Người không được truy cập Internet có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao hơn

17/03/2022 - 12:33

PNO - Trong tháng 3/2022, các nhà khoa học tại Đại học Chicago đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Network Open, theo nghiên cứu này, việc thiếu điều kiện truy cập Internet là một trong những yếu tố khiến một số người có nguy cơ tử vong do COVID-19 hơn những người khác.

Điều này không phụ thuộc vào các yếu tố rủi ro về nhân khẩu học khác như tình trạng kinh tế xã hội, giáo dục, tuổi tác, khuyết tật, gánh nặng tiền thuê nhà, bảo hiểm y tế hoặc vấn đề nhập cư.

Việc thiếu điều kiện truy cập Internet là một trong những yếu tố khiến cho một số người có nguy cơ tử vong do COVID-19 hơn những người khác
Việc thiếu điều kiện truy cập Internet là một trong những yếu tố khiến cho một số người có nguy cơ tử vong do COVID-19 hơn những người khác

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, nếu tỷ lệ người dân có thể truy cập Internet tăng thêm 1%, thì có thể ngăn ngừa được từ 2,4 đến 6 trường hợp tử vong do COVID-19 trên 100.000 người, tùy theo đặc điểm của từng khu vực.

Xu hướng này không chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn, nơi có ít người dân truy cập Internet, mà còn ở các khu vực thành thị, với hầu hết các hộ gia đình đều có thể kết nối Internet băng thông rộng.

Năm 2000, khi Trung tâm Nghiên cứu Pew lần đầu tiên bắt đầu thu thập dữ liệu về việc sử dụng Internet của người Mỹ, các nhà nghiên cứu của trung tâm này đã phát hiện ra những khoảng cách lớn trong lĩnh vực này. Theo đó, người lớn tuổi, người có thu nhập thấp, dân tộc thiểu số, người có trình độ học vấn thấp, và những người sống ở nông thôn ít dùng Internet nhất.

Trong hơn 2 thập niên qua, tình trạng này vẫn chưa thay đổi nhiều. Hiện, hơn 1/4 người Mỹ vẫn chưa có Internet băng thông rộng tại nhà. Trong nhóm những người không có bằng đại học và những người có thu nhập dưới 30.000 USD, tỷ lệ này thậm chí còn tăng gấp đôi. Và hiện tại chỉ 63% các hộ gia đình ở các vùng nông thôn của Mỹ có thể truy cập Internet băng thông rộng.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nói trên, ngày càng có nhiều dịch vụ y tế trực tuyến ra đời. Điều đó khiến những người không có điều kiện truy cập Internet không thể sử dụng các dịch vụ này, và họ thậm chí cũng không dễ dàng tra cứu thông tin về tình trạng sức khỏe, các nhà nghiên cứu cho biết.

Theo xu hướng đó, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu xem việc truy cập Internet, nhất là Internet băng thông rộng với tốc độ cao, là một yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Theo đó, Internet giúp người dân không chỉ tiếp cận với các thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mà còn giúp giải quyết các vấn đề về thực phẩm, nhà ở, giáo dục và thu nhập - vốn đều là những yếu tố xã hội tác động lên sức khỏe.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, đa số các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải chuyển sang hoạt động trực tuyến, như vậy những người không có điều kiện truy cập Internet lại càng khó có thể tiếp cận các dịch vụ này hơn.

“Truy cập Internet băng thông rộng đóng vai trò như một cổng kết nối với các thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, Natalie Benda - nhà nghiên cứu tin học chăm sóc sức khỏe, đồng tác giả của một bài viết về chủ đề này trên Tạp chí Y tế công Mỹ - nhận xét.

Qinyun Lin - một thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Chicago - đưa ra giả thuyết rằng, thiếu thông tin là nguyên nhân chính khiến những người không được truy cập Internet dễ bị tử vong hơn khi nhiễm COVID-19.

“Nếu ít được truy cập Internet, người dân sẽ chủ yếu dựa vào các mối quan hệ cá nhân và từ cộng đồng địa phương để tìm hiểu các thông tin liên quan đến COVID-19. Từ đó, họ có thể gặp rủi ro khi nhận được những thông tin sai lệch, không có chất lượng, về vắc xin chẳng hạn”, cô Lin giải thích.

“Vì vậy, truy cập Internet băng thông rộng nên là một tiện ích công cộng. Đó là một nhu cầu cơ bản, chứ không phải là một đặc ân, và các chính phủ nên tạo điều kiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với Internet, tương tự như sử dụng điện hay nước sinh hoạt”, bà Benda nêu quan điểm.

Nhất Nguyên (theo Fox)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI