Người giúp việc nhà tại Ả rập Xê út liên tục kêu cứu

15/05/2017 - 09:25

PNO - Mới đây, một gia đình tại TP.HCM đến báo Phụ Nữ cung cấp thông tin và nhờ hỗ trợ người thân đang bị o ép ở Ả Rập Xê Út. Vì sao nhiều lao động (LĐ) sang thị trường này lại liên tục kêu cứu?

Báo Phụ Nữ ngày 22/4 có bài “Một phụ nữ giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út  kêu cứu vì bị bỏ đói, vắt kiệt sức”phản ánh trường hợp chị Nguyễn Kim Ngưng (tên khác là Ngân, SN 1981, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, tổ 5, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM).

Sau đó, Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt (CT Nam Việt - P.Văn Quán, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) - đơn vị ký hợp đồng đưa chị Ngưng đi giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út đã đưa chị về nước. Mới đây, một gia đình tại TP.HCM đã đến báo Phụ Nữ cung cấp thông tin và nhờ hỗ trợ người thân đang bị o ép ở Ả Rập Xê Út. Vì sao nhiều lao động (LĐ) sang thị trường này lại liên tục kêu cứu?

Nguoi giup viec nha tai A rap Xe ut lien tuc keu cuu
Ông Việt Anh trình bày với phóng viên báo Phụ Nữ.

Không được trả lương? 

Ngày 9/5, ông Nguyễn Việt Anh (SN 1969) ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM đã đến báo Phụ Nữ phản ánh: “Vợ tôi sang Ả Rập Xê Út làm đã ba tháng nhưng không được trả lương. Cách đây hai tuần cô ấy gọi về kể bị bỏ đói, đánh đập, nói tôi làm đơn cầu cứu để giúp cô ấy trở về nước. Từ sau cú điện thoại đó, đã nửa tháng tôi không liên lạc được với vợ nữa”.

Theo ông Việt Anh, vợ của ông là chị Nguyễn Trần Thanh Thúy (SN 1981) đã thông qua Trung tâm phát triển việc làm phía Nam Hiteco (đường 18C, P.12, Q.Tân Bình) để được đi giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út. Vợ sang xứ người không thấy gửi tiền về, ông Anh ở nhà chạy xe ôm nuôi ba con nhỏ (lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất bảy tuổi) nên rất vất vả. “Tôi không sợ cực nhưng rất lo lắng, hoang mang khi vợ tôi gọi về khóc lóc, cầu cứu”, ông Anh nói.

Ngày 11/5, PV báo Phụ Nữ đã đi cùng ông Việt Anh đến trụ sở Trung tâm phát triển việc làm phía Nam Hiteco. Ông Huỳnh Quốc Anh, đại diện trung tâm cho biết, Hiteco chỉ hỗ trợ giới thiệu cho chị Thúy đi giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út. Đơn vị ký hợp đồng với chị Thúy là CT Colecto (Hà Nội).

Sau khi liên lạc với CT Colecto, ông Quốc Anh nói, phía chủ nhà chị Thúy đang làm việc tại Ả Rập Xê Út khẳng định đã trả đủ lương, không có chuyện chị Thúy bị đánh đập, bỏ đói như phản ánh. Người Ả Rập Xê Út thường ăn bánh và bột mì, nên LĐ Việt Nam khó thích nghi. Theo ông Quốc Anh, nếu chị Thúy muốn về Việt Nam thì theo hợp đồng, phải đền bù hai tháng lương và chịu tiền vé máy bay về nước. 

Tìm hiểu kỹ trước khi đi

Trước thực trạng người lao động (NLĐ) sang thị trường này liên tục cầu cứu, giám đốc một công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại TP.HCM cho rằng, nhiều LĐ muốn tìm kiếm công việc tại nước ngoài để cải thiện cuộc sống nhưng rất thiếu thông tin. LĐ giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út thường có thu nhập bình quân 9-10 triệu đồng/tháng, tiền thưởng và những chế độ đãi ngộ khác.

Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út và Việt Nam khác nhau rất lớn từ con người (phần lớn người Ả Rập Xê Út theo đạo Hồi), địa lý, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ có thể lên đến 50-60 độ C)… NLĐ muốn làm việc ở nước này phải tìm hiểu kỹ các thông tin để có thể hòa nhập mà không bị bỡ ngỡ, chán nản.

Thực tế, nhiều CT đưa NLĐ sang thị trường này chỉ trang bị kiến thức qua loa, nên không tránh khỏi những bất đồng, mâu thuẫn, khiến các vụ khiếu nại có chiều hướng gia tăng.

Bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý LĐ ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong năm 2017 có khoảng 20 vụ khiếu nại liên quan đến LĐ giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út. Với những trường hợp đã được xác minh, theo bà Hà, lỗi là từ nhiều phía như chủ sử dụng LĐ, doanh nghiệp (DN) XKLĐ (DN phái cử) và cả NLĐ.

Do khác biệt văn hóa, chủ sử dụng LĐ đôi khi lạm dụng giờ làm việc của NLĐ, đối xử chưa phù hợp. Với những trường hợp này, Cục đã yêu cầu DN phái cử làm việc với chủ sử dụng LĐ để điều chỉnh. Nếu vì lý do không hợp với chủ sử dụng, NLĐ có nhu cầu chuyển nơi làm việc, DN phái cử phải tiến hành chuyển chủ khác cho NLĐ.

Đại diện Cục Quản lý LĐ ngoài nước khuyến cáo: NLĐ đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út phải thông qua các DN có giấy phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB-XH cấp và có hợp đồng cung ứng LĐ đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út được Cục Quản lý LĐ ngoài nước chấp thuận; phải được đào tạo trước khi đi làm việc.

Khi có vấn đề phát sinh trong thời gian làm việc tại Ả Rập Xê Út như chủ chậm hoặc nợ lương, điều kiện làm việc không đúng hợp đồng… NLĐ phải phản ánh (gọi điện, nhắn tin, gửi email hoặc gửi đơn) đến cán bộ quản lý LĐ của DN thường trú tại Ả Rập Xê Út hoặc phản ánh về DN để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Trường hợp sự việc không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, hoặc trong trường hợp khẩn cấp, NLĐ hoặc người bảo lãnh của NLĐ tại Việt Nam (vợ, chồng, con…) phản ánh với Ban Quản lý LĐ Việt Nam thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út hoặc Cục Quản lý LĐ ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI