|
Dù con dâu đã chăm chỉ làm việc nhà, nhưng mẹ chồng vẫn bắt bẻ, không ưng, chỉ xem cô như người giúp việc (ảnh minh họa) |
Vân không hiểu tại sao mẹ chồng lại cay nghiệt với cô đến vậy. Trước người lạ, bà còn không thừa nhận cô là con dâu, chỉ xem cô như người giúp việc.
Trong xóm này, mẹ chồng cô là người giao tiếp với bà con, láng giềng nhiều nhất. Gia đình bà ở đây đã mấy đời. Ba chồng cô sở hữu gần chục chiếc xe tải, xe cẩu chuyên chở đất đá, vật liệu xây dựng... cung cấp cho các công trình khắp khu vực. Mối giao hảo của nhà chồng rất được người ngoài ngưỡng mộ. Tài sản cũng không phải hạng xoàng. Khi Vân mới về làm dâu, ai cũng nghĩ Vân có “số hưởng”, vì chồng cô là con trai một trong gia đình.
Nhà cao cửa rộng, nhưng mẹ chồng tuyệt nhiên không cho vợ chồng Vân thuê người giúp việc. Vân làm kế toán cho doanh nghiệp, ngày ngày đau đầu với mớ sổ sách, báo cáo thu chi, báo cáo thuế... Công việc nhiều đến mức cô luôn rời cơ quan sau 8 giờ tối.
Chồng cô hiểu chuyện và thương vợ nên anh thường tự chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà. Mẹ chồng vin vào đó, nói với hàng xóm rằng Vân lười biếng, kiếm cớ về trễ để khỏi phải nấu cơm cho nhà chồng. Bù lại, buổi sáng bà nhất quyết không chịu mua đồ ăn sáng bên ngoài, bắt cô phải tự nấu cho bà. Bữa nay bà muốn ăn phở, mai ăn hủ tíu, mốt ăn cháo lòng… mà cô phải nấu ngon như ngoài tiệm bà mới động đũa muỗng, không ngon là bắt đổ vào sọt rác, rồi lại đi lòng vòng quanh xóm, ca lại bà ca muôn thuở về cô.
Có hôm bà không động đến đồ ăn Vân nấu. Đến xế, đồ ăn đã có mùi ôi thiu, bà nói với hàng xóm rằng con dâu cho bà ăn đồ thiu, rằng cô muốn đầu độc bà để bà chết sớm. Nghe hàng xóm nói lại, Vân như chết sững.
Đã vậy, bà còn hay gửi hàng xóm đi chợ sẵn mua giúp món này món kia, kèm theo câu than thở thèm ăn món đó quá mà con dâu không mua cho ăn. Trong khi ngày nào đi chợ Vân cũng hỏi ý bà có muốn ăn thêm bánh trái gì, bà thở dài nói già cả rồi, không thích ăn. Thuốc bổ, sữa cho người già, yến đắt tiền, sâm quý…Vân đều chuẩn bị sẵn cho bà. Nhưng điều khiến cô buồn là bà chẳng tỏ ra vui vẻ với những món đồ mà con dâu mua cho mình, dù vẫn dùng hết rất nhanh. Vân như cái gai, có cố làm gì thì cũng thành ra vụng về, hư hỏng, đổ bể hết trong mắt bà.
Vân sinh 2 bé gái xinh xắn. Trong khi chồng cô và ba chồng rất yêu quý 2 bé thì mẹ chồng lại thờ ơ lạnh nhạt. Vân nhiều lần khóc thầm, nghĩ rằng do mình không sinh được con trai nối dõi cho nhà chồng nên mới bị mẹ chồng ghét, nhưng sự thật không phải vậy.
|
Bị phản bội, mẹ chồng "giận cá chém thớt", trút hết căm hờn lên đầu con dâu (ảnh minh họa) |
Ba chồng cô có bồ nhí. Chuyện này Vân chỉ biết sau khi về làm dâu. Một tháng ông chỉ ở nhà vài ngày, còn lại đều về căn nhà nhỏ mà ông mua riêng để cho người tình ở.
Thật ra thì người phụ nữ kia cũng không xinh đẹp gì, lại đã một đời chồng. Chuyện này cả xóm đều biết. Chồng Vân kể hồi gia đình đang thịnh vượng, mẹ chồng vướng vào cờ bạc. Bà có thể ngồi sòng thâu đêm suốt sáng, uống cà phê, ăn bánh ngọt cầm hơi để “xào bài”. Lúc này chồng Vân còn đang đi học. Ba chồng rất chí thú làm ăn. Nhưng 2 cha con thường xuyên phải ăn cơm hộp vì bà bận “nấu” ở sòng bài rồi.
Quá chán nản, ông thường xuyên vắng nhà, rồi có người khác.
Bà biết chuyện, cố gắng sửa đổi, níu kéo ông quay về nhưng bất thành. Kể từ đó, bà cũng đổi tính đổi nết. Vân có lẽ chỉ là người kém may mắn khi cô bước vào nhà chồng vào đúng cái giai đoạn "khó ở", căng thẳng giữa ba mẹ chồng. Phận là dâu con, cô luôn cố gắng dung hòa mọi việc trong nhà, giữ hòa khí cho gia đình, dạy con tôn trọng, phép tắc, đúng mực với ông bà nội. Cô cũng khuyến khích 2 đứa con gần gũi bà để bà vui, nguôi ngoai những nỗi niềm.
Càng có tuổi, mẹ chồng Vân càng mắc nhiều bệnh cùng lúc: tiểu đường, huyết áp, suy thận… Cô thường xuyên phải nghỉ việc đưa bà ra vào bệnh viện.
Kỳ này bà đổ bệnh nặng, nỗi lo lắng bệnh tật khiến tính khí bà càng kì cục hơn. Bà giới thiệu với những người cùng phòng bệnh rằng Vân chỉ là người giúp việc trong gia đình, cô nghe mà người ta nói lại mà chưng hửng. Tuy vậy, Vân vẫn chăm sóc bà dưới cái mác người giúp việc. Cô đã quá quen với tính khí đồng bóng của mẹ chồng. Chồng cô - con trai bà - vốn không chịu nổi tính mẹ nên rất hiếm khi vào chăm bà.
Ngày bà xuất viện, chỉ có Vân lo lắng mọi việc, chạy đôn đáo ký giấy tờ, thanh toán viện phí, lái xe chở bà về. Trên đường về, cô còn ghé mua thêm sâm, yến... để bà tẩm bổ.
Thấy Vân kiên ngày ngày nhẫn nại đút cho mình từng muỗng yến, chu đáo và nhẹ nhàng, bà thấy hổ thẹn. Hóa ra, người mà bà hạnh họe coi thường bấy lâu vẫn luôn tận tâm với bà, trong khi đứa con ruột thì bỏ bê.
Bà hỏi con dâu vì sao có thể kiên nhẫn với bà như vậy, Vân chỉ mỉm cười: "Vì con hiểu rõ nỗi cô đơn của mẹ. Con biết mẹ cô đơn ngay trong căn nhà này. Phụ nữ với nhau, nếu con không thương mẹ, thì ai thương mẹ đây!"
Mẹ chồng Vân ứa nước mắt. Giá như bà nhìn ra tấm lòng Vân sớm hơn, giá như bà không cư xử quá quắt với cô... Thật may, nhờ lần ngã bệnh này, bà đã kịp nói lời xin lỗi con dâu...
Tử Anh Anh