Người Hồi giáo ở Myanmar chỉ được phép có hai con

27/05/2013 - 15:20

PNO - PNO – Ngày 26/5, nhà chức trách của bang Rakhine hoang tàn sau xung đột đã tái khẳng định một lệnh cấm lâu đời đối với người Hồi giáo Rohingya rằng họ không được phép sinh quá hai con. Đây là sự thừa nhận hiếm hoi về một chính...

Nguoi Hoi giao o Myanmar chi duoc phep co hai con

Nguoi Hoi giao o Myanmar chi duoc phep co hai con

Người Rohingya sống tại trại tị nạn quốc tế Bawdupha ở ngoại ô Sittwe, thủ phủ bang Rakhine
ở phía Tây Myanmar - Ảnh: AFP

Một chính sách ra đời từ thời quân đội nắm quyền, được các nhà hoạt động mô tả là “ghê tởm”, vừa được tái khẳng định tại hai thị trấn, theo ông Win Myaing, phát ngôn viên của chính quyền bang Rakhine, trong bối cảnh tình trạng bất ổn tôn giáo đã gây đổ máu năm 2012.

"Bởi vì tỷ lệ sinh quá cao trong khu vực đó, một quy định mang tính khu vực đã được ban hành trong một thời gian dài trước đây để thực thi chế độ một vợ một chồng và không có nhiều hơn hai con. Tuần trước, quy định này lại được phê duyệt một lần nữa”, ông nói với AFP.

Ông cho biết chính sách này trước đây đã bị tạm gác lại vì lo ngại gây ra "xung đột giữa các cộng đồng" trong bang, nơi có 140.000 người - chủ yếu là người Rohingya - phải rời bỏ nhà cửa của mình trong hai làn sóng bất ổn về sắc tộc hồi năm ngoái.

Tổ chức quan sát nhân quyền (HRW) đã cáo buộc chính quyền thanh lọc sắc tộc thông qua bạo lực, giết chết khoảng 200 người và làm ngơ để nguyên từng ngôi làng bị đám đông cuồng nhiệt đốt ra tro.

Báo cáo của một ủy ban chính thức điều tra những bất ổn sắc tộc hồi tháng Tư đã đề xuất việc các gia đình tự nguyện ngăn chặn tỉ lệ sinh cao ở người Rohingya. Ông Win Myaing nói chính quyền ở huyện có người Rohingya chiếm đa số nay đang "cố gắng thực thi" chính sách hai con "vì ủy ban điều tra đề nghị" kiểm soát sinh sản, nhưng không nói rõ chính sách này sẽ được đưa vào hiện thực ra sao.

Chính quyền địa phương trước đây đã bị buộc tội cố gắng hạn chế tỷ lệ sinh của người Rohingya bằng cách từ chối thừa nhận hơn hai đứa con ở mỗi cặp vợ chồng, để trên cơ sở đó từ chối các quyền hợp pháp cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục của họ. Tổ chức HRW miêu tả chính sách này là "đáng ghê tởm, vô nhân đạo" và "hoàn toàn đi ngược lại quyền cơ bản của con người ".

Myanmar coi khoảng 800.000 người Rohingya sống tập trung chủ yếu ở bang Rakhine là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh và phủ nhận quyền công dân của những người này.

Người Rohingya được Liên Hiệp Quốc coi là một trong những dân tộc thiểu số bị đàn áp tàn bạo nhất trên thế giới.

THANH HIỀN (Theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI