Người Hàn Quốc với áp lực “cần được công nhận”

25/12/2024 - 20:28

PNO - Cái nhìn của người khác quan trọng nhường nào? Ở Hàn Quốc, hiện tượng “nghiện được công nhận” phản ánh sức ép đè nặng lên giới trẻ, nhất là phụ nữ.

Kim - một bác sĩ thú y 30 tuổi sống tại Seoul - thăm dò ý kiến cộng đồng trên trang Instagram cá nhân: “Các bạn nghĩ tôi có thể mặc đồ thể thao đến lái thử xe Mercedes Benz không?”.

Câu hỏi thoạt nghe kỳ lạ, lại khiến cô thở phào nhẹ nhõm khi nhận được 90% ý kiến “có thể”. Cô giải thích: “Tôi không muốn tạo ấn tượng mình ăn mặc tùy tiện. Người bán có thể cho rằng tôi không đủ tiền mua xe, và sẽ cư xử không tốt với tôi. Thế nên tôi muốn hỏi mọi người nên mặc đồ thế nào”.

Gần đây, thế giới mạng xã hội tại “xứ kim chi” không thiếu những trường hợp như Kim, số đông là nữ giới. Họ tìm sự xác nhận, góp ý từ người lạ để ứng phó đủ loại tình huống nhằm đảm bảo mọi thứ “hợp lẽ” hoặc “đúng chuẩn mực”.

Say mê cảm giác “được công nhận”

Trên Naver Cafe – trang mạng xã hội nổi tiếng tại Hàn Quốc, đã xuất hiện “những người mẹ thích hỏi đáp”.

Nhóm người dùng nữ này thường đăng câu hỏi giãi bày các vấn đề cá nhân liên quan đến tâm lý, đời sống hôn nhân gia đình và chăm sóc con cái.

Tôi có nên ly dị chồng?”, “Tôi có nên đề cập việc này cho giáo viên của con?”, hay “Tôi có nên nổi giận về chuyện này?”… Qua câu hỏi, họ mong nhận được lời khuyên từ những người dùng khác, để giải quyết khúc mắc một cách đúng mực.

Trào lưu “ăn mặc theo ý người khác” phổ biến trên mạng xã hội Instagram tại Hàn Quốc. - Ảnh: KoreaHerald
Trào lưu “ăn mặc theo ý người khác” phổ biến trên mạng xã hội Instagram tại Hàn Quốc. - Ảnh: KoreaHerald

Thế giới mạng từ Đông sang Tây không thiếu các diễn đàn hỏi đáp, giãi bày tâm sự. Chúng hấp dẫn nhiều cá nhân muốn tìm sự công nhận – chấp thuận từ cộng đồng, từ đó góp phần củng cố giá trị bản thân họ.

Thế nhưng quá đề cao, thậm chí thường xuyên hành xử dựa theo góc nhìn người ngoài cuộc, có phải một thói quen tích cực?

Ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, lối sống của nhiều người vẫn chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng lễ giáo truyền thống. Trào lưu “nghiện được công nhận” trên mạng xã hội, là ví dụ rõ nét phản ánh mong muốn được hòa mình lẫn thừa nhận bởi cộng đồng.

“Trẻ em Hàn Quốc đã được giáo dục điều này ngay từ tấm bé”, nhà nghiên cứu văn hóa Jung Ji-woo nhận xét. “Nhưng chỉ học - làm theo số đông dễ khiến chúng ta đánh mất cơ hội được phạm sai lầm, nhờ vậy hình thành bản sắc riêng và trưởng thành hơn”.

Jung - đã xuất bản vài đầu sách phân tích góc khuất trong văn hóa xứ Hàn - chia sẻ: “Những đứa trẻ được kỳ vọng phải vâng lời, nghe theo sắp đặt của cha mẹ, thầy cô. Và cha mẹ có khuynh hướng áp đặt mục tiêu, kỳ vọng tương lai lên con cái.

Sự kiểm soát có thể giúp trẻ thành công ở phương diện học tập. Nhưng đến tuổi trưởng thành, do bị kiểm soát, nhiều người trẻ lại trở nên tự ti, không tin tưởng vào chính mình”.

Học sinh Hàn Quốc trong một buổi luyện thi đại học. Giới trẻ tại đây thường đối mặt với áp lực rất lớn về định hướng học tập và sự nghiệp. - Ảnh: Getty
Học sinh Hàn Quốc trong một buổi luyện thi đại học. Giới trẻ tại đây thường đối mặt với áp lực rất lớn liên quan đến con đường học tập và sự nghiệp. - Ảnh: Getty

Kim Huyn - trợ lý giáo sư chuyên ngành tâm thần học tại Đại học Columbia (New York, Mỹ) - xem hiện trạng này là một dạng “lệ thuộc tâm lý”.

“Được giáo dục cần tuân thủ phép tắc, lễ giáo khiến nhiều đứa trẻ Hàn Quốc trưởng thành với tâm lý ‘phụ thuộc vào tiêu chuẩn đánh giá của xã hội’”, nữ chuyên gia tâm lý học nhấn mạnh. “Họ thường để tâm đến các quy tắc ngầm trong ứng xử hằng ngày, cố gắng hòa vào đám đông và được tiếp nhận”.

Sống vì mình, hay vì người khác?

Mong muốn được công nhận, trong tình huống nào đó, liệu có thể biến thành cực đoan? Một số người Hàn Quốc sẵn sàng chi tiền nhằm nâng cao hình ảnh cá nhân, để được công nhận.

Gong, 29 tuổi, vừa mua một loại nhãn dán làm giả thẻ hành lý máy bay, thứ được phát bởi hãng hàng không khi kiểm tra hành lý.

Những tấm thẻ giả được in mã vạch, cùng loạt thông tin khác hệt như thật, giúp Gong trông giống người thường xuyên đi du lịch.

“Tháng sau, tôi và chồng sẽ tới Việt Nam du lịch cùng nhóm bạn của anh ấy và những người vợ của họ. Tôi chỉ không muốn bị xem là người không hay đi đây đó… nên tôi mua thẻ hành lý giả”, cô nói.

Nhãn dán hành lý giả, được bán trên trang mua sắm trực tuyến của Naver. - Ảnh: Naver
Nhãn dán hành lý giả, được bán trên trang mua sắm trực tuyến của Naver. - Ảnh: Naver

Biểu hiện khác của nhu cầu được công nhận là “so sánh” – khi không ít người chọn cách củng cố lòng tự trọng bằng “hành động cạnh tranh về vật chất, danh tiếng trên thế giới mạng”, theo giáo sư Heo Kyung-ok, chuyên ngành kinh tế gia đình, Đại học nữ Sungshin (Seoul).

“Chạy theo số đông vì áp lực không muốn thua thiệt người khác, tạo cho bạn ảo giác rằng mình có thể trở thành người tốt hơn”.

Để tìm thấy sự tự thỏa mãn đúng nghĩa, theo các chuyên gia xã hội và tâm lý học, mỗi người cần nỗ lực thấu hiểu điểm mạnh - yếu ở bản thân. Nhà tâm lý học Kim cho biết: “Thay vì sống theo ý đám đông, chấp nhận con người thật của mình sẽ giúp bạn đương đầu với sự phán xét từ người khác”.

Như Ý (theo KoreaHerald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI