Nhiều ý kiến cho rằng, muốn thu được nhiều tiền từ du khách thì nên nâng chất lượng các dịch vụ thay vì bán vé; việc bán vé tham quan phố cổ chỉ khiến Hội An ế khách.
Cư dân Hội An lo mất khách
Ông Trần Kỳ Trung - cư dân TP Hội An, tỉnh Quảng Nam - bày tỏ quan điểm, thực tế, khách du lịch trong nước chỉ đến tham quan phố cổ 1 lần cho biết và lưu lại không lâu. Theo ông, muốn khách bỏ tiền ra, nên phát triển thật rộng, thật đa dạng, thật chất lượng các dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ gia đình, may mặc, du thuyền trên sông, trồng rau, ca nhạc dân tộc, thăm đảo… Đây là những thế mạnh của TP Hội An.
|
Nhiều công ty lữ hành cho rằng việc thu phí với cả khách không đi theo đoàn sẽ làm giảm cảm tình của du khách đối với Hội An |
Ông cũng cho rằng, Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam cần đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các địa phương trong tỉnh như Hội An, Đại Lộc, Tiên Phước, Duy Xuyên: Hiện nay, khâu tổ chức liên kết còn rất yếu, rời rạc. Ông nói: “Nếu làm tốt những điều trên, khách du lịch sẽ ở lại Hội An dài ngày, tiền thu về gấp nhiều lần so với thu tiền tham quan phố cổ”.
Cũng theo ông Trần Kỳ Trung, TP Hội An có lợi thế rất lớn về du lịch văn hóa, nhưng thiếu đầu tư hoặc làm nửa vời. Việc tổ chức thi áo dài, hợp xướng quốc tế, lễ hội đèn lồng đôi ba lần trong năm không níu kéo được du khách ở lại. Ông nói: “Nếu thu tiền vào phố cổ, người dân sẽ chán nản, phó mặc việc giữ phố cổ cho chính quyền, du khách sẽ ác cảm với Hội An. Đó là tổn thất lớn không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa”.
Một cư dân khác ở phố cổ Hội An so sánh, Malaysia cũng có phố cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2007 nhưng họ không thu tiền tham quan. Ở đó dịch vụ đa dạng, sinh hoạt được giữ gần giống như thế kỷ trước. Các khu di tích nổi tiếng của Campuchia, Thái Lan cũng không thu tiền tham quan mà mở nhiều dịch vụ phục vụ du khách, như thuê quần áo chụp ảnh, ăn uống, ngủ qua đêm, nguồn tiền thu vào rất lớn mà văn hóa bản địa vẫn được gìn giữ.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, việc bán vé tham quan phố cổ Hội An chẳng khác nào dựng rào chắn cản chân du khách. Thực tế, phố cổ Hội An là đô thị sống, là không gian công cộng, ai cũng có quyền đi, đến. Nó không phải là 1 công trình biệt lập, khép kín nên việc bán vé là cách làm sai. Trong khi đó, nhiều năm qua, Hội An dường như không có thêm sản phẩm du lịch nào mới, hấp dẫn ngoài cảnh quan sẵn có và lồng đèn, bài chòi, lễ hội đường phố, các món ăn truyền thống.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, chủ trương bán vé thể hiện tầm nhìn thiếu tính vĩ mô của chính quyền TP Hội An. Bán vé không phải là công cụ hữu hiệu. Thay vào đó, nên tạo ra không gian tự do, sạch sẽ, thân thiện, hình thành nhiều sản phẩm mới để hấp dẫn du khách. Tiền thu được từ thuế do các chủ dịch vụ nộp sẽ là nguồn để chi cho hoạt động quản lý, bảo tồn.
Một người viết Facebook (facebooker) nổi tiếng còn phân tích: lâu nay, Hội An tự hào là thành phố văn hóa, nhưng có một thực tế là hầu hết các nhà mặt tiền trong phố cổ đã được cho thuê, chủ nhân thật sự không ở đó mà là người từ nơi khác đến kinh doanh. Với họ, lợi nhuận là trên hết nên rất khó đòi hỏi giữ gìn nét văn hóa của người Hội An. Đây là điều đã được báo động từ lâu nhưng chính quyền khó giải quyết.
Chính quyền nói gì?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An - cho rằng, chuyện bán vé vào phố cổ Hội An đang bị hiểu lệch về bản chất: “Có 2 vấn đề cần làm rõ, đó là không phải ai vào phố cổ Hội An cũng phải mua vé và việc bán vé chỉ áp dụng vào giờ cao điểm (mùa hè từ 7g30 đến 21g30 và mùa đông từ 7g30 đến 21g); việc bán vé chỉ áp dụng với khách du lịch đi theo tour, theo đoàn. Những du khách đi lẻ, ghé vào phố uống ly cà phê hay đi ngắm cảnh thì không phải mua vé”.
|
Hội An được nhiều du khách quốc tế yêu mến nhưng chất lượng dịch vụ du lịch chưa tương xứng với mong đợi của họ |
Theo ông, việc bán vé giờ cao điểm là để giảm tải cho phố cổ Hội An. Hội An là di sản của thế giới nên nhiệm vụ đầu tiên là phải bảo tồn di sản. “Khi du khách quá tải, gây áp lực lên di sản, lên hạ tầng thì mình phải tìm cách để giảm bớt việc này. Trước mắt, chúng tôi đã thông báo với các công ty lữ hành về việc đưa khách đến phố cổ theo những khung giờ lệch nhau để tránh việc quá tải” - ông nói.
Ông dẫn chứng, hiện tại, từ 17g đến 21g là hầu như không có chỗ để chen chân. Như vậy, về lâu dài, các di sản sẽ xuống cấp, các sản phẩm du lịch cũng sẽ nhạt nhòa và du khách sẽ quay lưng. Đó là điều mà người Hội An không bao giờ muốn. Bán vé cũng chỉ là một trong những giải pháp để giảm tải cho di sản mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Sơn giải thích, vé tham quan phố cổ của du khách sẽ có giá trị trong suốt thời gian lưu lại TP Hội An. Trên vé có từng ô, tương ứng với từng di tích mà du khách muốn đến. Với mỗi điểm đến, nhân viên ở các di tích sẽ cắt đi từng ô, khách vẫn giữ phần cuống vé và có thể di chuyển trong phố cổ. Trước tình trạng quá tải, chính quyền TP Hội An hiện chưa có giải pháp nào hiệu quả hơn việc bán vé và giải pháp này vẫn đang được thảo luận, chưa lấy ý kiến của người dân, các đơn vị lữ hành.
Ông nói thêm rằng, ngoài việc bảo tồn di sản, việc bán vé còn bảo đảm sự bình đẳng giữa khách mua vé và không mua vé, giữa doanh nghiệp lữ hành làm ăn nghiêm túc với đơn vị không nghiêm túc. Tức là, việc vào phố cổ phải được kiểm soát hợp lý để tránh quá tải và kiểm soát bằng vé là giải pháp cần thiết.
Thu phí được, nếu gia tăng dịch vụ Muốn thu phí, Hội An cần nâng cấp dịch vụ, hoạt động tốt hơn. Có thể tổ chức đêm diễn định kỳ mỗi tối hoặc trang bị xe điện cho khách, trạm tiếp nước, bố trí người thuyết minh phục vụ xuyên suốt ở các điểm, sẵn sàng phục vụ cho khách mỗi khi đến và tất cả hạng mục này phải miễn phí bởi đã tính theo vé vào cổng. Đồng thời, nên thu phí đồng giá, không phân biệt khách quốc tế hay nội địa để tránh bị so sánh. Thực tế, khách nước ngoài vào Hội An cũng vui chơi, tham quan, nghe thuyết minh như người Việt. Hơn nữa, việc kiểm tra hộ chiếu của khách để xem họ là Việt kiều hay người nước ngoài vừa rắc rối, vừa phản cảm. Đồng giá thì du khách quốc tế cảm thấy mình được chào đón. Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour |
Chúng tôi sẽ xem xét lại điểm đến này Mỗi năm, công ty chúng tôi tổ chức cho khoảng 8.000-9.000 khách đến tham quan Hội An qua tour di sản, tour làng nghề văn hóa, tour kết hợp giải chạy. Gần đây, sau khi nghe thông tin Hội An thu phí với lý do có công ty, đoàn khách trốn vé, chúng tôi sẽ xem xét lại việc chọn điểm đến này. Tôi thấy lực lượng an ninh, thanh tra của ngành du lịch ở phố cổ kiểm tra chặt chẽ; khi đưa đoàn khách đến các điểm tham quan chính như hội quán, nhà cổ mà không xuất trình được vé là không được vào. Hơn nữa, khi đã bán tour thì trong tour đã bao gồm tiền vé vào phố cổ, khách cũng thường yêu cầu xuất trình hóa đơn mua vé để hoàn thành thủ tục thanh toán. Do đó, việc TP Hội An viện lý do khách đoàn trốn vé để thu thêm cả khách lẻ là không hợp lý. Ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Kiwi (Kiwi Travel) |
Nguyễn Dương