Nếu không có khả năng chăm sóc con, không sắp xếp được cuộc sống khoa học, thì đừng sinh nở. Đấy là lời khuyên của chị tôi. Nghe có vẻ... ác ác, vì con cái với phụ nữ chẳng phải là thứ quan trọng nhất trên đời này hay sao?
Chị tôi lý lẽ: “Liệu mình tạo hình ra một đứa trẻ, có nuôi dạy nó đàng hoàng được không? Hay cứ vứt lăn lóc ra đó?”. Chị nói là móc máy chuyện mấy người giúp việc hồi tôi sinh bé Bon.
|
Ai có thể thay mẹ chăm sóc bé? Ảnh minh họa |
Người đầu tiên tới nhà tôi là cô giúp việc 20 tuổi, xinh xắn, sạch sẽ và khỏe mạnh. Ngày con trong tháng, tôi chỉ nhờ cô giúp việc trông con những lúc tôi tắm hay ăn uống hoặc ngủ thiếp đi vì mệt. Nhưng ra tháng, áp lực phải làm việc để có thu nhập trang trải, tôi buộc phải nhận vài đầu việc làm thêm nên thường xuyên điện thoại, online trên mạng. Cô giúp việc trở thành người nuôi bé chính.
Con tôi hay khóc và khóc dai, nhưng lạ thay, cứ cô giúp việc bế đi ra phòng khách thì bé nín và chẳng lâu sau sẽ ngủ. Tôi ngồi lại bên làm việc, mừng thầm là tìm được người "bắt vía" bé.
Một hôm, chồng tôi nói, anh thấy cô giúp việc suốt ngày cầm điện thoại lên zalo và facebook nhắn tin, để con tôi nằm trên hai đùi, đầu nghẹo xuống ghế sofa. Anh có nhắc vài lần, thì cô ta chuyển sang xem ti vi, khi mải xem mà quên mất, em bé vẫn bị rớt đầu xuống ghế.
Tôi nghe vậy bực lắm, nén lời nhẹ nhàng mà nhắc nhở. Cô giúp việc dạ dạ, vâng vâng, nhưng vì không yên tâm, nên tôi bắt đầu để ý và thấy cảnh con mình có khi nằm kẹp giữa hai háng của cô giúp việc trên ghế sofa, chân thõng xuống như muốn rớt.
Thấy con thường xuyên ngủ trong tư thế nguy hiểm, tôi bực lắm, muốn cho cô giúp việc nghỉ rồi, nhưng suy đi tính lại thì chỉ cô ta mới dỗ con tôi nín khóc. Chính tôi là mẹ mà ru con ngủ đến khản cả giọng, bé vẫn mở mắt thao láo, khóc khóc, mếu mếu inh tai cơ mà.
Cho tới một hôm, tôi mới khám phá được bí quyết ru bé ngủ của cô giúp việc. Hóa ra, cô thường đem bé đi khuất tầm mắt chúng tôi, rồi ra sức lắc mạnh với biên độ lớn. Con tôi dù đang khóc to tới mấy, khi bị lắc cũng sẽ im dần, sau đó lịm vào giấc ngủ.
Việc lắc rung, tung hứng trẻ tôi từng đọc tài liệu nên biết rất hại cho não bé. Đấy cũng là lý do tôi đã nói ngay từ đầu với người giúp việc: "Không được cho bé nằm võng vì không tốt cho não trẻ" vì nhà tôi có cái võng, chồng tôi hay nằm. Thế nhưng, võng hay nôi rung thì nhè nhẹ, chứ cô giúp việc thiếu kiên nhẫn kia thì như dùng hết sức lực lắc cốt để cho bé im đi, trông không khác gì đang tra tấn con tôi.
Hôm ấy, tôi lao lên giật con:"Em lắc thế này mà tuột tay một cái thì bé Bon bay ra tới đường mất". Con tôi đang lịm đi bị lắc, lúc vào tay mẹ lập tức khóc ré lên. Được thể, cô gái cãi: "Ru thế em Bon mới ngủ, quê con người ta toàn vậy, có ai sao đâu!".
Tôi hoảng sợ nhìn con, tự nhiên có cảm giác mặt mũi bé tím tái nên hôm sau đưa vào bệnh viện khám. May mà bác sĩ nói bé chưa có biểu hiện gì bất thường...
Cho cô giúp việc trẻ trung xinh đẹp nghỉ việc, tôi ngán chuyện giao con cho người lạ nên bỏ hết công việc làm thêm, sống tằn tiện bằng đồng lương bảo hiểm trả chưa tới 2 triệu/ tháng. Nhưng rồi 6 tháng nghĩ hộ sản cũng qua. Tôi phải đi làm và đành nhờ mẹ ở quê tìm cho một người giúp việc thân tín. Người này là dì Sáu, bà con xa của tôi, nên tôi tin tưởng lắm.
Tiếc rằng, chẳng bao lâu tôi lại phát hiện ra một chuyện động trời của con người bề ngoài hiền lành ấy. Lần này, cũng nhờ công chồng tôi nghi kỵ mà theo dõi.
Em bé 6-7 tháng tuổi của tôi mỗi ngày phải uống từ 800 - 1.000ml sữa, ngoài một bữa ăn bột ngột. Con tôi khi sinh thì tới gần 4kg, nhưng càng lúc càng gầy còm, biếng ăn, lên cân không đủ chuẩn.
Tôi cho con con bú sữa bình cũng rất lâu, từ 30 phút trở lên, thế nhưng vào tay dì Sáu thì mọi thứ nhanh gọn vô cùng, chỉ chừng 5-10 phút là xong. Chúng tôi khâm phục kinh nghiệm giỏi giang của dì, mừng và hi vọng con sẽ mập mạp hơn.
Vậy mà rồi chồng tôi phát hiện, cứ cho bé bú được một lúc, dì mất kiên nhẫn, đem đổ đi cả nửa bình sữa. Thường dì đổ trong bồn rửa chén, rồi súc bình luôn. Nhưng có khi dì ngồi trong phòng ngủ nên đổ đại vào lababo trong phòng tắm rồi xối nước, thường xuyên thấy mùi sữa nên chồng tôi mới chú tâm để ý.
Ngay cả bột ăn dặm của con, dì cũng đút qua loa rồi đổ hết vào bồn cầu, có hôm đi làm về tôi phát hiện dì quên xối nước "phi tang". Con tôi ăn khộng đủ bữa nên càng lúc càng gầy còm, sức khỏe từ từ kênh A chuyển sang kênh B mà các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân gì.
Tôi đối thoại với dì Sáu, dì không chối, chỉ nói "cần gì phải ăn cho lắm", nó vẫn khỏe, vẫn chơi đấy thôi, rồi giận dỗi xếp quần áo. Chia tay con người gian dối và ác độc này, tôi đứt ruột địu con tới gửi một nhà trẻ lúc bé mới 8 tháng, gầy nhom như con mèo hen.
Ở nhà trẻ, con tôi có yên lành, an toàn không, dù cũng có một cái camera mờ tịt luôn chĩa vào cái góc ít thấy các cháu đi qua đi lại? Tôi cũng đau đớn lắm, phân vân lắm, nhưng cuối cùng đành chấp nhận rủi ro. Dù sao, nhà trẻ còn có người này người kia, ít nhất cũng 2-3 cô một lớp và các cô có kiến thức nuôi trẻ cơ bản. Tôi không còn dám giao con cho một người giúp việc quê nào nữa. Quá ngán, quá sợ rồi.
Minh Lê