Người giúp việc nhà ở Ấn Độ mất việc làm vì chủ lo ngại lây nhiễm COVID-19

03/08/2021 - 12:48

PNO - Nhiều nữ lao động giúp việc nhà ở Ấn Độ mất việc làm vì chủ nhà lo ngại họ trở thành nguồn lây nhiễm COVID-19 do tiếp xúc với người thân ở các khu nhà ổ chuột.

 

Nhiều nữ lao động giúp việc nhà ở Ấn Độ đã mất việc làm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: Aijaz Rahi/AP
Nhiều nữ lao động giúp việc nhà ở Ấn Độ đã mất việc làm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: Aijaz Rahi/AP

Làm công việc dọn dẹp bán thời gian, bà Noor Jahan (56 tuổi) được trả lương hậu hĩnh và mỗi tháng được nghỉ 2 ngày. Đôi khi, lúc sắp ra về, Jahan còn được bà chủ gọi lại nhờ xoa bóp chân như một dịch vụ bổ sung không lương.

Tuy nhiên, sau khi mất việc, bà Jahan muốn nhận được công việc trở lại, mặc dù mức lương hàng tháng chỉ 3.000 rupee (30 bảng Anh) và thực tế “công việc dọn dẹp” bao gồm đủ việc như nấu ăn, ủi quần áo, tưới cây và chăm sóc trẻ em.

Trong đợt phong tỏa năm ngoái, chủ nhà yêu cầu bà Jahan ở nhà vì sợ bà, vốn là một cư dân khu ổ chuột, sẽ lây nhiễm virus cho họ. Kể từ đó, giống như hầu hết khoảng 4 triệu người lao động giúp việc nhà tại Ấn Độ, bà Jahan không tìm được việc làm. Nếu chủ nhà gọi cho bà, bà sẽ quay lại “như tên bắn”.

Khi cuộc sống phất lên, tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ cũng có nhiều thay đổi. Họ không còn chào đón những người dọn dẹp, đầu bếp và người trông trẻ bán thời gian, những người làm việc ở nhà họ hàng ngày trong nhiều thế hệ nữa.

Lần đầu tiên trong đời, giới nhà giàu ở Ấn Độ phải tự làm việc nhà. Và ngay cả khi các đợt giãn cách xã hội được dỡ bỏ, họ vẫn không quay lại cách thức cũ, không còn quá phụ thuộc vào những người giúp việc gia đình, mà "giao" việc nhà cho máy hút bụi, robot lau nhà và máy giặt.

 

Sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, sự phụ thuộc của tầng lớp trung lưu vào lao động giúp việc gia đình đã giảm bớt - Ảnh: Getty Images
Sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, tầng lớp trung lưu không còn quá phụ thuộc vào lao động giúp việc gia đình - Ảnh: Getty Images

Riêng một công ty LG Electronics đã báo cáo doanh số bán máy rửa bát trong năm 2020-2021 tăng 400-500% so với năm trước. Nhu cầu mua hàng cao đến mức nhiều khách hàng phải vào danh sách chờ đợi.

Doanh số bán máy hút bụi cũng tăng gấp ba lần trong năm nay, Ishaan Kapoor, nhân viên bán hàng của Dyson ở New Delhi cho biết.

Ở Ahmedabad, các cửa hàng bán robot lau nhà mỗi tháng bán được 10-15 chiếc, so với 5 chiếc vào năm 2019. Theo khảo sát hồi tháng 12/2020 của Payback-Unomer Shopper, doanh số bán robot lau nhà đã tăng 55%.

Ngay cả cây lau nhà hay khăn lau sàn khiêm tốn để người lau ngồi xổm lau sàn nhà, giờ đây đã được thay thế bằng cây lau nhà xoay tròn tiện dụng.

 

Kanta Devi, 48 tuổi, đã làm việc 15 năm cho một gia đình ở Janakpuri. Sau khi đợt phong tỏa thứ hai được dỡ bỏ vào tháng 5, chủ nhà nói cô đi tìm việc khác - Ảnh: Amrit Dhillon
Kanta Devi, 48 tuổi, đã làm việc cho một gia đình ở Janakpuri 15 năm. Sau khi đợt phong tỏa thứ hai được dỡ bỏ vào tháng 5, chủ nhà đã yêu cầu cô tìm việc khác - Ảnh: Amrit Dhillon

Kanta Devi, 48 tuổi, đã làm việc cho một gia đình ở Janakpuri 15 năm. Sau lần phong tỏa đầu tiên, chủ nhà yêu cầu cô mỗi tuần đến làm một ngày. Sau khi đợt phong tỏa thứ hai được dỡ bỏ vào tháng 5, chủ nhà nói cô đi tìm việc khác. “Họ đã có máy giặt, nay mua thêm lò vi sóng, nồi cơm điện và máy rửa bát”, Devi cho biết.

Bạn của cô, Kamrunisha, 52 tuổi, cũng bị cho nghỉ việc vì lý do tương tự. “Họ nói rằng tôi đã già và đã đến lúc cần nghỉ ngơi, nhưng tôi có thể kiếm được cái gì ăn nếu không làm việc?”, Kamrunisha rầu rĩ.

Ramendra Kumar, chủ tịch Shramik Sangathan Delhi, tổ chức vận động hành lang cho những người giúp việc nhà không chính thức ở Ấn Độ, lo ngại khuynh hướng này sẽ đẩy những ô sin nghèo vào hoàn cảnh cùng cực.

Một số gia đình chủ vẫn tiếp tục trả lương hoặc gửi thức ăn hỗ trợ cho người giúp việc, mặc dù thu nhập của họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhưng những người khác đã đóng cánh cửa đối với người giúp việc cũ của mình.

"Với những người phụ nữ làm nghề giúp việc gia đình, đó là nỗi đau mất thu nhập khi chồng của họ cũng mất việc làm, đó là nỗi lo về việc lại rơi vào cảnh nghèo khó mà họ nghĩ rằng mình đã thoát khỏi, và đó cũng là nỗi đau tinh thần khi chăm sóc một gia đình trong nhiều năm và sau đó bị chủ phũ phàng “mời đi”, ông Kumar cho biết.

Tô Châu (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI