Người giúp hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ

26/11/2016 - 07:45

PNO - Dù chưa bao giờ trẻ em có điều kiện tiếp cận với kiến thức dễ dàng như ngày nay, nhưng một điều không hề thay đổi là người thầy luôn đồng hành cùng học sinh.  

Từ bao đời, tư tưởng tôn sư trọng đạo luôn thấm sâu trong từng thế hệ học sinh. Dù chưa bao giờ trẻ em có điều kiện tiếp cận với kiến thức dễ dàng như ngày nay, nhưng một điều không hề thay đổi là người thầy luôn đồng hành cùng học sinh. Đó là lý do vì sao xã hội luôn dành sự tôn quý đặc biệt đối với các thầy cô giáo.

Mới đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCED) đã đưa ra thống kê về mức đãi ngộ cho nhà giáo ở 30 nước thành viên. Theo đó, trung bình 80% ngân sách giáo dục được đầu tư và chi trả lương cho thầy cô giáo.

Quốc gia đầu tư cho giáo viên (GV) nhiều nhất là Phần Lan. Phần Lan cũng luôn nằm trong top đầu bảng xếp hạng của PISA - cuộc khảo sát giáo dục chuyên đánh giá về năng lực phổ thông của học sinh ở độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.

Muốn làm GV ở Phần Lan không phải chuyện đơn giản. Liên tục nhiều năm qua, dù khủng hoảng kinh tế khiến lương GV ở Phần Lan giảm đáng kể nhưng người trẻ vẫn luôn khao khát bước vào môi trường sư phạm.

Ngành sư phạm tiểu học ở Phần Lan hấp dẫn đến mức chỉ khoảng 7% ứng viên được chọn, mỗi năm có khoảng 1.400 người trẻ thất vọng vì không vượt qua được đầu vào khắt khe của ngành. Sinh viên không chỉ phải liên tục trau dồi kiến thức, mà còn được khuyến khích học song song thêm ngành khác trước khi đứng lớp.

Hiệu trưởng Kimmo Koskinen của trường đào tạo giáo viên Viikki ở Helsinki nói: “Chọn lọc gắt gao, yêu cầu cao với GV tương lai là cách đất nước chúng tôi thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với nghề giáo. Đào tạo một người thầy cũng quan trọng như đào tạo một bác sĩ. Người thầy kiến tạo nên nền tảng và giá trị cốt lõi cho nhân cách, trí tuệ của mỗi đứa trẻ. Trong ngành này, chúng tôi không chấp nhận “sản phẩm” lỗi vì xã hội cần chuẩn mực tuyệt đối”.

Ước mơ của nhà chức trách Phần Lan là tạo nên một môi trường giáo dục công bằng cho tất cả học sinh, bất kể hoàn cảnh gia đình, điều kiện cá nhân. Maria Hyväri (24 tuổi), GV mầm non tập sự ở Helsinki kể: “Chúng tôi luôn phải đối diện với câu hỏi mình phải học thêm gì, làm mới mình mỗi ngày như thế nào”.

Nguoi giup hinh thanh nhan cach cho the he tre
Maria Hyväri - ẢNH: GUARDIAN

Ngành giáo dục và xã hội đặt niềm tin rất lớn vào GV. GV ở Phần Lan được tự do thiết kế bài giảng, dùng phương pháp tiếp cận thích hợp với học sinh dựa theo chuyên môn sư phạm của mình. Maria Hyväri cũng như nhiều giáo viên khác, cảm nhận rất rõ mình được xã hội tôn trọng và tin tưởng.

Nhà nghiên cứu giáo dục Pasi Sahlberg tại ĐH Harvard cho rằng, GV ở Phần Lan là những người chuyên nghiệp độc lập, xứng đáng nhận được sự tôn trọng của toàn xã hội vì tạo ra được sự khác biệt tích cực trong thế hệ trẻ.

Tôn vinh người thầy là sứ mệnh thiêng liêng mà cả xã hội luôn hướng đến. Giải thưởng GV toàn cầu (do Quỹ Varkey của Anh sáng lập) là một điểm sáng của giáo dục thế giới. Đầu năm nay, cô giáo người Palestine Hanan Al Hroub đã vượt qua 8.000 ứng viên là GV trên toàn thế giới, được vinh danh vì những đóng góp thầm lặng xuất phát từ tình yêu vô điều kiện dành cho học sinh.

Sinh ra và lớn lên trong một trai tị nạn ở Palestine, cô Hanan Al Hroub đã dành trọn cuộc đời để hỗ trợ trẻ gặp các sang chấn tâm lý vì bạo lực, khủng hoảng. Cô dạy cho trẻ ở trại tị nạn Bờ Tây những con chữ đầu tiên, dạy các em cách hòa nhập với cộng đồng. Toàn bộ giải thưởng trị giá mộ t triệu USD được cô Hanan “đầu tư” cho tương lai các học sinh đáng thương của mình, vì với cô, GV phải là người thay đổi thế giới.

Nguoi giup hinh thanh nhan cach cho the he tre
Cô Hanan Al Hroub cùng các học sinh của mình - ẢNH: AP

Giải thưởng GV toàn cầu cũng gửi đi thông điệp: “Xã hội này đang đối mặt với vô vàn khủng hoảng, từ kinh tế đến chính trị, y tế, xã hội… Chỉ giáo dục mới trao cho chúng ta cơ hội thoát đói nghèo, xung đột, bất công và người thầy là người dẫn đường xuyên suốt hành trình này”.

Năm 1994, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chọn ngày 5/10 hàng năm là Ngày vinh danh giáo viên trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia sau đó cũng chọn riêng một ngày trong năm để tôn vinh những người thầy.

Ở Nhật không có Ngày Nhà giáo nhưng sự tôn kính dành cho thầy cô là bài học vỡ lòng của bất kỳ đứa trẻ nào. Mỗi sáng đến trường, các em vòng tay chào thầy cô, một cử chỉ nhỏ nhưng nói lên được thái độ của xã hội đối với công việc cao quý họ đang làm. Với người Nhật, thầy cô giáo được kỳ vọng là “kiến trúc sư” hình thành nhân cách cho đứa trẻ. Một học sinh ăn cắp vặt ở đâu đó, nếu bị phát hiện thì đầu tiên cảnh sát sẽ thông báo cho GV chủ nhiệm của em, trước khi thông báo cho gia đình.

Từng có một câu chuyện cảm động truyền cảm hứng về hình ảnh người thầy ở Nhật, là bức thư dặn dò làm bài tập về nhà mà người thầy kịp giao cho học sinh trước khi lìa đời. Thầy viết: “Bài tập về nhà cuối cùng sẽ không có thời hạn. Đó là các con hãy sống vui vẻ. Các con đừng vội nộp bài mà hãy thoải mái sử dụng quỹ thời gian của mình để làm bài tập thầy giao”.

Thiên Như (Theo Guardian, Telegraph, BBC, Ajajashita)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI