Người hát bài chòi cổ cuối cùng...

05/08/2019 - 18:21

PNO - Bài chòi dân gian một thời gian dài chìm nổi, ngỡ như biến mất. Ấy vậy mà, nó vẫn sống, âm thầm mà bền bỉ. Đó là nhờ những nghệ nhân đã gửi duyên phận với bài chòi, xem nó như máu xương, hơi thở đời mình.

Gặp nghệ nhân bài chòi xưa Lê Thị Đào, tôi thầm hiểu vì sao bài chòi dân gian có sức sống mãnh liệt như vậy.

1. Tôi trở về làng chiêng Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Dấu xưa một thuở đã tàn phai, hỏi nghệ nhân Lê Thị Đào, chỉ nhận được những cái lắc đầu. Đến khi tôi nói là người nghệ nhân già đã ngoài 90 tuổi hô hát bài chòi ấy thì người dân mới vỡ lẽ: bà Minh Trạng chứ gì. Hóa ra, không phải người ta quên người nghệ nhân đã mang những câu hô thai làm ấm lòng người dân quê rơm rạ, mà họ đã “đóng đinh” cái nghệ danh gắn liền một thuở với người nghệ nhân hô hát hay, diễn giỏi thuở nào.

Nguoi hat  bai choi co cuoi cung...
Nghệ nhân nhân dân Lê Thị Đào hô diễn trong hội bài chòi

Bà Lê Thị Đào vốn quê ở thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Chừng mươi tuổi, bà theo học hát với thầy Bảy Xiêm trong vùng. Bà không biết chữ, chỉ nghe mà học thuộc lòng. 14 tuổi, bà đã trốn nhà theo các gánh bài chòi, chuyên vai đào. Mỗi khi tiếng trống, điệu nhạc vang lên là bà tay múa song loan, miệng hô bài chòi điệu nghệ, làm nức lòng người xem. Cũng từ các gánh bài chòi, bà gặp người bạn đời của mình - ông bầu Minh Trạng. Từ đó hình thành cặp nghệ nhân bài chòi cổ nổi tiếng: Lê Thị Đào - Minh Trạng.

Chồng làm chủ gánh hát, có ý muốn bà lui về sau, lo tề gia nội trợ. Nhưng cái máu hô thai, diễn xướng tích tuồng bài chòi cổ đã ăn sâu, bà nhất quyết đi tiếp. Riết rồi, khi chồng mất, cái tên Minh Trạng mà người xưa hay gọi phụ nữ theo tên chồng trở thành nghệ danh gắn với nghiệp hô hát của nghệ nhân Lê Thị Đào. Những năm 1990, bà gia nhập câu lạc bộ bài chòi cổ dân gian Bình Định, do cố NSƯT Phan Ngạn làm chủ nhiệm và được xem như một phát hiện đặc biệt - thứ vàng ròng không phô phang của bài chòi dân gian. Cũng từ đó, bà nhiệt tình truyền dạy bài chòi cổ cho thế hệ sau.

2. Bài chòi đã là cuộc sống, là nơi neo giữ bao ngọt ngào đời bà. Người nghệ nhân ấy từng trốn gia đình ra Lý Sơn để hô diễn, phục vụ bà con nơi đảo xa. Chuyện đã tầm 20 năm trước. Gần đây, năm 2015, bà được mời biểu diễn trong hội thảo quốc tế về bài chòi dân gian Việt Nam tại Bình Định. Bà vẫn vậy, tâm huyết, nhiệt thành, luôn sẵn sàng góp sức để lưu giữ, quảng bá bài chòi dân gian. “Tôi trình diễn nhiều trích đoạn bài chòi lớp, bài chòi kể và đóng vai trò hiệu trong hội đánh bài chòi dân gian, để ghi hình làm phim cho bộ hồ sơ nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” - bà Đào bồi hồi nhớ lại.

Nguoi hat  bai choi co cuoi cung...
Nghệ nhân Lê Thị Đào đang trình diễn trong Hội đánh bài chòi dân gian phục vụ cho công tác điền dã, ghi tư liệu của Viện Âm nhạc.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, bà Đào nay đã ở tuổi 93 - cái tuổi mà con người ta nhớ nhớ, quên quên. Thế mà, khi con trai bà ôm cây đàn guitar dạo đôi khúc nhạc, ký ức về những câu thai, điệu bài chòi lại ùa về trong bà. Ông Nguyễn Văn Hòa - con trai bà Đào khẽ nói: “Bắt nhịp tiếng đàn là má nhớ lại tuồng tích cũ…”. Vừa hát, đôi tay bà múa theo điệu bộ, rồi vỗ nhịp nhịp nhàng.

Dường như, bao nhiêu vàng son tuổi trẻ, ký ức ngọt ngào cùng bài chòi dân gian đã dồn hết vào câu hô hát của lão nghệ nhân. Đôi khi biết ý bà, người con dâu hay cháu nội lại mở đĩa hình các trích đoạn mà bà và những nghệ nhân Hồ Ngọc Tùng, Nguyễn Thị Đức, Minh Liễu… hô diễn. Những khi ấy, lúc thì bà mỉm cười, khi khóe mắt chân chim lại đỏ lên rưng rức… Ừ, là cả tuổi trẻ, là bao buồn vui, tâm huyết của bà đều ở đó mà.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - một nhà nghiên cứu về bài chòi, hiện công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định - chia sẻ: “Cụ Đào là nữ nghệ nhân cao tuổi nhất, hiện đang nắm giữ rất nhiều vốn bài chòi cổ. Cách diễn và hát như cụ Đào giờ thật khó tìm. Cụ giỏi bài chòi kể, bài chòi độc diễn. Cụ còn là người nhập đào và cả kép rất thuần thục và độc đáo”. Lần tìm gặp này, tôi được mục sở thị bà hô hát. Xem chừng, cái sắc, cái thần vẫn còn chưa chịu tan loãng theo thời gian. Cứ thử một lần nghe bà hô hát, ngay cả khi đang ở tuổi 93, đủ thấy độ duyên, sắc, ngọt trong hô diễn của bà…

Nguoi hat  bai choi co cuoi cung...
Những kỷ vật của bài chòi được nghệ nhân Lê Thị Đào gìn giữ cẩn thận

Nghệ nhân Lê Thị Đào là một trong những tinh hoa bài chòi dân gian cao niên nhất còn sống hiện nay, là tấm gương nhiệt tâm, tha thiết với nghệ thuật bài chòi khi trao truyền vốn nghề cho nhiều nghệ nhân trẻ và hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định, góp phần nối dài sức sống nghệ thuật bài chòi dân gian. 

Năm 2007, nghệ nhân Lê Thị Đào được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian. Năm 2015, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và năm nay bà đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

Bảo Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI