Người góp công lớn tạo 800 ngôi “chợ trong nhà”

06/01/2025 - 06:52

PNO - Khi nghĩ đến “đi chợ”, hàng vạn gia đình nghĩ ngay đến Co.opmart. Không dễ để tạo được ấn tượng với người tiêu dùng như thế.

Tôi muốn kể lại “thuở ban đầu” của chuỗi “chợ trong nhà” mang tên Co.opmart và người làm nên thương hiệu Co.opmart - bà Nguyễn Thị Nghĩa (tức Chín Ngân).

Bà Nguyễn Thị Nghĩa và chồng - ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM, người đã cùng bà vượt qua bao khó khăn, đặc biệt là việc hình thành và phát triển  chuỗi siêu thị Co.opmart - ẢNH: MAI TRANG
Bà Nguyễn Thị Nghĩa và chồng - ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM, người đã cùng bà vượt qua bao khó khăn, đặc biệt là việc hình thành và phát triển chuỗi siêu thị Co.opmart - ẢNH: MAI TRANG

Chuyện ngày xưa

Sinh ra trong gia đình có cha mẹ hoạt động cách mạng bí mật ở quận Gò Vấp, kinh tế gia đình của bà dựa vào nghề làm bánh ít, bánh tét của mẹ. Ngoài bán sỉ ở một số chợ, 2 chị em bà Nghĩa bưng phần bánh còn lại đi bán rong.

Năm 1965, khi đang học lớp Mười, Trường trung học Đạt Đức, quận Phú Nhuận, cô nữ sinh Nguyễn Thị Nghĩa thoát ly gia đình, tham gia cách mạng, 1 năm sau thì được kết nạp Đảng và được bố trí ở lại hoạt động nội đô với bí danh Chín Ngân.

19 tuổi, Chín Ngân bị bắt, bị chuyển qua nhiều nhà tù, được trao trả tù binh vào năm 1973 theo thỏa thuận của Hiệp định Paris. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chín Ngân được tổ chức giao phụ trách phát động quần chúng khởi nghĩa ở khu Cầu Kiệu, quận Phú Nhuận để hòa vào 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong ngày 30/4/1975.

Đất nước thống nhất, Chín Ngân được tổ chức điều động, bố trí hoạt động ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau, đến năm 1981 thì được điều động về làm Phó ban quản lý Hợp tác xã Mua bán TPHCM thuộc Liên hiệp Hợp tác xã mua bán TPHCM (sau này là Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM, tức Sài Gòn Co.op) và năm 1985 làm trưởng ban.

Bà kể: “Tôi vừa nhận việc ở đó thì được tham gia đoàn của TPHCM đi xúc tiến thương mại, đầu tư ở một số nước như Nga, Đông Đức, Hungary, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Singapore”.

Đi đến đâu, bà Chín Ngân cũng chú ý tìm hiểu về hoạt động của các siêu thị. Thấy siêu thị các nước rộng 5.000 - 7.000m2, bà hơi buồn khi nghĩ tìm đâu ra khu đất rộng như thế để làm siêu thị ở thành phố chật chội này. Nhưng nỗi buồn trên được giải tỏa khi bà đến Singapore.

Ở Singapore, bà tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo Liên đoàn quốc gia Các công đoàn và hiệp hội nghề nghiệp Singapore (NTUC) - chủ đầu tư chuỗi siêu thị NTUC FairPrice, được xây dựng ở tầng trệt các khu nhà xã hội dành cho công đoàn viên của NTUC. NTUC FairPrice là công cụ kinh tế đảm bảo phúc lợi cho người lao động và gia đình họ với tiêu chí cung cấp thực phẩm và sản phẩm có nguồn gốc an toàn với giá cả phải chăng.

Tham quan những mô hình siêu thị của NTUC, bà Chín Ngân chợt nhớ về những buổi chiều tan sở, chạy vội ra chợ gần nhà để mua nguyên liệu nấu bữa cơm tối nhưng các sạp hàng đã dẹp tự lúc nào. Bà thấy cần thiết phải mở chuỗi siêu thị có hình thức hoạt động và tiêu chí phục vụ kiểu như NTUC FairPrice ở TPHCM.

Điều bà lo nhất lúc ấy không phải là tìm mặt bằng lớn để làm siêu thị mà là làm sao để dự án mở siêu thị được lãnh đạo các cấp đồng thuận.

Thời cơ đến

Năm 1986, Ðại hội Ðảng lần thứ VI chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới, nhấn mạnh đẩy mạnh sản xuất, cải cách hệ thống phân phối, lưu thông hàng hóa, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đây là thời cơ để hiện thực hóa ý tưởng thành lập chuỗi siêu thị.

Năm 1989, UBND TPHCM có chủ trương chuyển đổi Ban quản lý Hợp tác xã Mua bán TPHCM thành liên hiệp hợp tác xã theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thấy thời cơ đến, bà Chín Ngân bàn với anh chị em trong Sài Gòn Co.op về kế hoạch nâng cấp các sạp chợ ở 2 chợ Tân Bình và Bà Chiểu thành các quầy hàng thực phẩm với tiêu chí hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của nông dân và đảm bảo nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Mở chuỗi siêu thị phục vụ người lao động, gia đình công nhân, viên chức là dự án được bà Chín Ngân trình bày với lãnh đạo Sài Gòn Co.op và UBND TPHCM. Ông Lưu Thanh Vân - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op - rất ủng hộ đề xuất của bà, nhưng khi ông hỏi “tiền đâu để mở chuỗi siêu thị” thì bà làm thinh.

Bà đi tìm sự ủng hộ, giúp đỡ của 2 vị Phó chủ tịch UBND TPHCM có nhiều đóng góp trong giai đoạn đầu đổi mới của TPHCM là ông Hai Bình (Nguyễn Văn Bình) và ông Năm Nhơn (Vương Hữu Nhơn).

Sau khi nghe bà trình bày dự án, ông Hai Bình nói: “Ủy ban ủng hộ việc thực hiện dự án, cho cơ chế nhưng không cấp vốn”. Bà Chín Ngân mang những khó khăn ấy về bàn bạc với anh chị em ở Sài Gòn Co.op. Sau nhiều cuộc họp bàn về mở chuỗi siêu thị, cuối cùng, mọi người đã tìm ra cách.

Đến nay, Co.opmart đã phát triển thành chuỗi siêu thị  với 800 trung tâm, điểm bán hàng trên khắp cả nước - ảnh: Phùng Huy
Đến nay, Co.opmart đã phát triển thành chuỗi siêu thị với 800 trung tâm, điểm bán hàng trên khắp cả nước - ảnh: Phùng Huy

Siêu thị từ trên giấy ra mặt đường

Công tác chuẩn bị cho việc mở siêu thị được tiến hành khẩn trương. Mọi người được phân công việc làm theo đúng sở trường của mình. Với sự giúp đỡ về phương thức vận hành của các phong trào hợp tác xã nhiều nước, cộng với sự quyết tâm của anh chị em ở Sài Gòn Co.op, bóng dáng của siêu thị mang tên Co.opmart đã hình thành.

Khó khăn về vốn được tháo gỡ. Ngoài khoản tiền vay được từ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), các xã viên đồng ý góp tiền vào quỹ vốn; tiền lãi thu được từ nhiều thương vụ mấy năm trước đó cũng được cộng vào vốn mở siêu thị, trong đó có số tiền lãi từ thương vụ xuất khẩu trực tiếp 10.000 tấn gạo qua Libya. Một thuận lợi khác là hầu hết chủ nguồn hàng lương thực, thực phẩm đều đồng ý cung ứng hàng hóa cho Co.opmart theo phương thức “gối đầu”.

Bà Vũ Kim Hạnh - khi đó là Tổng biên tập Báo Sài Gòn Tiếp Thị - vận động các chủ thương hiệu của chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cung ứng hàng may mặc, lương thực cho siêu thị cũng theo phương thức bán “gối đầu”.

Bà Chín Ngân nhận trách nhiệm thực hiện hạng mục khó khăn cuối cùng trong dự án mở siêu thị là tìm mặt bằng. Qua nhiều mối quen giới thiệu, bà đã đàm phán thuê được khu đất rộng khoảng 1.000m2 dài hạn ở số 198 Cống Quỳnh, quận 1.

Ngày 9/2/1996, siêu thị đầu tiên của hệ thống Co.opmart được khai trương ở địa chỉ trên, đánh dấu sự ra đời của hệ thống siêu thị thuần Việt với khẩu hiệu “Hàng Việt Nam - Dịch vụ Việt Nam”. Khẩu hiệu này không chỉ thể hiện sứ mệnh của Co.opmart trong việc hỗ trợ hàng hóa được sản xuất trong nước mà còn phản ánh triết lý kinh doanh dựa trên niềm tin và dịch vụ phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Từ một siêu thị mang tên Co.opmart Cống Quỳnh, đến nay, Co.opmart đã phát triển thành chuỗi siêu thị với 800 trung tâm, điểm bán hàng trên khắp cả nước, trở thành thương hiệu bán lẻ uy tín và quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh việc chăm chút cho hệ thống Co.opmart ngày càng lớn mạnh, năm 2008, Sài Gòn Co.op mở mô hình Co.opFood để phục vụ nhanh những khu dân cư nhỏ. Không lâu sau đó, hàng loạt mô hình mới của Co.opmart ra đời để phục vụ nhiều đối tượng khác nhau, như Co.opXtra, Finelife, Co.op Smile, Cheers, Co.oponline…

Với tầm nhìn chiến lược và nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, bà Nguyễn Thị Nghĩa đã góp phần xây dựng và mở rộng chuỗi siêu thị Co.opmart, đưa nó trở thành một trong những hệ thống siêu thị thuần Việt lớn mạnh tại Việt Nam.

Bà và đội ngũ Sài Gòn Co.op đã đưa ra những quyết định chiến lược để Co.opmart không chỉ giữ được vị trí thương hiệu mạnh của ngành bán lẻ mà còn góp phần vào việc nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường nội địa.

Phạm Thục

Theo thể lệ, từ ngày 1/1/2025, cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” đã dừng tiếp nhận bài dự thi. Tuy nhiên, Báo Phụ nữ TPHCM vẫn tiếp tục đăng tải những bài dự thi có chất lượng tốt. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trên báo điện tử Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn).

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI