Người Hong Kong hiện đại gìn giữ phong vị tết cổ truyền như thế nào?

08/02/2019 - 06:17

PNO - Người Hong Kong (Trung Quốc) dù có lối sống công nghiệp rất hiện đại, năng động, suy nghĩ cởi mở, nhưng họ vẫn giữ trong mình những giá trị Á đông cổ truyền.

Nguoi Hong Kong hien dai gin giu phong vi tet co truyen nhu the nao?
Khu chợ ở Hong Kong sầm uất với các loại hoa trái y như ở Việt Nam

Một tháng trước tết Nguyên đán, tôi nhận được thông báo của trường tiểu học nơi con gái đang theo học, về những hoạt động giới thiệu và quảng bá tết cổ truyền của người Hong Kong cho học sinh. Tờ thông báo nhấn mạnh: “Một nền tảng văn hoá cần được vun trồng từ gốc rễ. Những hiểu biết về ngày tết cổ truyền sẽ phần nào giúp các em hiểu mình từ đâu tới, những giá trị gì tạo nên bản sắc của mình ngày hôm nay, và từ đó sẽ định hình con người các em trong tương lai”. “Nơi Đông–Tây giao thoa” – đó là những mỹ từ mà báo chí quốc tế đặt tên cho bản sắc của Hong Kong, và điều này càng hiện lên rõ ràng và sinh động hơn khi những ngày tết âm lịch cận kề.

Người Hong Kong (Trung Quốc) dù có lối sống công nghiệp rất hiện đại, năng động, suy nghĩ cởi mở, nhưng họ vẫn giữ trong mình những giá trị Á đông cổ truyền. Karen, hàng xóm sống cùng toà nhà với tôi ở khu Causeway Bay, làm việc cho ngân hàng HSBC và từng đi du học nhiều năm ở Anh, nhưng khi trở về nhà trong vai một bà nội trợ, chị vẫn háo hức với việc chuẩn bị một cái tết âm lịch đủ đầy và trọn vẹn cho gia đình. Chị lên kế hoạch cụ thể cho việc mua sắm và những hoạt động sau đó một cách tỉ mỉ, chi tiết bằng phần mềm exel trên điện thoại: từ việc sẽ đi chợ hoa trong công viên Victoria để mua câu đối, tranh vẽ, dây pháo bông, hoa cắm phòng khách, hoa đặt lên bàn thờ... cho đến những nguyên liệu hàu khô, rau cải, móng heo, gà tươi, bánh trôi tàu... để bày mâm cỗ tất niên. Trước ngày giao thừa thì cả nhà cắt tóc, mua quần áo mới, chuẩn bị phong bao lì xì cho con và các cháu.

Nguoi Hong Kong hien dai gin giu phong vi tet co truyen nhu the nao?
 

Karen tâm sự với tôi, ngày tết đối với người Hong Kong không chỉ là dịp đoàn viên, tụ họp gia đình, thưởng thức các món ăn ngon, chia sẻ những niềm ước vọng cho năm mới, mà quan trọng hơn, chị muốn tạo cho các con và các cháu mình những kỷ niệm đẹp về tết cổ truyền. “Những ký ức tươi đẹp này chắc chắn sẽ chảy trong dòng máu của các con suốt đời để gợi nhắc về nguồn cội, về những gì tạo nên giá trị của chúng sau này” -  Karen chia sẻ. Không những vậy, tết còn là cơ hội để Karen dạy con gái những kỹ năng làm việc nhà như hút bụi, lau chùi đồ đạc cho căn hộ gọn gàng, sạch sẽ hay nấu ăn như làm các món bánh trôi, bánh bao, há cảo cổ truyền.

Trong khi đó, Jason, một người bạn học chung lớp tiếng Anh với tôi ở Trung tâm English for Asia (Shueng Wan) kể chuyện về thói mê tín của người Hong Kong trong dịp tết âm lịch với những chi tiết bất ngờ. Anh nói: "Vừa tuần trước, tôi đã tranh cãi kịch liệt với mẹ mình về ngày, giờ xuất phát chuyến du lịch cho gia đình vì bà nhất quyết bắt chúng tôi phải khởi hành theo lịch của thầy phong thuỷ mà bà tin tưởng”. Là một phụ nữ có nguồn gốc xuất thân từ tỉnh Quảng Đông di cư vào Hong Kong những năm 50 của thế kỷ 20, mẹ Jason giữ nguyên lối suy nghĩ truyền thống. Bà mua các câu đối, tranh vẽ, đèn lồng màu đỏ, những cây quất, đào, quả cam, bưởi trang trí cho căn nhà ngày tết. Con cháu tuyệt đối phải cắt tóc, tắm rửa sạch sẽ trước lễ giao thừa để xua bỏ năng lượng xấu và mặc quần áo mới màu đỏ để đón năng lượng mới may mắn.

Mâm cơm đêm giao thừa của gia đình bà 60 năm nay luôn có 8 món (8 là con số may mắn theo quan niệm người Trung Quốc) và phải là các món ăn mà phát âm của chúng đồng nghĩa với các từ may mắn, thịnh vượng, giàu sang, hạnh phúc, sức khoẻ, tuổi thọ. Ví dụ như các món hàu khô đồng âm với kinh doanh tốt lành, tảo đen nghe gần giống với thịnh vượng, bánh trôi tàu đồng âm với năm mới tốt lành... Hộp kẹo bày ra trong năm mới để đón tiếp họ hàng cũng là những thực phẩm chứa đựng ý nghĩa may mắn và giàu có như hạt dưa nhuộm đỏ, mứt sen, đồng tiền sô-cô-la màu vàng, quả óc chó tẩm vừng... Jason kể thêm: “Năm nào mẹ tôi cũng tốn mấy chục ngàn đô la Hong Kong để mừng tuổi và nhất định phải là tiền mới, không có số 4 in trên tờ tiền”.

Nguoi Hong Kong hien dai gin giu phong vi tet co truyen nhu the nao?
 

Khu Causeway Bay nơi tôi đang ở được ví như trái tim mua sắm của đảo Hong Kong với hàng trăm cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại sang trọng và hiện đại. Ngày giáp tết, hầu như cơ sở kinh doanh nào cũng có cây quất, cành đào, treo đèn lồng hoặc những câu nói mang ý nghĩa cầu tài, cầu lộc. Khoảng mùng 5 tết, những đoàn múa lân và sư tử sẽ đi đến từng cửa hàng trong tiếng trống, chiêng rộn ràng với ý nghĩa mang may mắn, xua đuổi tà ma. Khi những chú lân dừng lại trước từng ngôi nhà hay cửa hàng, nó sẽ “ăn” các bó rau xà lách (bên trong có phong bì đỏ) treo bên ngoài để nhấn mạnh thêm về sự may mắn (rau xà lách mang ý nghĩa tốt lành).

Đúng vào lúc giao thừa - thời khắc thiêng liêng nhất của năm mới chạm đến, hàng nghìn người dân Hong Kong lại đổ về công viên Victoria Park để chọn cho mình một bó hoa ly, một giỏ cẩm chướng, một cây quất hoặc cành đào rồi trở về “xông nhà” với ý nghĩa mang tài lộc về gia đình. Hàng nghìn người khác lặng lẽ, từ tốn đến những ngôi đền, chùa để cầu một năm mới an lành, thịnh vượng. Họ là hình ảnh của Hong Kong – một trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới với những toà nhà cao chọc trời và một lối sống hiện đại, gấp gáp nhưng vẫn giữ trong sâu thẳm dòng chảy văn hoá Á đông với những bản sắc độc đáo, thú vị. Và tết âm lịch chính là dòng hải lưu trong đại dương bản sắc giàu có đó...

 Thu Phương (từ Hong Kong)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI