Người giúp tăng giá trị trái thanh long

07/01/2022 - 10:56

PNO - Sản phẩm tương làm từ trái thanh long của chị được chọn trao giải nhất tại cuộc thi “Khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021".

Ngày 31/12/2021 vừa qua, tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021” do Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận tổ chức, sáng kiến khởi nghiệp của người phụ nữ 67 tuổi được chọn trao giải nhất với sản phẩm tương làm từ trái thanh long.

Cuộc phiêu lưu ở tuổi 67

Cuộc thi được tổ chức từ ngày 6/10/2020 đến 1/3/2021 đã thu hút 35 sản phẩm và dự án khởi nghiệp với nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi tham gia. Chị Hồ Thị Bạch Hoàng, 67 tuổi, ngụ TP.Phan Thiết - “cha đẻ” của loại tương làm từ trái thanh long - đã vinh dự nhận giải nhất. Chị xúc động: “Giải nhất cuộc thi là sự công nhận, nhưng cũng mở ra cho tôi một hành trình phía trước không ít gian nan so với hai năm thai nghén ý tưởng, mày mò thực nghiệm để tìm ra công thức của sản phẩm và tự tin đưa sản phẩm dự thi”.

Theo chị, gian nan là bởi trong suốt thời gian dịch bệnh, tất cả mọi thứ dường như đóng băng. Sản phẩm chị làm ra, dù được công nhận chất lượng khi đi chào hàng tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn, nhưng vẫn chưa có cơ hội tiếp cận thị trường vì người tiêu dùng đã quen với giá thành rẻ của các loại tương hiện có, và vì trong suốt năm qua ngành du lịch không hoạt động, các quán ăn đa phần tạm đóng cửa.

Ở tuổi 67, chị Hồ Thị Bạch Hoàng (ngoài cùng bên trái) vẫn bôn ba ở các hội chợ, các cuộc triển lãm để giới thiệu thanh long và sản phẩm  làm từ trái thanh long
Ở tuổi 67, chị Hồ Thị Bạch Hoàng (ngoài cùng bên trái) vẫn bôn ba ở các hội chợ, các cuộc triển lãm để giới thiệu thanh long và sản phẩm làm từ trái thanh long

“Trong một lần đi Hà Nội, tôi đã ghé thăm một cơ sở sản xuất tương bần. Cũng chỉ một vài nguyên liệu đơn giản, người ta đã chế biến ra loại tương rất ngon. Tôi nghĩ, lẽ nào mình không làm được một loại tương từ trái thanh long!” - chị kể lại cơ duyên đưa mình đến với sản phẩm mới. Trở về, chị bắt đầu tìm hiểu nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm tương. Tại địa phương, hầu hết các quán bún, phở, lẩu, thậm chí trong các bếp ăn gia đình đều sử dụng các loại tương đen, tương đỏ. Chị nghĩ, “nếu thanh long được chế biến thành tương sẽ là thực phẩm đem lại nguồn dinh dưỡng hỗ trợ tốt cho sức khỏe” sau khi biết thông tin trái thanh long có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn quả kiwi. Ngoài ra, hạt thanh long còn có dược tính tốt hỗ trợ cho sức khỏe và bổ sung vi chất ngăn ngừa các bệnh lão hóa và ung thư.

“Thị trường hiện chưa có loại tương này nên cơ sở chúng tôi mạnh dạn sản xuất với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng một sản phẩm đặc thù, đặc sản của địa phương, hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng” - chị Hoàng nói.

Là người khai phá nên chị Hoàng tự mày mò tìm hiểu về quy trình ủ tương và áp dụng trên nguyên liệu trái thanh long tươi của mình. Chị đã thất bại không biết bao nhiêu lần. Cứ mỗi lần thất bại, chị lại rút ra cho mình một nguyên nhân. “Đậu, ngũ cốc lên men, chín mới ra tương. Mình dùng trái thanh long làm nguyên liệu chính thì phải thêm bột bắp, bột đậu nành mới lên men được”, chị kể. 

Kể từ tháng 3/2021, sau khi đưa sản phẩm tương thanh long dự thi vòng chung kết, chị cũng bắt đầu tìm cách đưa nó ra thị trường. Để sản phẩm mới có mặt trên thị trường là điều không dễ. Việc này khiến chị phải suy nghĩ đến “bạc tóc”. Thấy mẹ lo lắng, con chị phản đối. Chị cũng thấy cuộc “phiêu lưu” của mình “lành ít, dữ nhiều”. Nhưng việc làm ra sản phẩm mới từ nguyên liệu chính của địa phương khiến chị có niềm vui để tiếp tục cuộc phiêu lưu.

Ước mơ nâng tầm trái thanh long Việt

Đây không phải là lần đầu tiên chị Hồ Thị Bạch Hoàng “tự làm khổ mình” với trái thanh long. Từ năm 2010, sau khi đã ổn định cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Uyên, chị giao cho con quản lý để dấn thân sang một lĩnh vực mới: mua 1,5ha đất tại xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam để trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Để sản phẩm dễ dàng tiêu thụ, chị vận động, thuyết phục bà con nông dân trồng thanh long thành lập hợp tác xã và thực hiện chăm bón theo quy trình VietGAP. Là người tiên phong với nông nghiệp hiện đại, thời điểm đó chị gặp không ít khó khăn trong việc thay đổi thói quen sản xuất trước đây của người nông dân. Rồi “trái ngọt” cũng đến khi sản phẩm của hợp tác xã do chị đứng đầu đạt năng suất cao và được thị trường chấp nhận. 

Nhưng rồi việc tiêu thụ thanh long sạch (tiêu chuẩn VietGAP) cũng gặp nhiều khó khăn khi giá cả thị trường phụ thuộc vào doanh nghiệp thu mua. Chưa kể, có những doanh nghiệp “đánh lận con đen” khi gắn mác VietGAP cho thanh long sản xuất theo quy trình thông thường. Ngồi nhìn những trái thanh long căng bóng nằm lăn lóc trên ruộng, chị đã trăn trở tìm đầu ra cho sản phẩm giúp nông dân, nhất là vào thời điểm thanh long không xuất khẩu được.

Thế rồi, chị bắt đầu nghiên cứu để chế biến nhiều sản phẩm từ thanh long phục vụ cho khách du lịch. Có kiến thức nền tảng từ việc làm bánh kẹo của gia đình, ban đầu chị Hoàng nghĩ đến việc làm các loại bánh mứt thanh long, siro thanh long, búp thanh long muối. Sản phẩm được đưa ra giới thiệu lần đầu tiên tại lễ hội khinh khí cầu tổ chức tại Bình Thuận năm 2012. Du khách cũng như người địa phương đã hết sức ngạc nhiên với sản phẩm độc, lạ.

Sản phẩm mứt thanh long và siro thanh long của chị Hồ Thị Bạch Hoàng vinh dự là một trong 38 sản phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm “Phụ nữ sáng tạo” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2013. Đứng trước gian hàng với phông nền là hình ảnh của mình với dòng chữ “Người nâng tầm thanh long Bình Thuận” được ban tổ chức chuẩn bị sẵn, chị xúc động, tự hào khi đặc sản của quê hương mình được đi xa hơn.

Năm 2013, trong một buổi tọa đàm do Liên Hiệp Quốc tổ chức dành cho những người phụ nữ nông thôn giới thiệu đặc sản quê hương, chị Hoàng được một chuyên gia người Nhật gợi ý về việc sử dụng thanh long làm rượu vang, bởi theo chuyên gia này, “bất kỳ loại trái cây nào có đường cũng có thể làm rượu vang”. Không chỉ gợi ý, vị chuyên gia còn hướng dẫn quy trình ủ rượu. 

“Không biết uống rượu, cũng chưa từng có kinh nghiệm làm rượu vang, nhưng nếu làm thành công, quê hương sẽ có thêm một đặc sản, cũng có nghĩa một lượng thanh long rất lớn sẽ được tiêu thụ, nghĩ vậy nên tôi rất hào hứng”, chị kể. Và cho đến hiện nay, dù ghi chép nhật ký cẩn thận, nhưng chị Hoàng không nhớ được mình đã làm hỏng bao nhiêu mẻ rượu, có những mẻ lên đến cả trăm ký, để có được công thức cuối cùng, bởi do hàm lượng đường khác nhau trong trái thanh long chính vụ và trái vụ, do tác động của thời tiết… Năm 2020, quy trình chưng cất rượu thanh long của chị Hoàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền. 

Niềm vui đến chưa được bao lâu thì COVID-19 khiến du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hệ thống cửa hàng tiêu thụ gần như bị tê liệt. Có những lúc chị muốn buông tay bằng cách bán lại quy trình sản xuất để giải phóng những khoản nợ ngân hàng, nhưng rồi chị lại cố gắng vượt qua. “Quy trình đó như một đứa con mình thai nghén, mang nặng đẻ đau, tôi không nỡ bán đi. Tôi sẽ cố gắng tìm nhà đầu tư để tiếp tục nuôi lớn đứa con của mình. Khó khăn sẽ qua”, chị tin tưởng. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI