PNO - Hàng triệu người Việt đang mong mỏi từng ngày để được tiêm vắc-xin COVID-19, kết thúc đại dịch, nhất là khi 117.600 liều AstraZeneca đầu tiên đã về đến TP.HCM; đồng thời luôn mong được tiêm các loại vắc-xin khác an toàn, chất lượng.
Vậy, để vắc-xin an toàn khi tiêm ngừa, quá trình đảm bảo chất lượng tại hệ thống tiêm chủng lớn nhất nước như VNVC, công việc đã được thực hiện thế nào? Cùng nghe trải lòng từ “nữ tướng” - dược sĩ Trần Thị Trung Trinh, Giám đốc Kiểm soát chất lượng Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC.
Dược sĩ Trần Thị Trung Trinh, Giám đốc Kiểm soát chất lượng của Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, người đang giữ cánh cửa vắc-xin an toàn cho hàng triệu người dân
“Sống” ở kho lạnh giữa Sài Gòn
Mặc đồ bảo hộ kín mít, mang đôi găng tay đặc biệt như đang ở xứ lạnh, dược sĩ Trần Thị Trung Trinh mở hé cánh cửa ở tổng kho lạnh tại một Trung tâm Tiêm chủng VNVC trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Bà khoe: “Ngoài hệ thống 51 kho lạnh đạt chuẩn GSP bảo quản các loại vắc-xin, trong đó có vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca ở nhiệt độ 2 - 80C thì chúng tôi cũng đi trước đón đầu khi VNVC là đơn vị duy nhất cả nước có hệ thống kho lạnh âm sâu tới -860C, sẵn sàng đáp ứng điều kiện bảo quản đặc biệt như vắc-xin Pfizer khi nhập về Việt Nam. Bên cạnh TP.HCM, các kho lạnh âm sâu này cũng được xây dựng hoành tráng ở Hà Nội, Đà Nẵng để sẵn sàng phục vụ người dân”.
Chỉ tay về hướng cửa ra vào khu vực kho bảo quản vắc-xin âm sâu, bà bật mí, không phải ai cũng có thể ra vào nơi này một cách dễ dàng, ngay cả với các nhân viên. Tất cả những ai có phận sự đều phải tuân thủ đúng các quy định nghiêm khắc, đặc biệt là tránh để nhiệt độ bên trong bốc hơi ra ngoài. Nhiệt độ luôn duy trì từ 15 - 220C để bảo quản tủ bảo quản vắc-xin âm sâu được sử dụng lâu bền và an toàn. Đưa tay đã được bọc trong găng tay chuyên dụng vào trong tủ âm sâu, khí lạnh tỏa ra che cả tầm nhìn, bà lấy vội những chiếc kẹp nhiệt kế ra để kiểm tra nhiệt độ của tủ bảo quản vắc-xin hiển thị trên màn hình bên ngoài có đúng hay không. Đây là việc làm “dư” so với hệ thống tủ cao cấp này, nhưng với nữ tướng trung tâm tiêm chủng, tất cả những gì đối chiếu chéo nghiêm ngặt không bao giờ được bỏ qua.
Hệ thống kho lạnh âm sâu đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam của VNVC có thể bảo quản các vắc-xin COVID-19 như Pfizer/BioNTech, Moderna... với nhiệt độ âm sâu rất thấp
“Để theo dõi vắc-xin ở các tủ bảo quản âm tới 860C này rất khó khăn, vì quá lạnh, chúng tôi phải mang găng tay chuyên dụng và thao tác rất nhanh. Loại nhiệt kế đặt trong tủ âm sâu này được thiết kế rất đặc biệt, không bị hư khi tiếp xúc với nhiệt độ âm sâu trong thời gian dài. Mỗi tủ có 5 kẹp nhiệt kế, được kết nối với máy tính bên ngoài và ghi chép nhật ký lưu trữ tự động. Mỗi ngày, khu vực này có nhân viên kỹ thuật kiểm tra, đồng thời có người ghi chép bằng tay để đối chiếu dữ liệu xem trùng khớp với nhau không. Sau mỗi 1 - 3 ngày, chúng tôi lại kiểm tra nhiệt kế trong tủ âm sâu. Ngay cả thời gian mở tủ cũng được quản lý chặt chẽ để bảo quản vắc-xin an toàn”, dược sĩ Trần Thị Trung Trinh tiết lộ.
Mỗi ngày, ngoài việc kiểm tra trong các kho vắc-xin, bà cho biết Bộ phận Kiểm soát chất lượng còn đảm nhiệm công việc giám sát các bộ phận khác có làm đúng quy trình chuẩn hay không. Kể về chuyện này, bà cười: “Thực ra, không ai muốn mình bị kiểm tra hay bắt lỗi nhưng để đảm bảo tính hiệu quả, an toàn của việc tiêm vắc-xin bắt buộc chúng tôi phải “rình” xem tất cả các bộ phận có làm đúng theo những quy trình, quy định đã được ban hành hay không. Trong đó, nếu phát hiện những sai sót của các bộ phận thì việc phải nói thế nào để mọi người hiểu sai và sửa là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người làm công việc kiểm soát chất lượng vừa phải giỏi chuyên môn vừa khéo léo trong cách giao tiếp ứng xử”.
Không chỉ là người xây dựng và đảm bảo hệ thống chất lượng phù hợp với chính sách an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế cho Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, dược sĩ Trần Thị Trung Trinh cho biết, có rất nhiều công việc nhỏ nhặt, không tên khác mà bà và đội ngũ kiểm soát chất lượng của VNVC phải làm để đảm bảo đúng từng công đoạn hoạt động của trung tâm, như đi xem đội kiểm soát môi trường có lau dọn sạch sẽ các khu vực trong trung tâm tiêm ngừa hay chưa, đội kiểm soát côn trùng có đặt bẫy chuột, bắt côn trùng hay không, kiểm tra nhiệt độ phòng, ánh sáng, mùi hương có đạt chuẩn theo quy định…
“Có lẽ hiếm có một hệ thống tiêm chủng nào có đội ngũ nhân viên kiểm soát chất lượng đông đảo như chúng tôi. 100% Trung tâm tiêm chủng VNVC đều có ít nhất 1 nhân viên kiểm soát chất lượng, đồng hành toàn bộ thời gian hoạt động, các trung tâm lớn có thể bổ sung thêm nhân sự. Từ trung tâm ở Gia Lai, Đắk Lắk hay giữa TP.HCM thì chất lượng, quy trình bảo quản vắc xin, quy trình an toàn tiêm chủng phải được thực hiện giống như nhau”.
Hệ thống kho lạnh chứa vắc-xin COVID-19 AstraZeneca được VNVC được xây mới hoàn toàn và biệt lập, luôn duy trì nhiệt độ từ 2 - 8 độ C nhờ dàn lạnh chuyên dụng chạy suốt ngày đêm
Quyết về VNVC sau cuộc đối thoại bất ngờ
Nói về cơ duyên đến với nghề kiểm soát chất lượng, dược sĩ Trần Thị Trung Trinh tiết lộ, bà sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng và y đức, nhiều người thân theo đuổi và thành công trong ngành y dược. Năm đó, nữ sinh Trần Thị Trung Trinh đậu cả “nhất y nhì dược”, đặc biệt còn nằm trong top 5 người điểm cao nhất trường y. Theo định hướng của cha, bà đã chọn học ngành dược. Ngày ra trường, bà chỉ mới 21 tuổi, là sinh viên tốt nghiệp trẻ nhất trường.
Thuở ấy, thấy bạn bè làm trình dược viên với mức lương hấp dẫn, nhưng trong thâm tâm, bà vốn là người của khoa học, đam mê nghiên cứu, thích khám phá quy trình kiểm nghiệm, chất lượng thuốc… Chính vì lẽ đó, một người thầy trong ngành đã nhiệt tình giới thiệu bà vào làm ở viện bào chế thuốc. Sau những ngày tháng theo nghề, bà được nhiều hãng dược nước ngoài mới vào Việt Nam săn đón, tuyển dụng và tạo điều kiện để bà có thể phát huy tối đa năng lực, sở trường. Dược sĩ Trần Thị Trung Trinh được cử đến nhiều nước có ngành y dược hàng đầu thế giới như Pháp, Đức và nhiều quốc gia tiên tiến khác để học về quy trình kiểm soát chất lượng của ngành dược.
“Thời điểm đó, các nhà máy dược phẩm ở nước ta còn chưa chú trọng vai trò của kiểm soát chất lượng, chưa có chuyên gia trong lĩnh vực này. Tôi may mắn được tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Khi trở về Việt Nam, tôi được Phân viện Kiểm nghiệm thuốc (hiện là Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM) và Sở Y tế TP.HCM mời trình bày và hướng dẫn về vai trò của kiểm soát chất lượng và cách biên soạn quy trình thao tác chuẩn cho nhân viên y tế”, bà kể.
Cuối cùng, sau gần 50 năm công tác trong nghề dược, đầu quân cho rất nhiều hãng dược lớn trong và ngoài nước, bà quyết về Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC cống hiến, sau một cuộc trò chuyện thú vị.
Bà nhớ lại: “Năm đó, tôi nghỉ ở công ty nước ngoài và vô tình gặp lại một người quen trong ngành y. Lúc trò chuyện, anh ngỏ ý tôi thử sang giúp sức xây nhà máy sản xuất thuốc cho một người bạn của anh từ Liên Xô mới về. Vài ngày sau, tôi gặp một thanh niên rất trẻ (ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC hiện nay) chia sẻ một sơ đồ nhà máy và dắt tôi đi xem. Đến nơi, tôi chỉ thấy một đống gạch nên khá ngạc nhiên “Đây là nhà máy sao?”. Vị tổng giám đốc tương lai trả lời sắc bén: “Phải từ đống gạch rồi mới thành nhà máy được”. Rồi tôi hỏi tới đâu, người trai trẻ nhiệt tình giải thích rành rẽ đến đó. Tôi thực sự bất ngờ khi thấy người thanh niên này rất hiểu công việc mình sắp làm và còn biết được tương lai của việc mình sẽ làm. Từ câu nói thông minh, can đảm và quyết đoán đó, tôi quyết định đồng hành cùng ông Ngô Chí Dũng, xây dựng một trong những nhà máy dược đầu tư lớn, bài bản và quy mô hàng đầu Việt Nam ở thời điểm đó”.
Sau nhiều năm hỗ trợ ông Ngô Chí Dũng xây dựng và phát triển thành công nhà máy dược, đến năm 2018, dược sĩ Trần Thị Trung Trinh tiếp tục đồng hành cùng ông Dũng ở một trọng trách mới - phụ trách xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng cho Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC.
Hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo chất lượng vắc-xin và sự an toàn, hiệu quả cho người sử dụng. Ảnh: VNVC
Đầu quân về VNVC, dược sĩ Trần Thị Trung Trinh chia sẻ, lúc đó bà chưa có kinh nghiệm nhiều ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhờ sự tin tưởng của vị thuyền trưởng Ngô Chí Dũng và với kinh nghiệm về kiểm định chất lượng thuốc, cùng sự chung sức, hợp tác của mọi người tại đây, bà đã mày mò nghiên cứu, xây dựng cho được quy trình chuẩn để hệ thống vận hành tốt và đảm bảo chất lượng.
“Sau mấy năm gắn bó, VNVC từ lúc có 3 - 4 trung tâm, giờ đã tới 49 trung tâm, 51 kho lạnh trên khắp cả nước, hệ thống kiểm soát chất lượng do tôi xây dựng ngày càng hoàn thiện. Nhiệm vụ kế tiếp của tôi là đào tạo cho được thế hệ tiếp theo để VNVC tiếp tục vươn ra biển lớn. Tôi may mắn khi gặp ông Ngô Chí Dũng là người lãnh đạo giỏi, thấu hiểu những khó khăn của Bộ phận Kiểm soát chất lượng và tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi hoàn thành công việc.
Và điều đặc biệt mà VNVC dám làm là đầu tư rất lớn cho những kho bảo quản vắc-xin hiện đại mà nước ta chưa có bao giờ, đồng thời đầu tư lớn cho đội ngũ nhân sự quản lý chất lượng, bảo vệ đến cùng hoạt động đảm bảo những nguyên tắc đúng như tiêu chí của hoạt động quản lý chất lượng là “đảm bảo chất lượng tốt nhất cho tất cả các hoạt động, quy trình, sản phẩm, dịch vụ”. Những điều này làm tôi không bao giờ hối tiếc với quyết định đầu quân năm xưa của mình và gắn bó với nơi đây nhiều năm sau.
Điều thú vị là con gái của tôi hiện cũng làm việc tại VNVC. Cháu trai tôi đang học ở nước ngoài cũng mong muốn khi học xong về đầu quân cho “Chủ tịch” Ngô Chí Dũng, nếu được vậy thì nhà tôi thật có phúc khi ba đời đầu quân cho một minh chủ”, vị nữ Giám đốc Kiểm soát chất lượng VNVC dí dỏm chia sẻ niềm tự hào của mình.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.