Người khôn rút củi đáy nồi

26/07/2017 - 13:00

PNO - Nếu muốn nước bớt sôi, người ta dùng hai cách. Một là đổ thêm nước vào nồi, hai rút bớt củi đáy nồi. Phụ nữ thông minh, khôn khéo là biết rút củi đáy nồi, chứ không phải đổ thêm nước cho cái nồi đang sùng sục sôi.

Ba mươi tám tuổi tôi mới kết hôn. Tôi lại nhiều hơn chồng sáu tuổi. Khoảng cách đó chưa phải là nhiều nhưng là chuyện hiếm ở quê chồng. Chính vì thế, thay vì bên ngoại, thì bên nội mới tỏ ra lo lắng. Các dì các mợ bên chồng khuyên tôi: “Một sự nhịn chín sự lành…”.

Nguoi khon rut cui day noi
 

Im lặng là vàng?

“Một sự nhịn chín sự lành, im lặng là vàng, chồng giận thì vợ tránh đi, cơm có lành thì canh mới ngọt”... Đó là những lời khuyên mà các cô dâu trẻ thường nhận được khi bước chân về nhà chồng. Những lời khuyên ấy không vần vè thì cũng mộc mạc thô sơ, không do mẹ đẻ thì cũng do mẹ chồng, không mẹ đẻ hay mẹ chồng thì cô dì chú bác, anh chị em bạn bè làng xóm. Nói chung, họ đưa ra một lời khuyên không phải chỉ để cho có chuyện, mà còn bắt nguồn từ những trải nghiệm hôn nhân của họ. Theo họ, hôn nhân như viên thuốc bọc đường, khi tan mật ngọt sẽ chỉ còn vị đắng. Điều chính yếu của các viên thuốc nhanh chóng tan hết mật ngọt chính là chồng nóng mà vợ chẳng bớt lời, và ngược lại. 

Tôi cho rằng khi hai vợ chồng xảy ra tranh luận, cãi vã, nếu cứ đấu khẩu cho đến cùng sẽ khiến tình cảm hai bên tổn thương. Sự nóng giận sẽ giết chết những hình ảnh đẹp đẽ mà hai bên cảm nhận về nhau. Tốt nhất là im lặng, nhưng không phải im lặng mãi mãi, cho vụ việc “chìm xuồng”, mà đợi một lúc nào đó có dịp, sẽ giải quyết nốt vấn đề. 

Im lặng khi tranh luận gay gắt dẫn đến cãi vã dường như đã được nhiều chị em áp dụng thành công, là giải pháp hiệu quả để giữ hòa khí gia đình. Nhưng ít ai biết rằng đó là con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận sẽ làm tổn thương chính bản thân. Thông thường, nếu một nồi nước đang sôi, muốn nước bớt sôi người ta dùng hai cách. Một: đổ thêm nước vào nồi. Hai: rút bớt củi đáy nồi. Phương pháp đổ thêm nước vào nồi chính là… im lặng. 

Nguoi khon rut cui day noi
Ảnh minh họa

Để nói sau, tức là... không bao giờ

Khi tôi về làm dâu, điều tôi không ngờ chính là được mẹ chồng khuyên: "Nếu cuộc tranh luận nào mà con chắc chắn mình có lý, thì đừng có dại mà im lặng. Cứ làm cho rạch ròi các vấn đề. Có thế mới tránh được những khoảng cách về sau".

Thực tình tôi không hiểu lắm lời mẹ. Tôi đoán mẹ sinh ra chồng tôi, nên hiểu tính cách anh ấy. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra rằng đó là những lời tâm can của mẹ. Mẹ chồng tôi từng là người sắc sảo, thông minh và quyết đoán. Nhưng sau hơn ba mươi năm làm vợ, mẹ đã thay đổi chính mình. Mẹ nhu mì, ít nói, người lắm lời lại chính là bố chồng tôi. Đơn giản, mẹ từng nghĩ như tôi: khi đôi bên không đồng thuận tốt nhất là im lặng. Đợi một dịp thích hợp khác mới đưa ra những luận điểm của mình. Phương pháp ấy rất hiệu quả, nó làm giảm những cơn nóng giận, cũng làm bớt đi tính hiếu thắng của ông chồng. 

Nhưng mẹ chồng tôi đã sai lầm. Những cơ hội để “nói sau” đó ít khi, thậm chí không bao giờ đến. Nó như tin nóng trên báo, chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, để lâu sẽ nguội mất. Và đáng sợ nhất là nó sẽ khiến cho đối phương… lấn sân. Bố chồng tôi luôn tin ông đúng, và mẹ chồng tôi chẳng có cơ hội để đi đến cùng chính kiến của mình.

Nguoi khon rut cui day noi
Ảnh minh họa

Im lặng đôi khi là đồng lõa

Một lần đi chợ tôi bắt chuyện chị hàng trái cây đã lâu không gặp. Hỏi ra mới biết chị vừa hết hạn giam giữ vì tội đồng lõa trong các vụ buôn bán chất ma túy của chồng. Anh chồng vẫn đang chịu án trong tù. Cám cảnh một phụ nữ hiền lành và xởi lởi, tôi hỏi sao chị lại để mình chịu chung số phận với kẻ có tội, chị thở dài: “Ban đầu là không dám nói, rồi thì không buồn nói. Có nói cũng cãi nhau, thế là mình đành im. Ai ngờ…”

Khoảng cách giữa nhẫn nhịn và im lặng khá mong manh. Điều quan trọng là người phụ nữ phải biết chọn đúng cơ hội để im lặng. Người phụ nữ thông minh, khôn khéo là người biết cách rút củi đáy nồi, chứ không phải đổ thêm nước cho cái nồi đang sôi. Chính chồng tôi khi thấy tôi im lặng trong các cuộc tranh luận, đã nói: “Nếu vợ im lặng quá lâu, quá nhiều, thì hậu quả sẽ là khoảng cách giữa chúng ta sẽ rộng thêm ra, vì vậy, hãy cùng chồng giải quyết cho trọn vẹn vấn đề”.

Chính vì thế, chúng tôi cùng xây dựng bộ quy tắc ứng xử đơn giản trong gia đình. Chúng tôi viết ra tất cả những điều mà chúng tôi thích và không thích trong cuộc sống, để tránh dẫn đến mâu thuẫn. Ngoài ra là những việc nên hay không nên làm khi vấp phải vấn đề phát sinh. Việc công khai bộ quy tắc ứng xử không có gì đáng ngại, bởi đó là việc nên làm nếu muốn duy trì cuộc hôn nhân bền vững. Và quả thật, mỗi lần nóng giận, chúng tôi cùng xem bộ quy tắc ứng xử do chính hai người soạn, ký tên đàng hoàng, để biết mình đã vi phạm điều gì mà tự dừng lại. 

Gia Hân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI