Trong cái nắng hanh mùa đông của châu Âu, tôi đứng từ cầu Xích, nối hai bờ Buda và Pest mà ngắm nhìn dòng Danube xanh thẳm, cố mường tượng ra từng bước chân của ngài bá tước Széchenyi sang thăm người tình bên kia sông. Chỉ vì không muốn ướt chân, ông cho xây chiếc cầu này.
Tay kỹ sư tin vào sự hoàn hảo của bản thiết kế nên thách đố nếu ai tìm ra lỗi của công trình thì ông sẽ trầm mình xuống dòng Danube. Cuối cùng, cũng có người chỉ ra 4 tượng sư tử đặt ở hai đầu cầu không có lưỡi. Thật ra là có nhưng lưỡi ngắn. Nhưng ông ta vẫn chọn cái chết cùng dòng sông với lời than phiền: “Vợ các ngươi mà có lưỡi ngắn như con sư tử của tôi thì các ngươi đã hạnh phúc biết bao”.
|
Cầu Xích trên dòng Danube biếc xanh, phía sau là toà nhà Quốc hội Hungary |
Đó là truyền thuyết. Nhưng hầu như du khách nào đến Hungary cũng đều muốn được một lần tản bộ trên cầu Xích, nghe lại những câu chuyện tình và lòng hào hiệp bên dòng sông Danube thơ mộng.
Hoặc đến Czechia (tên mới của Cộng hòa Séc), đón tàu điện sao cho kịp tới Quảng trường Thành cổ, khi chú gà trống bằng vàng vỗ cánh, chuông đồng hồ ở tháp Thiên văn gõ từng tiếng, những bước chân Tông đồ lần lượt hiện ra. Tương truyền, sau khi hoàn thành công trình đồng hồ thiên văn này, vua Charles đã cho khoét mắt nhà kiến trúc để ông không thể làm phiên bản thứ hai.
Di sản vốn có sẵn từ cha ông, văn hóa được lưu truyền qua thế hệ, kết nối và tạo dựng hàm giá trị thưởng ngoạn, khám phá nhằm mang lại trị giá cho ngành công nghiệp không khói, đó là chức năng của ngành du lịch, là năng lực của người làm du lịch.
Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM hội đủ các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhưng những nguyên liệu vô giá, được tích tụ, giữ gìn qua bao thác ghềnh lịch sử ấy vẫn cứ mãi nằm trong vốn “tiềm năng”, cứ rụng rơi qua những “nhiệm kỳ” mà không một dòng kiểm thảo hay chút tiếc xót, ăn năn. Nhìn ngôi mộ của học giả Trương Minh Ký hoang phế, điêu tàn, đâu chỉ phải cúi đầu trước tiền nhân mà còn phải tìm cách “quanh co” với người mai hậu.
|
Ngôi mộ của học giả Trương Minh Ký đang bị xuống cấp nghiêm trọng |
Trách một mình ngành du lịch, hẳn là không công bằng. Đòi hỏi ngành văn hóa hay di sản phải phục dựng, bảo tồn, phát triển là không sai. Nhưng mang lối suy nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng”, nếu có phối hợp cũng chỉ là những phép cộng tính toán, phân chia theo kiểu việc ai nấy làm thì đừng trách vẽ nên một bản đồ du lịch Sài Gòn - TP.HCM rời rạc, thiếu điểm nhấn, nhạt bản sắc.
Hoặc nếu có, lại là cú đề xuất khá nặng ký vào năm rồi, thu phí mỗi khách qua đêm tại thành phố 23.000 đồng/đêm, nào là nhằm tạo quỹ phát triển du lịch, nào là phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến phát triển nguồn nhân lực. Trong trường hợp này, đồng tiền đi trước lại không hề… khôn, nó chỉ cho thấy phép tính bạc cắc, năng lực tận thu để tận chi trong khi đầu tư cho việc khai thông, kết nối và tạo dựng giá trị bản sắc trên từng công trình văn hóa, di sản hiện hữu thì lại chả thấy đâu.
Hay như một phiên chợ, đúng ra là một kỳ hội chợ đầy lấm lem, bát nháo, phản cảm được ngang nhiên “mở hàng” ngay trên tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ. Hôm nhìn những hình nhân mỹ nữ uốn éo trong trang phục thiếu vải ngay ở sân khấu tại đường đi bộ Nguyễn Huệ (trước đó, ban tổ chức cũng đã nhanh nhảu dọn dẹp mấy quầy bày bán nội y), tôi mới dần hiểu ra “tầm cao” của những nhà hoạch định và phát triển tương lai du lịch thành phố.
Cũng là con phố đi bộ, nhưng Arbat ở Moscow vừa trang nhã, nền nếp (trong sắp xếp bố cục), vừa tiện ích, phong phú (trong các dịch vụ và sản phẩm hàng hóa) lại vừa yên ả, lắng đọng bởi những cựu vệ binh Nga, họ ôm đàn ngồi hát bản Kachiusa, dưới chân họ, du khách trang trọng đặt những tờ bạc lẻ, có người ngồi xuống cạnh họ để hát cùng.
Có lẽ, cái khác duy nhất ở hai con phố là linh hồn chất chứa trong nó, để những người thụ hưởng, khai thác, phát triển - bằng chức trách công việc của mình, trước hết họ phải đủ yêu quý để tự hào về nơi họ đang nương nhờ, đủ hiểu biết để khao khát và hành động cho những điều tốt đẹp nhất về nơi họ mang ơn. Chứ không phải dăm ba đồng tiền lẻ qua đêm hay vài phiên hội chợ tạp kỹ.
|
Đường đi bộ Nguyễn Huệ dù mới hoạt động chưa lâu đã có dấu hiệu xuống cấp |
Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 18 vừa qua, ông Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ có nói về những con số đáng khích lệ của du lịch thành phố trong 9 tháng đầu năm 2018, ông kêu ca đôi chút về những khó khăn, bất cập khi vẫn chưa có sự chung tay của các ngành văn hóa, công thương… Ông cũng than về việc thành phố không đủ chỗ cho những đoàn du lịch MICE có số lượng khách lớn, vân vân và vân vân…
Nghĩa là, ai, ở đâu có gì thì du lịch thành phố này cũng ráng có cái nấy, có tới mức nào, chất lượng ra sao thì chưa biết. Tuyệt nhiên, trong phát biểu ấy không đả động gì về những điểm nhấn để tạo nên bản sắc du lịch Sài Gòn - TP.HCM mà người đứng đầu ngành du lịch thành phố phải xem đó là thước đo căn bản.
|
Nhiều công trình, biệt thự cổ tại TP.HCM đã không được bảo tồn và trùng tu hợp lý |
Nhà văn Sơn Nam cảnh báo: không giữ được di sản của thế hệ trước, ta sẽ mang chứng bệnh “bức xúc” mà căn do là sự hụt hẫng về lịch sử, đôi chân sẽ không đứng vững trên mặt đất vì chẳng hiểu Tổ quốc là sự gắn bó liên tục qua những ký ức tập thể, buồn vui.
Muốn trở thành một người làm du lịch, lại là đứng đầu ngành du lịch của một thành phố du lịch, hãy bước đi bằng đôi chân của lịch sử, của văn hóa thành phố này, vùng đất này, nếu không muốn làm những - người - hụt - hẫng.
Lê Huyền Ái Mỹ