Người gọi tên Việt Nam từ miền đất lau sậy

24/09/2018 - 06:23

PNO - Nơi vùng đất Hoa Lư, lau sậy hẳn sẽ nghiêng mình đưa tiễn một người con, rồi lại đón nhận cuộc - trở - về - vĩnh - cửu của một con người…

* Ngày 30/4/2018, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết Phát huy sức mạnh của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần nửa thế kỷ đất nước được sống trong hòa bình, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam khẳng định: “kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”, và đặt ra trách nhiệm song hành, “phải giữ vững môi trường hòa bình” bằng chính sức mạnh của những con người Việt Nam “yêu nước, đoàn kết, có năng lực sáng tạo, trung thực, trách nhiệm và nhân ái”. 

Nhận thức này, ý chí này được ông thể hiện trong nhiều bài viết, diễn văn quan trọng trên các diễn đàn chính trị trong nước và thế giới. 

Nguoi goi ten Viet Nam tu mien dat lau say
 

Ngày 4/3/2018, trước đông đảo học giả và sinh viên Ấn Độ, chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã mạnh mẽ nêu lên những lập luận có tính nền tảng, thiết yếu về khát vọng thế kỷ của Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương, trong đó xuất phát từ hiện thực các quốc gia phải “cùng chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên pháp luật quốc tế”, “cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại… mà không bị thao túng bởi chính trị cường quyền, bị chia rẽ bởi chủ nghĩa dân tộc vị kỷ hẹp hòi”…

Có lẽ, là công dân của một nước đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc trường kỳ, ông thấu hiểu sự mất mát, hoang tàn của mọi cuộc chiến, để lời cảnh báo cho những tham vọng hiếu chiến hay khiêu khích xung đột luôn là cần thiết: “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua” - trích phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Đối thoại Singapore lần thứ 38 do Viện nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức vào ngày 30/8/2016. 

Và 10g5, ngày 21/9/2018, ông vĩnh viễn ra đi, đó cũng là ngày Quốc tế hòa bình. Tiếng chuông hòa bình từ tòa nhà Liên Hiệp Quốc tại New York ngân vang để tiếng súng ở các vùng chiến sự khắp toàn cầu sẽ tạm dừng, những đoàn cứu trợ nhân đạo được tiếp ứng, và hẳn, cũng là tiễn đưa một Con Người Việt Nam luôn mang theo ước vọng hòa bình cho đất nước mình, cho ngôi nhà chung của nhân loại. 

* Một ngày sau khi tuyên thệ trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã về thăm quê, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Việc đầu tiên ông làm là dâng hương tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành ở cố đô Hoa Lư. Có gì đó như một sự tiếp nối xưa và nay, tiền nhân và hậu thế. Ấy cũng là khởi từ vùng hang động xưa, cũng là đất đầm lầy san sát lau sậy, cũng là người mẹ góa tảo tần nuôi con khôn lớn.

Ngày nhỏ, ông buổi đi học, buổi ra đồng chăn trâu cùng bạn bè. Sáng dạ, hiền lành, chăm chỉ. Nỗi cơ cực không làm mòn chí hiếu học để sau này, việc ông tâm nguyện và miệt mài làm là xây tặng điểm đọc sách, thư viện trường học, hỗ trợ 1.000 đầu sách cho trường Kim Sơn B, nơi ông theo học thời thơ ấu hay trường tiểu học Phan Văn Trị, Q.1, TP.HCM, nơi ông ứng cử đại biểu Quốc hội và nhiều điểm trường khác trên mọi miền đất nước.

Một người ham đọc, ham hiểu biết như ông, có lẽ cũng chỉ mong muốn truyền đi cái sở thích, thói quen đọc sách, tìm tòi, tích lũy kiến thức trong các thế hệ học trò. Bởi, một khi mỗi công dân tìm thấy niềm vui, sự hữu ích trong đọc sách, hạnh phúc trong khai phóng tri thức thì sẽ dần thiết lập một cộng đồng, một môi trường biết trân trọng, giữ gìn và bảo vệ những giá trị đích thực vốn không chỉ có được từ lợi ích vật chất đơn thuần mang lại. 

Trong bức thư cuối cùng gửi đến thế hệ mầm non của đất nước, mừng đón tết Trung thu, chỉ một ngày trước khi đi xa, vị Chủ tịch nước dung dị, sâu sắc gửi gắm: “Mỗi việc làm tốt của các cháu là niềm vui của nhà trường, gia đình và xã hội”, ông ưu tư, trăn trở căn dặn: “Chăm lo để các cháu được sống, học tập, rèn luyện trong môi trường an toàn, lành mạnh”. Còn nhớ, trước những vụ bạo hành trẻ liên tục xảy ra, ông lập tức chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn triệt để, rồi thốt lên, sao mà người ta có thể đối xử nhẫn tâm với trẻ con như thế! Hay trong một hội nghị, khi báo cáo viên... lạc đề, nhiều cử tọa xôn xao, ngay sau khi kết thúc, ông bước lại nhẹ nhàng góp ý, góp trong tâm thế không muốn người trong cuộc khổ sở thêm hơn nữa. 

Đó là ông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang.  

Trong hai ngày 26 - 27/9, sẽ là nghi lễ Quốc tang trang trọng dành cho một Chủ tịch nước, cũng là phút mặc niệm thiêng liêng của toàn dân trước anh linh một Con Người đã một đời làm công bộc trung thành, tận tụy của nhân dân. Nơi vùng đất Hoa Lư, lau sậy hẳn sẽ nghiêng mình đưa tiễn một người con, rồi lại đón nhận cuộc - trở - về - vĩnh - cửu của một con người… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI