Người khai sinh đất nước Zimbabwe qua đời

07/09/2019 - 06:43

PNO - Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa cho biết trên tài khoản Twitter chính thức của mình rằng cựu lãnh đạo người Zimbabwe - Robert Mugabe vừa qua đời ở tuổi 95, sau khoảng thời gian điều trị bệnh tại Singapore.

Theo Reuters, cựu Tổng thống Mugabe qua đời tại Singapore, nơi ông điều trị y tế trong những năm gần đây. Bài đăng trên tài khoản Twitter của tổng thống Mnangagwa viết: “Với nỗi buồn lớn nhất, tôi xin thông báo về việc cha đẻ, người sáng lập quốc gia Zimbabwe, cựu Tổng thống, Robert Mugabe vừa qua đời”.

Vào tháng 11/2018, Mnangagwa cho biết: Ông Mugabe không còn khả năng đi lại và phải nằm viện tại Singapore".

Các quan chức thường chỉ nói ông Mugabe được điều trị đục thủy tinh thể, phủ nhận các báo cáo truyền thông tư nhân cho rằng ông bị ung thư tuyến tiền liệt.

Robert Mugabe - người lãnh đạo quốc gia miền Nam châu Phi trong gần bốn thập kỷ kể từ khi giành độc lập khỏi Anh vào năm 1980, buộc phải từ chức vào tháng 11/2017 sau một cuộc đảo chính của quân đội.

Ông được tuyên dương là một anh hùng giải phóng châu Phi và là “nhà vô địch” về hòa giải chủng tộc khi lần đầu lên nắm quyền ở 1 quốc gia bị chia cắt gần một thế kỷ bởi chế độ thực dân trắng. Dù vậy, đằng sau đó là một câu chuyện đẫm máu.

Sinh ngày 21/2/1924, trong 1 cộng đồng Công giáo La Mã gần Harare, Mugabe được các linh mục dạy dỗ, ông từng làm giáo viên tiểu học trước khi đến học tại Đại học Fort Hare của Nam Phi, nơi sinh ra chủ nghĩa dân tộc châu Phi.

Quay trở lại Rhodesia (tiền thân của Zimbabwe) năm 1960, ông tham gia chính trường nhưng bị bỏ tù suốt một thập kỷ vì chống lại sự cai trị của người da trắng.

Nguoi khai sinh dat nuoc Zimbabwe qua doi
Cựu Tổng thống Zimbabwe nổi tiếng là một người tài giỏi, nhưng cũng rất độc đoán trong việc duy trì quyền lực.

Khi con trai sơ sinh của ông qua đời vì bệnh sốt rét ở Ghana vào năm 1966, Mugabe đã bị cấm tham dự đám tang, quyết định đưa ra bởi chính phủ của nhà lãnh đạo thiểu số da trắng Ian Smith mà các nhà sử học cho rằng góp phần giải thích nỗi cay đắng của ông Mugabe.

Khi được thả, ông Mugabe nhanh chóng vươn lên đứng đầu quân đội Giải phóng Quốc gia Châu Phi của Zimbabwe như một người đàn ông có tư duy và tài năng với 7 tấm bằng chuyên môn. Sau đó, khi nghiền nát kẻ thù chính trị của mình, ông thể hiện một khía cạnh khác: “bậc thầy về sử dụng binh lực”.

Chiến tranh kết thúc năm 1980, ông Mugabe được bầu làm Thủ tướng da màu đầu tiên của đất nước. Nhưng không lâu sau, Robert Mugabe bắt đầu đàn áp những kẻ thách thức, bao gồm cả đối thủ chiến tranh Joshua Nkomo.

Đối mặt với một cuộc nổi dậy vào giữa những năm 1980 ở tỉnh Matabeleland phía Tây mà ông đổ lỗi cho Nkomo, Mugabe đã gửi đến các đơn vị quân đội do Triều Tiên đào tạo, gây ra sự phản đối quốc tế về những hành động tàn bạo đối với dân thường.

Các nhóm nhân quyền nói rằng, 20.000 người đã chết, hầu hết trong số họ đến từ bộ lạc Ndebele thiểu số có liên hệ với đảng phái của Nkomo.

Sau 2 nhiệm kỳ làm thủ tướng, Mugabe thắt chặt quyền lực bằng cách thay đổi hiến pháp, ông trở thành tổng thống năm 1987. Người vợ đầu tiên của ông, Sally, vốn được xem là người duy nhất có khả năng kiềm chế ông, qua đời năm 1992.

Một bước ngoặt xảy ra khi ông Mugabe, như một nhà lãnh đạo không quen với ý chí của người dân, chịu thất bại lớn đầu tiên dưới bàn tay của cử tri, trong một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp khác.

Vài ngày sau, một cơn giận dữ với tốc độ chậm chạp của cải cách ruộng đất bắt đầu sôi sục và các băng đảng người da đen ở Zimbabwe bắt đầu tràn vào trang trại thuộc sở hữu của người da trắng. Dù vậy, ông Mugabe cho rằng đó là sự điều chỉnh tự nhiên từ những bất công thời thuộc địa.

Các vụ chiếm giữ trang trại góp phần hủy hoại 1 trong những nền kinh tế năng động nhất của châu Phi, với sự sụp đổ trong thu nhập ngoại hối nông nghiệp dẫn đến siêu lạm phát. Nền kinh tế suy giảm hơn một phần ba từ năm 2000 đến 2008, khiến tỷ lệ thất nghiệp trên 80%. Vài triệu người Zimbabwe phải chạy trốn, chủ yếu đến Nam Phi.

Nguoi khai sinh dat nuoc Zimbabwe qua doi
Những năm cuối đời, ông Mugabe chuyển đến sống và điều trị bệnh tại Singapore. Xét trên khía cạnh lịch sử, ông là một người anh hùng dân tộc, khai sinh ra quốc gia Zimbabwe.

Đất nước chạm đáy năm 2008, khi lạm phát 500 tỷ phần trăm thúc đẩy mọi người ủng hộ cựu lãnh đạo liên minh thân phương Tây - Morgan Tsvangirai.

Đối mặt với thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống, Mugabe đã dùng đến bạo lực, buộc Tsvangirai phải rút lui sau khi nhiều người ủng hộ ông bị nhóm côn đồ ZANU-PF giết hại.

Dù vậy, Nam Phi, người láng giềng của Zimbabwe ở phía Nam, ép cặp đôi thành một liên minh thống nhất rạn nứt tạm thời bởi Mugabe vẫn nắm quyền lực thông qua việc ông tiếp tục kiểm soát quân đội, cảnh sát và mật vụ.

Khi tuổi già len lỏi vào và những tin đồn về bệnh ung thư gia tăng, sự thù địch của ông đối với Tsvangirai dần giảm bớt và 2 người đàn ông thích tận hưởng những cuộc gặp gỡ hàng tuần cùng ăn bánh, uống trà.

Một bình luận viết năm 2007 của Đại sứ Mỹ ở Harare - Christopher Dell phản ánh quan điểm của nhiều người về ông Maugabe: “Dù độc đoán, nhưng ông là 1 nhà chiến thuật tài giỏi”.

Linh La (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI