quyền biển, kinh tế biển, văn hóa biển đã được đặt ra từ rất sớm và quan trọng là đặt dưới điểm nhìn địa - chính trị, sử - văn hóa căn bản, khoa học. Điều này sẽ dẫn dắt một thái độ tiệm cận, tôn trọng những giá trị sự thật, những thực thể lịch sử mà không đánh tráo hay xóa nhòa một vài khái niệm, tên gọi, sự thật đã từng diễn ra.

Tôi được đọc một bản ghi của giáo sư Phan Huy Lê về Hàn lâm viện biên tu Phan Huy Chú. So với người anh ruột là Phan Huy Thực, vốn rất được vua Minh Mạng ưu ái, phong tới chức Thượng thư Bộ Lễ, Phan Huy Chú học rộng tài cao, nhưng lại “không ưa xu nịnh, không màng lợi lộc”, không được vua trọng dụng. Năm 1827, sau khi đọc xong bộ Lịch triều hiến chương loại chí do Phan Huy Chú biên khảo, vua Minh Mạng đã nói với Phan Huy Thực: “Sách này soạn thuật dẫu khéo, nhưng lập ngôn thường bênh vực họ Trịnh thì kiến thức cũng quê”, dù trước đó vua đã từng ban thưởng.

Sách ấy “vừa tôn trọng vua Lê, vừa ghi nhận những hoạt động tích cực của chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn”, thể hiện “thái độ khách quan và trung thực của tác giả”. Thêm một chi tiết, khoảng năm 1830, chính ông anh Phan Huy Thực đã dâng sớ xin vua cho thôi giữ chức quản Viện Hàn lâm vì có em trai là Phan Huy Chú là Hàn lâm viện biên tu, theo đúng nguyên tắc hồi tỵ (anh em, cha con không được cùng làm quan trong một nơi).

Phẩm hạnh, khí chất của một gia tộc đã phần nào tạo dựng nên khí phách, văn hóa của một dân tộc. Hậu duệ của dòng họ Phan Huy, đến ông - giáo sư Phan Huy Lê - đã được viết tiếp bằng tư cách của một kẻ sĩ. Sau gần nửa thế kỷ đi tìm và kiến giải lịch sử Việt Nam, ông thừa nhận: “Càng đi sâu nghiên cứu tôi càng cảm thấy là người Việt Nam, nhà sử học Việt Nam, nhưng không dễ gì hiểu thấu đáo, hiểu đúng lịch sử dân tộc”.

Nhưng chắc chắn một điều, ngành khoa học lịch sử đã hiểu và chọn đúng ông - người kiến giải lịch sử dân tộc, người góp phần đưa lịch sử trở lại đúng giá trị trung thực, khách quan của nó, vốn được “bảo tồn trên mặt đất và trong ký ức nhân dân”. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI