Người khuyết tật làm “phi công” trong quán cà phê robot

21/08/2021 - 13:46

PNO - Tại quán cà phê Dawn ở Tokyo, Michio Imai chào đón một khách hàng, nhưng anh không gặp mặt trực tiếp. Anh đang ở cách xa hàng trăm kilomet, vận hành một người phục vụ robot trong một thử nghiệm về việc làm hòa nhập cho người khuyết tật.

Robot của quán cà phê Dawn không chỉ là một mánh lới quảng cáo, nó mang đến cơ hội việc làm cho những người cảm thấy khó khăn khi làm việc bên ngoài nhà mình.

Robot của quán cà phê Dawn mang lại cơ hội việc làm cho những người cảm thấy khó khăn khi làm việc bên ngoài nhà mình - Ảnh: AFP
Robot của quán cà phê Dawn mang lại cơ hội việc làm cho những người cảm thấy khó khăn khi làm việc bên ngoài nhà mình - Ảnh: AFP

"Xin chào, bạn khỏe không?" một robot màu trắng bóng bẩy có hình dáng giống một chú chim cánh cụt con nói từ quầy gần cửa ra vào, nó quay mặt về phía khách hàng và vẫy tay chào.

Imai - người đứng điều khiển con robot tại nhà riêng của anh ở Hiroshima, cách đó 800km - là một trong gần 50 nhân viên khuyết tật về thể chất và tâm thần đang làm nhân viên vận hành từ xa robot của quán Dawn.

Quán cà phê Dawn mới khai trương hồi tháng 6 tại quận Nihonbashi ở trung tâm Tokyo và tuyển dụng nhân viên trên khắp Nhật Bản và cũng như ở nước ngoài, ngoài ra còn một số người làm việc tại chỗ. Ban đầu quán dự kiến sẽ khai trương vào năm ngoái trùng với Paralympic, nhưng việc mở cửa đã bị hoãn lại do đại dịch, giống như Thế vận hội Tokyo.

Khoảng 20 robot nhỏ có đôi mắt hình hạnh nhân ngồi trên bàn và trong các khu vực khác của quán cà phê không có lầu và sàn gỗ nhẵn đủ rộng cho xe lăn. Các robot OriHime có camera, micrô và loa để cho phép người vận hành giao tiếp với khách hàng từ xa.

Robot của quán cà phê chủ yếu là phương tiện trung gian để nhân viên có thể giao tiếp với khách hàng - Ảnh: AFP
Robot của quán cà phê chủ yếu là phương tiện trung gian để nhân viên có thể giao tiếp với khách hàng - Ảnh: AFP

"Bây giờ quý khách sẽ đặt món?" robot hỏi sau khi máy tính bảng bên cạnh hiển thị thực đơn gồm bánh mì kẹp thịt, cà ri và salad.

Khi khách hàng trò chuyện với các “phi công” điều khiển robot mini, ba phiên bản robot lớn giống người sẽ di chuyển xung quanh để phục vụ đồ uống hoặc chào đón khách hàng ở lối vào. Thậm chí còn có một robot pha chế mặc tạp dề màu nâu ở quầy bar có thể pha cà phê kiểu Pháp.

“Một phần của xã hội”

Robot của quán cà phê chủ yếu là phương tiện trung gian để nhân viên có thể giao tiếp với khách hàng từ xa.

Như Imai, một người bị rối loạn triệu chứng soma khiến việc đi khỏi nhà trở nên khó khăn, cho biết: “Tôi nói chuyện với khách hàng về nhiều chủ đề, bao gồm thời tiết, quê quán và cả tình trạng sức khỏe của tôi”. Anh chia sẻ, "miễn là tôi còn sống, tôi muốn cống hiến điều gì đó cho cộng đồng thông qua làm việc. Tôi cảm thấy hạnh phúc nếu mình có thể là một phần của xã hội”.

Các “phi công” khác có một loạt các vấn đề khác nhau, bao gồm một số bệnh nhân xơ cứng teo cơ một bên (ALS), sử dụng chuyển động của mắt trên một bảng kỹ thuật số đặc biệt để gửi tín hiệu đến robot.

Dự án này là đứa con tinh thần của Kentaro Yoshifuji, một doanh nhân đồng sáng lập công ty Ory Laboratory chuyên sản xuất robot.

Khoảng 20 robot nhỏ với đôi mắt hình quả hạnh nhân được bố trí trong quán cà phê - Ảnh: AFP
Khoảng 20 robot nhỏ với đôi mắt hình quả hạnh nhân được bố trí trong quán cà phê - Ảnh: AFP

Sau khi trải qua tình trạng sức khỏe tồi tệ khi còn nhỏ khiến anh không thể đi học, nay Yoshifuji suy nghĩ về cách đưa mọi người vào lực lượng lao động ngay cả khi họ không thể rời khỏi nhà. “Tôi nghĩ về việc mọi người có thể có các lựa chọn công việc khi họ muốn làm việc”, người đàn ông 33 tuổi nói - "Đây là nơi mọi người có thể tham gia vào sinh hoạt xã hội”.

Yoshifuji đã thành lập quán cà phê với sự hỗ trợ từ các công ty lớn và tài trợ của cộng đồng, anh nói rằng thử nghiệm này không chỉ là robot.

"Khách hàng đến đây không hẳn chỉ để gặp robot OriHime", Yoshifuji nói với phóng viên AFP tại quán cà phê. "Có những người vận hành OriHime ở hậu trường, và khách hàng sẽ còn quay lại gặp họ”, anh giải thích.

Một việc làm để hòa nhập

Quán cà phê Dawn mở cửa để đón Thế vận hội Paralympic sẽ khai mạc vào ngày 24/8 và những người ủng hộ người khuyết tật đánh giá cao về sự tiến bộ của Nhật Bản trong việc hòa nhập và tiếp cận đối với người khuyết tật.

Kể từ khi Tokyo giành được quyền đăng cai Thế vận hội vào năm 2013, thành phố đã nỗ lực để làm cho các cơ sở công cộng dễ tiếp cận hơn, nhưng hỗ trợ cho việc hòa nhập vẫn còn hạn chế.

Kể từ khi Tokyo giành được quyền đăng cai Thế vận hội vào năm 2013, thành phố đã nỗ lực để làm cho các cơ sở công cộng dễ tiếp cận hơn - Ảnh: AFP
Kể từ khi Tokyo giành được quyền đăng cai Thế vận hội vào năm 2013, thành phố đã nỗ lực để làm cho các cơ sở công cộng dễ tiếp cận hơn - Ảnh: AFP

Hồi tháng 3, chính phủ đã sửa đổi các quy định để tăng tỷ lệ lao động khuyết tật tối thiểu tại một công ty từ 2,2% lên 2,3%. "Mức đó quá thấp", ông Seiji Watanabe, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Aich của Nhật Bản, nói với AFP. Theo ông, "các công ty Nhật Bản không có văn hóa tuyển dụng nguồn nhân lực đa dạng theo sáng kiến riêng của họ”.

Tại Dawn, Mamoru Fukaya cho biết anh và cậu con trai 17 tuổi đã thích thú tận hưởng quán cà phê đặc biệt này vào giờ ăn trưa. "(Phi công) rất thân thiện," người đàn ông 59 tuổi nói. "Vì anh ấy nói rằng anh ấy không thể làm việc bên ngoài nhà của mình, thật tuyệt khi có cơ hội việc làm như thế này”.

Tô Châu (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI