Người không được… bệnh

01/03/2013 - 16:26

PNO - PN - Hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Nga chăm sóc cha mẹ nằm liệt một chỗ, chị Phạm Thị Hương Lan - Chủ tịch Hội LHPN P.Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết khi đưa tôi đến nhà số 340/7, KP.5, P.Phú Hòa để tìm gặp...

Ngôi nhà khang trang, rộng rãi ấy tươm tất, sạch sẽ. Từ căn buồng nhỏ, cửa sổ mở toang, bà cụ Đặng Thị Yêm, 85 tuổi đang nằm, nói một mình. Khi con gái út khều tay bảo: “Mạ ơi có khách!”, bà giơ tay vào không trung: “Xin chào”. Ngày nào bà cũng trò chuyện, kể lể về những ngày xưa cũ ở Quảng Bình, bắt Nga phải nghe, rồi xin Nga cho về quê, thăm chị em, cha mẹ của bà. Chị Nga nói: “Mạ tôi ngày nào cũng kể chuyện ngày xưa”. Chị tiếc rẻ: “Phải chi tháng trước các chị ghé thăm, mạ tôi trông còn khỏe lắm! Bà mới bị bệnh lại ngay Tết dương lịch vừa rồi. Nay mới hốc hác, xanh xao vầy”.

Chị Nga sà vào xoa nắn tay chân cho mẹ, kể tiếp: “Mạ tôi bị mù hơn 30 năm rồi. Ngày ấy tôi còn làm công nhân ở Công ty gốm mỹ nghệ Bình Dương, các anh chị đều ở Sài Gòn. Mạ tôi bị cườm nước, mà mấy lần đi khám bệnh tại Bình Dương không phát hiện. Đến khi đau quá, bà mới chịu đi TP.HCM thì đã muộn, cườm vỡ, không cứu được cả hai mắt của mạ. Từ đó ba tôi “làm mắt” cho mạ. Nhưng năm 1999, ba tôi bị tai biến, nằm một chỗ, mạ tôi mất “con mắt còn lại”, lại lo lắng cho ba nhiều nên đâm ra lẩn thẩn. Rồi mạ té, sức khỏe suy sụp, cũng nằm một chỗ luôn…”. Sáu năm sau tai biến, cha chị Nga qua đời.

Nguoi khong duoc… benh

Chị Nguyễn Thị Nga đang chăm sóc mẹ trên giường bệnh

Thời gian chăm cha liệt, mẹ mù, mỗi người một khẩu vị: cha thích ăn mặn; mẹ thì ăn lạt, lại hay dỗi hờn, nhõng nhẽo… Vậy nhưng bao giờ chị cũng nhẹ nhàng. Quen tay, quen tiếng con gái út, nhiều lúc cuối tuần, con cháu tụ tập về thăm, muốn đút ông bà ăn, hai người cũng bảo chờ Nga. Chị Hương Lan kể: “Khi ông còn sống, tôi vào thăm, nhìn căn phòng hai bên hai giường bệnh, chị Nga như một điều dưỡng giỏi nghề. Ông nằm một chỗ, bà chỉ ngồi chứ không đi được. Vậy mà nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ”.

Nhắc về cha mẹ, chị Nga ngậm ngùi: “Ba mạ tôi một đời hy sinh cho con, đầu tư cho việc học của chúng tôi rất nhiều. Ba chị gái của tôi tốt nghiệp đại học, các anh đều tốt nghiệp trường nghề và thành đạt. Xưa, vì đàn em, 18 tuổi, chị Hai của tôi phải nghỉ học để phụ mạ buôn bán khắp xóm chợ ở Bình Dương. Giờ tôi thay mặt gia đình, chăm mẹ là chuyện thường tình”. Cũng may, anh Nguyễn Tấn Đức, chồng chị Nga là người hiểu chuyện và rất yêu thương vợ con. Ngoài giờ làm việc, anh giúp vợ chuyện nhà. Ngày con gái Thùy Ngân của anh chị còn bé, anh giành phần đưa đón con đi học. Khi con gái trưởng thành, anh tâm sự nhiều hơn với con, giúp con định hướng vào đời.

Năm nay, Ngân học năm cuối đại học. Với chị Nga, chồng con chính là chỗ dựa yên ổn nhất. Chị nói: “Tôi cảm ơn chồng và con gái đã tiếp thêm sức lực cho tôi chu toàn với cha mẹ”. Chị nói rằng chị là người… không được bệnh: “Vì tôi mà bệnh, mẹ sẽ ra sao?”.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI