Người giữ nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ Chăm

19/12/2023 - 05:51

PNO - Với tâm huyết của mình, ông Mohamad đã góp phần giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ Chăm và đưa nghề dệt thổ cẩm xã Châu Phong thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại cơ sở dệt thổ cẩm làng Chăm Châu Phong (ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), sáng sớm, bên khung cửi, chị Salyha đã ngồi dệt thổ cẩm. Với bàn tay điêu luyện của một nghệ nhân, chẳng mấy chốc một tấm vải đẹp đã được hình thành từ những sợi chỉ đủ sắc màu.

Xã Châu Phong hiện có trên 4.500 đồng bào Chăm đang sinh sống. Với họ, dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nét văn hóa đặc trưng. Theo các cụ cao niên, nghề dệt thổ cẩm ở Châu Phong phát triển từ khoảng những năm đầu thế kỷ XIX.

Cơ sở của ông Mohamad đã giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ Chăm  và góp phần phát triển du lịch ở địa phương
Cơ sở của ông Mohamad đã giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ Chăm và góp phần phát triển du lịch ở địa phương

Xưa kia, hầu như nhà người Chăm nào cũng có ít nhất 1 khung dệt và nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Cứ 10-12 tuổi, các thiếu nữ đã được hướng dẫn những thao tác đơn giản nhất của nghề. Giai đoạn hưng thịnh, nơi đây có hàng trăm gia đình làm nghề.

Nhưng qua thời gian, nghề ngày càng mai một, xã Châu Phong hiện chỉ còn lại cơ sở dệt thổ cẩm làng Chăm Châu Phong của ông Mohamad. “Tôi là thế hệ thứ ba tiếp nối nghề dệt thổ cẩm nên phải có trách nhiệm gìn giữ, phát triển cho thế hệ sau. Không chỉ vậy, cái nghề này đang tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương” - ông Mohamad chia sẻ.

Ông Mohamad đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hàng chục năm qua bằng tâm huyết và niềm đam mê. Từ năm 2000, để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của gia đình, ông thành lập cơ sở dệt thổ cẩm làng Chăm Châu Phong, tạo công ăn việc làm tại xưởng cho 5 phụ nữ và nhiều chị em nhận việc gia công về nhà.

Không chỉ vậy, ông Mohamad còn liên kết làm các tour du lịch tham quan cơ sở dệt thổ cẩm, góp phần phát triển kinh tế của địa phương và đưa hàng thổ cẩm của đồng bào mình vươn xa. Sản phẩm thổ cẩm của ông được trưng bày tại các sự kiện lớn trong nước và các hội chợ xúc tiến du lịch tại địa phương. Đặc biệt, ông đã 2 lần tham gia lễ hội tôn vinh dệt thổ cẩm Việt Nam toàn quốc tại Đắk Nông vào năm 2019 và 2020.

Chị Salyha bên các sản phẩm dệt thổ cẩm vừa hoàn thành
Chị Salyha bên các sản phẩm dệt thổ cẩm vừa hoàn thành

Ông Nguyễn Văn To - Phó chủ tịch UBND xã Châu Phong - chia sẻ: “Cơ sở của ông Mohamad thời gian qua đã thu hút khá đông khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương và tạo việc làm cho chị em phụ nữ. Hiện nay, cơ sở dệt thổ cẩm là điểm trọng tâm để phát triển du lịch cũng như bảo tồn làng nghề trong thời gian tới”.

Ngày 10/12 vừa qua, UBND thị xã Tân Châu đã tổ chức lễ công bố ghi danh nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Mohamad vui mừng: “Sự công nhận này sẽ giúp nghề dệt thổ cẩm Chăm phát triển và vươn xa. Sắp tới, tôi sẽ suy nghĩ để làm ra những mẫu mã đẹp hơn nữa, để giới thiệu cho đông đảo khách hàng”. 

Huyền Thoại

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI