Người Gò Vấp những ngày giãn cách

10/06/2021 - 16:27

PNO - Cuộc sống vẫn tiếp diễn, dẫu có khó khăn đến thế nào thì người dân Gò Vấp vẫn thích ứng để cùng thành phố vượt qua.

Niềm vui mỗi ngày của cô Bình bây giờ là tập thể dục buổi sáng, lau nhà, nấu cơm và gọi video cho bạn bè - Ảnh: PTN
Niềm vui mỗi ngày của cô Bình bây giờ là tập thể dục buổi sáng, lau nhà, nấu cơm và gọi video cho bạn bè - Ảnh: PTN

6 giờ sáng, giọng nữ huấn luyện viên thể dục phát ra từ chiếc điện thoại đặt trong chậu cây nơi góc ban công: “Nâng cao chân, một tà hai tà ba tà bốn, đổi bên, hai tà…”. Cạnh đó, cô Ngọc Bình 2 tay chống hông, mắt nhìn màn hình và nhảy cao chân theo những động tác trên YouTube.

Cô Bình đã 56 tuổi. Thường ngày, vào giờ này, cô đang tất bật với xe hủ tiếu nơi đầu con ngõ nhỏ đường Nguyễn Văn Khối để kịp phục vụ các công nhân ở một doanh nghiệp gần đó. Nhưng, giờ cô đang tập thể dục để đỡ buồn chán khi phải ở nhà quá lâu.

Những con phố vắng lặng. Người Gò Vấp chỉ ra khỏi nhà cho những việc thiết yếu rồi nhanh chóng trở về - Ảnh: PTN
Những con phố vắng lặng. Người Gò Vấp chỉ ra khỏi nhà cho những việc thiết yếu rồi nhanh chóng trở về - Ảnh: PTN

Gò Vấp mùa giãn cách theo Chỉ thị 16, xe hủ tiếu được tính là dịch vụ thiết yếu, nhưng vì ngại nguy cơ lây nhiễm, cô Bình cũng như nhiều người bán hàng ăn khác quyết định nghỉ bán để cùng Thành phố chặn các chuỗi lây nhiễm. Vốn quen lao động, cô lấy việc quét nhà, nấu cơm cho con cháu làm vui, rồi gọi video cho bà sui, cách nhà cô chỉ hơn 300m nhưng không thể gặp được.

Cô Tố Nga nhận lương thực “tiếp tế” của con dâu. Để tuân thủ giãn cách, túi thức ăn được treo trước cửa - Ảnh: PTN
Cô Tố Nga nhận lương thực “tiếp tế” của con dâu. Để tuân thủ giãn cách, túi thức ăn được treo trước cửa - Ảnh: PTN

Cô Tố Nga, bà sui của cô Bình đã hơn 60 tuổi, được khuyến cáo ở nhà toàn thời gian, giải khuây nhờ những cuộc gọi video cho con cháu. Hôm nay cô nấu món canh rau củ (rau do con dâu mua về treo trước cửa, gọi cho mẹ chồng ra lấy), dí điện thoại vào nồi nước đang sôi để khoe canh nấu sắp xong. Từ Đồng Nai, con trai cô khen “nhìn ngon quá, nhớ để dành cho con một chén nghen má”. Mẹ con cô cùng cười.

Hôm nay đã là ngày thứ 11 người dân Gò Vấp (và phường Thạnh Lộc, quận 12) sống trong giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng, chống COVID-19. Một không khí ngột ngạt, âu lo bao trùm theo báo cáo số ca nhiễm mỗi ngày, nhất là khi ở phường 15 có ca tử vong trên đường chuyển viện và Thành phố đã có F5 chuyển thành F0. Mỗi sáng, trưa, chiều tối người Gò Vấp chờ xem bản tin về các ca nhiễm mới, thầm mong quận mình không bị gọi tên.

Các chốt kiểm soát dịch vẫn kiên trì phòng ngự, ngăn nguy cơ dịch bệnh làn ra ngoài hoặc xâm nhập khu vực giãn cách - Ảnh: PTN
Các chốt kiểm soát dịch vẫn kiên trì phòng ngự, ngăn nguy cơ dịch bệnh lan ra ngoài hoặc xâm nhập khu vực giãn cách - Ảnh: PTN

Lo lắng, bởi chưa bao giờ người dân Gò Vấp cảm giác thấy dịch bệnh hiển hiện rõ như lúc này. Khi Thành phố triển khai xét nghiệm hàng loạt ở các phường, người Gò Vấp hiểu rằng dịch bệnh đang lây lan và bất cứ ai, kể cả bản thân mình, cũng có thể đang mang virus. Hiểu như vậy, người dân Gò Vấp chấp nhận tình trạng giãn cách mức độ cao, tự dặn mình phải chấp hành thật tốt yêu cầu của cơ quan chức năng, bởi hơn ai hết, người Gò Vấp hiểu rõ rằng nếu không kiểm soát, khống chế được chuỗi lây nhiễm, lệnh giãn cách có thể sẽ nới rộng và những thiệt hại sẽ càng khủng khiếp.

Hội viện Hội phụ nữ phường 11 trên đường đi tiếp tế thực phẩm cho các khu vực phong tỏa - Ảnh: Hội Phụ nữ phương 11
Hội viên Hội phụ nữ phường 11 trên đường đi tiếp tế thực phẩm cho các khu vực phong tỏa - Ảnh: Hội Phụ nữ phường 11

Cuộc sống vẫn tiếp diễn, dẫu có khó khăn đến thế nào thì người Gò Vấp vẫn thích ứng để cùng Thành phố vượt qua. Đến hôm nay, người Gò Vấp đã hình thành thói quen mở điện thoại, khai báo y tế mỗi ngày trước khi phải ra đường và nhờ đó giúp ngành y tế quận sàng lọc được hơn 3.000 trường hợp có yếu tố dịch tễ. Nhiều người Gò Vấp bỏ túi sẵn 2 chiếc khẩu trang, phòng khi cần thay. Trên phố, đội ngũ shipper công nghệ vẫn ngược xuôi giao hàng dù số đơn hàng nay đã giảm đi đáng kể. Giữa mùa giãn cách, nhiều người nhanh trí bày mặt nạ chống giọt bắn ra bán.

Ngoài việc tiếp tế cho các khu vực phong tỏa, các suất ăn cũng được trao đến cho những gia đình khó khăn - Ảnh: Hội Phụ nữ phường 11
Ngoài việc tiếp tế cho các khu vực phong tỏa, các suất ăn cũng được trao đến cho những gia đình khó khăn - Ảnh: Hội Phụ nữ phường 11

Ở các khu chợ, người Gò Vấp chọn ghé sạp vắng hoặc tự giãn cách, chờ người khác mua xong mới vào mua rồi nhanh chóng trở về nhà. Phố xá vẫn vắng im. Nếu không kể lực lượng y tế nơi tuyến đầu, các chiến sĩ công an, dân quân đang làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm dịch hay ở khu phong tỏa thì những ngày này, bận rộn nhất chính là những hội viên hội phụ nữ, chữ thập đỏ các phường. Mỗi ngày, các chị lại í ới gọi nhau chuẩn bị thức ăn, vật dụng mang đến những địa điểm phong tỏa - những suất ăn từ các Mạnh Thường Quân và từ chính các chị gom góp. Để phòng dịch, các chị tự trang bị áo mưa tiện lợi làm đồ bảo hộ, động viên nhau “Rồi sẽ ổn thôi”.

Thành phố đang trong những ngày “tự điều trị”, ráo riết truy lùng những ca “F0 lang thang”. Người Gò Vấp, trong những cuộc điện thoại hỏi thăm nhau luôn kèm lời dặn nhau ở yên trong nhà, “chịu khó” tự cách ly và gởi niềm tin vào sự quyết liệt, hiệu quả của Thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

Sáng 10/6, hẻm 415 Nguyễn Văn Công, phường 3 - nơi sinh hoạt của điểm nhóm truyền giáo Phục hưng được gỡ phong tỏa, nhưng trong lúc dịch bệnh vẫn đang diễn biến đầy phức tạp, người dân ở đây vẫn bảo nhau nên ở nhà. Họ tin, rồi mọi thứ sẽ qua, cuộc sống sẽ trở lại bình thường, họ sẽ gặp lại nhau khi hết dịch.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI